Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bác sĩ Hiệp (phải) với những tấm đan đổ từ cát thủy tinh và ximăng |
Lúc mới chia tách về bệnh viện mới là Bệnh viện huyện Cờ Đỏ (nay là Bệnh viện Thới Lai), bác sĩ Hiệp trăn trở chuyện rác thải của bệnh viện không có chỗ xử lý, bỏ chất đống gây ô nhiễm và ông tự mày mò cùng nhân viên của mình xây một lò đốt chất thải rắn ở phía sau bệnh viện để đốt rác hằng ngày. Nhưng cũng lúc này nhiên liệu (xăng) tăng giá và chi phí mỗi lần đốt rác tăng lên quá cao, bệnh viện không kham nổi.
Trong “cái khó ló cái khôn”, ý tưởng lóe lên trong đầu bác sĩ Hiệp là đưa thủy tinh trở về nguyên thủy của nó là cát. Vậy là bác sĩ Hiệp bắt tay ngay vào làm để thực hiện ý tưởng máy xay thủy tinh (từ mô hình máy xay thịt, cá). Ông nhờ người vẽ mô hình máy theo ý mình lên máy tính và bắt tay vào chế tạo máy.
Sau gần hai tháng mày mò, ông đã cùng với kỹ sư cơ khí làm xong máy xay thủy tinh và bắt đầu xay rác thủy tinh thành cát. Bác sĩ Hiệp cho nhân viên đem rác thủy tinh xử lý hóa chất diệt khuẩn và cho vào máy xay nghiền nát.
Sau khi nghiền thủy tinh không còn sắc, bén và không gây nguy hiểm, ông đem thủy tinh thay cát trộn với ximăng đổ khuôn thành tấm đan lót đường tại bệnh viện và khu vực xung quanh. Bài toán rác thải của bệnh viện đã được xử lý an toàn và tận dụng được đầu ra có ích.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chính - giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Cần Thơ - nhận xét đề tài sáng kiến xử lý rác thải y tế dạng thủy tinh đã giúp các cơ sở y tế giải quyết được vấn đề rác y tế theo xu hướng chung của các nước.