Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảnh Bình: Rừng chảy “máu” !

(17:36:25 PM 15/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Để vào rừng, lâm tặc dùng mìn, phá đá, mở một con đường dài hơn 2 km nhưng các cơ quan chức năng ở Quảng Bình vẫn không hay biết

Trạm kiểm soát lâm sản Hang Chuồn (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Đại) trấn giữ ngay trên con đường độc đạo vào rừng để lên bản Nà Lâm (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh - Quảng Bình). Trong khi đó, khu vực lâm tặc mở đường, phá rừng chỉ cách trạm này chưa đến 5 km nhưng hầu như cán bộ của trạm đều không hay biết!

 

Không biết hay tiếp tay?

 

Ông Dương Công Luyện, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Đại, quả quyết với chúng tôi: “Ở đây không có chuyện phá rừng nghiêm trọng, chỉ có người dân lén lút vào rừng khai thác thủ công, chặt vài cây gỗ về làm nhà thôi”.
 
 
Khi được thông tin lâm tặc dùng cả mìn mở đường, dùng cưa máy để hạ gỗ, huy động hàng chục con trâu và 3 xe cơ giới để chở gỗ lậu mỗi ngày ở đây, ông Luyện mới phân bua: “Rừng thì rộng mà quân số của ban quản lý thì ít nên không thể nắm hết tình hình. Việc gỗ lậu lọt qua trạm cũng có. Dù ban quản lý thường xuyên chỉ đạo, giám sát anh em nhưng đôi lúc vẫn xảy ra sơ suất”.
 

Con đường xuyên qua núi do lâm tặc mở ra để vận chuyển gỗ lậu

 

Theo người dân địa phương, trước đó, ban quản lý có truy quét, thu gom được hơn 5 m3 gỗ lậu. Trong đó có một số gỗ nằm trên ô tô. Tuy nhiên, ban quản lý chỉ thu gom gỗ mà không thu xe. Sau đó, ban quản lý thuê trâu và xe của lâm tặc để vận chuyển số gỗ này. 

 

Cũng theo người dân bản Nà Lâm, ông Vinh (em trai của ông Võ Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Ninh) là một trong những đối tượng cầm đầu phá rừng ở đây.
 
 
Về việc này, ông Thanh cho rằng em trai ông chỉ vào Nà Lâm để trông giữ rừng bạch đàn và có mua ô tô để vận chuyển gỗ chứ không tham gia phá rừng.
 
 
Tuy nhiên, già làng Hồ Xe (bản Nà Lâm) khẳng định: “Rừng bạch đàn của ông Vinh chưa đến tuổi khai thác và đã bàn giao cho Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân rồi. Ô tô của ông ta chỉ chở gỗ lậu chứ có gỗ bạch đàn đâu mà chở”...
 

Lâm tặc ngày càng hung hãn

 

Khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Thanh Dương, Giám đốc Lâm trường Khe Giữa (huyện Lệ Thủy-Quảng Bình), không hề giấu giếm việc nhiều khu rừng ở đây đang bị tàn phá nghiêm trọng như rừng thuộc bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
 
 
Khu vực này đang được địa phương xác định là điểm nóng phá rừng nhưng việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Dương, phá rừng đa số là do người dân địa phương, còn vận chuyển, buôn bán là do các đầu nậu từ dưới xuôi lên.
 
 
Mặc dù lâm trường đã lập nhiều điểm chốt chặn, kiểm soát lâm sản nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
 
 
 “Lâm tặc vừa tinh vi vừa hung hãn, tìm đủ mọi cách để gỗ lọt qua trạm. Bọn chúng thường thuê dân bản địa gùi gỗ lậu qua trạm rồi mới cho lên xe chở về xuôi; hoặc dùng xe máy chở mỗi lần một ít phóng như bay làm anh em không kịp ngăn chặn” - ông Dương cho biết.
 

Lâm tặc vừa đốn hạ cây tại một khu rừng phòng hộ ở Quảng Bình

 

Việc lâm tặc ngày càng hung hãn, sẵn sàng tấn công lực lượng bảo vệ rừng làm cho việc giữ rừng ngày càng nguy hiểm. Từ đầu năm đến nay, đã có 4 vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng của lâm trường nhưng chỉ có một vụ được đưa ra xét xử.
 
 
Năm 2009, sau khi đánh gãy 2 chân một cán bộ bảo vệ rừng ở xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy), nhóm lâm tặc còn dùng rựa cắt đứt tai của ông.
 
 
“Anh em nào bắt gỗ của lâm tặc thì chắc chắn bị trả thù. Vụ lâm tặc cắt tai cán bộ cũng có khởi tố nhưng không bắt được đối tượng. Sau đó, nhiều lần anh em đi kiểm tra rừng thấy đối tượng này nhởn nhơ, tiếp tục phá rừng nhưng chỉ biết báo cáo lại chứ không dám đến gần” - ông Dương bức xúc.

 

Phá cả rừng phòng hộ

 

Thượng tá Đặng Huy Chương, chính trị viên Đồn Biên phòng 597 - Làng Mô, huyện Quảng Ninh, cho biết: “Bản Nà Lâm cách đồn chỉ vài km nhưng do núi non cách trở nên muốn đến đó, phải đi vòng mất hơn 40 km nên việc giám sát rất khó khăn. Việc phá rừng ở Nà Lâm, đồn biết từ lâu và đã nhiều lần báo lên trên để có biện pháp ngăn chặn. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, theo tôi, cần khởi tố vụ án để thuận lợi hơn trong quá trình điều tra, làm rõ các đối tượng tham gia phá rừng”.

 

Trước việc phá rừng phòng hộ nghiêm trọng ở bản Nà Lâm và bản Xà Khía, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, cho rằng: Những vụ phá rừng này có tính chất nghiêm trọng, diễn ra trong một thời gian dài, ở những khu rừng đã có chủ, thậm chí ở những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt như rừng phòng hộ Long Đại. Việc các chủ rừng nói không biết phá rừng là không thể chấp nhận.

 

“Để làm được một con đường trong rừng dài hơn 2 km, đưa cả mìn vào để phá đá, mở đường thì phải mất ít nhất vài tháng. Chính quyền địa phương, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm ở đâu mà không hay biết? Việc này cũng có trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, mà cụ thể là Đội Kiểm lâm cơ động phía Nam. Công tác trinh sát, nắm tình hình trên địa bàn quản lý như thế là kém. Tôi sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức liên quan”- ông Thái khẳng định.

 

Sẽ xử lý nghiêm

 

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ việc phá rừng phòng hộ tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. “Tỉnh chỉ đạo nhanh chóng làm rõ và xử lý nghiêm. Kinh nghiệm cho thấy chỉ cần làm căng một vụ thì tính răn đe sẽ rất cao, lâm tặc sẽ chùn tay. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm, tôi sẽ yêu cầu điều tra lại” - ông Hoài nhấn mạnh.

 

 

Bài và ảnh: Hoàng Hà/NLĐ