Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhiều bất cập trong khai thác, chế biến khoáng sản ở Yên Bái

(22:43:27 PM 14/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Yên Bái được đánh giá là tỉnh có tiềm năng thế mạnh về tài nguyên khoáng sản với trên 250 mỏ và điểm quặng các loại như: đá quý, đất hiếm, kim loại, khoáng sản phi kim loại… Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã từng bước được tăng cường, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều hạn chế, bất cập.

 

yen bai

Nhiều bất cập trong khai thác, chế biến khoáng sản ở  Yên Bái ( Ảnh minh họa)

 

Hoạt động khai thác khoáng sản ở Yên Bái diễn ra tương đối rầm rộ với 174 giấy phép cấp cho các đơn vị khai thác, trong đó 87 giấy phép còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, đa số các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn còn yếu về năng lực tài chính, thiếu thiết bị kỹ thuật và thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về địa chất, khai thác mỏ nên hiệu quả trong sản xuất chưa cao, gây lãng phí tài nguyên.

 

Quá trình khai thác mỏ các đơn vị chưa chú trọng việc tận dụng, tiết kiệm tài nguyên. Sản phẩm khai thác mới ở dạng sơ chế. Ví như việc khai thác đá vôi trắng để làm đá ốp lát và mỹ nghệ; các khối đá kích cỡ lớn thì được xuất khẩu, còn các khối đá nhỏ hầu hết là bỏ không sử dụng gây lãng phí. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, tổn thất trong nhóm khai thác vật liệu xây dựng từ 15 đến 20%, nhóm quặng kim loại khoảng 15 đến 30%. Đối với khai thác vàng sa khoáng như ở dọc tuyến sông Hồng, huyện Lục Yên, Văn Yên có độ thu hồi quặng vàng chỉ đạt từ 30 đến 40%, số còn lại đều nằm tại bãi thải.



Việc cấp quá nhiều giấy phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản trong những năm qua cũng đã khiến nhiều hộ gia đình bị mất đất sản xuất. Phần lớn, các mỏ khai thác chưa xây dựng được bãi thải theo đúng quy định, gây bồi lấp dòng chảy, ruộng vườn, làm thu hẹp diện tích đất lâm nghiệp. Việc tuyển quặng bằng công nghệ thô sơ, sau đó xả thải gây ô nhiễm các sông suối đã gây nhiều bức xúc cho nhân dân.



Các xe quá khổ, quá tải chuyên chở khoáng sản cũng đã trực tiếp khiến hệ thống cầu cống, đường xá trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến đường Khánh Hòa - Minh Xuân của huyện Lục Yên, tuyến quốc lộ 32 đi qua địa bàn huyện Văn Chấn, tuyến đường từ Âu Lâu đi xã Quy Mông huyện Trấn Yên là những minh chứng cụ thể. Cùng với đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi như: khai thác cát, sỏi, vàng sa khoáng dọc sông Hồng; đào, đãi đá quý trái phép ở Lục Yên, Yên Bình. Gần đây, ở huyện Mù Cang Chải rộ lên tình trạng khai thác cát sỏi dọc suối Nậm Kim; đặc biệt phức tạp hơn cả là tình trạng người dân đổ xô đi khai thác chì, kẽm trái phép ở xã Cao Phạ.



Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cho biết: Đầu tháng 6/2011 vừa qua, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã họp và có kết luận chính thức về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ chấm dứt tình tình trạng cấp phép đầu tư cho những đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Lựa chọn các nhà đầu tư có uy tín, năng lực tài chính, có công nghệ mới, không gây ô nhiễm môi trường. Cấp phép hoạt động khoáng sản trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Kiên quyết thu hồi các giấy phép vi phạm quy định của Luật khoáng sản hoặc không chấp hành đúng các quy định ghi trong giấy phép.

Hoàng Ngọc/ TTXVN