Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
* Nguồn sa khoáng "khổng lồ"
Đầu năm 2011, Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường đã báo cáo kết quả thực hiện việc điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan - zircon tại Bình Thuận. Theo báo cáo, Bình Thuận có diện tích có chứa quặng titan - zircon là 774 km2 với tài nguyên dự báo là khoảng 558 triệu tấn (gấp 16 lần so tổng trữ lượng sa khoáng các tỉnh trong cả nước cộng lại - theo số liệu của Viện Mỏ và luyện kim, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo quặng titan Việt Nam đến tháng 12/2004 là khoảng 34,5 triệu tấn).
Titan là kim loại quý hiếm, được dùng trên 30 ngành công nghiệp khác nhau; chế tạo máy bay; hàng không vũ trụ; công nghiệp quốc phòng… Với sản lượng lớn này, các chuyên gia về khoáng sản của Bộ Tài nguyên Môi trường dự báo, có thể xếp Bình Thuận là nơi có trữ lượng sa khoáng titan đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba trên thế giới. Trữ lượng sa khoáng titan này cũng được các chuyên gia về định giá khoáng sản của Bộ Tài nguyên Môi trường, tính theo giá thị trường thế giới hiện nay của 558 triệu tấn sa khoáng titan khoảng 138,87 tỷ USD - đây là một con số quá sức tưởng tượng của Bộ Tài nguyên Môi trường và tỉnh Bình Thuận.
Với việc phát hiện trữ lượng sa khoáng titan "khổng lồ", trải dài trên một diện tích khá rộng, phần lớn tập trung ở các cồn cát ven biển, nhiều nơi quặng được phát hiện nằm ở độ sâu từ 40 - 50 mét, cộng thêm các yếu tố mang tính kỹ thuật khác nên nhiều nhà khoa học mỏ - địa chất cho rằng rất khó triển khai nhanh với thời hạn 5 -10 năm trong khai thác titan ở Bình Thuận.
Từ lâu, chuyện Bình Thuận có titan đã được các nhà khai thác biết đến, tuy nhiên không ai ngờ nguồn trữ lượng lại lớn đến vậy. Chính vì vậy những vướng mắc từ titan cũng phát sinh… vấn đề này không chỉ gây hệ lụy cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
* “Núp bóng” resort, khai thác titan
Khi Bộ Tài nguyên Môi trường công bố diện tích 774 km2 có quặng sa khoáng titan với trữ lượng 558 triệu tấn, tỉnh Bình Thuận không biết nên mừng hay nên lo. Còn những chủ dự án du lịch thì nhấp nhổm như ngồi trên “lửa”. Theo quy định của Luật Khoáng sản, những khu vực có titan phải được khai thác trước khi tiến hành xây dựng công trình trên đó. Do quy định này nên hiện nay Bình Thuận có gần 200 dự án (du lịch, dịch vụ thương mại, điện gió, trồng rừng sinh thái, khu dân cư…) không thể triển khai được, phải chờ khai thác sa khoáng titan bên dưới.
Với lượng titan lớn như vậy nên không thể khai thác trong một thời gian ngắn. Vậy là các dự án du lịch có titan phải chờ để giải bài toán sa khoáng titan. Nhiều chủ đầu tư dự án du lịch, resort tại Bình Thuận bắt đầu tính chuyện đầu tư mua máy móc và khai thác titan ngay trên đất dự án của mình. Tại bãi biển thị xã La Gi, bên trong diện tích đất rộng chạy dọc bãi biển của dự án du lịch Sài Gòn – Hàm Tân xuất hiện những chiếc máy đãi titan lớn, nằm giữa những ao nước. Không ai có thể nhận ra đây là khuôn viên của một dự án resort 200 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 150 triệu đô la do Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn – Hàm Tân làm chủ đầu tư.
Ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: có 2 dự án resort qui mô lớn là resort Sài Gòn – Hàm Tân (thị xã La Gi) và dự án resort Cảnh Viên (huyện Hàm Tân) đã khai thác titan trên diện tích đất dự án được hơn một năm nay. Trong quá trình triển khai xây dựng resort, phát hiện thấy có titan nên tỉnh đã đồng ý cho phép chủ đầu tư khai thác tận thu titan bên trong đất dự án để sớm triển khai dự án du lịch.
Theo đánh giá của ông Giác, tình hình khó khăn về vốn những năm gần đây đã khiến nhiều dự án du lịch bị chậm triển khai. Ngoài ra, có một số dự án resort lớn nhỏ chậm triển khai nhiều năm do nhà đầu tư lấy cớ tận thu titan để kéo dài thêm thời gian, đào bới đất đai, gây ô nhiễm môi trường…
* Hệ lụy môi trường từ titan
Theo Sở Tài nguyên Môi trường Bình Thuận, hiện nay hoạt động xả thải có hoạt động phóng xạ anpha và bêta vượt qui định vào nguồn nước của các đơn vị khai thác, chế biến titan là phổ biến. Nguồn nước bị ô nhiễm phóng xạ ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của công nhân khai thác, chế biến quặng titan và nhân dân địa phương nguy hiểm nhất là các triệu chứng không xuất hiện ngay.
Hiện tỉnh Bình Thuận có 7 khu vực khai thác titan kéo dài từ các xã thuộc huyện Bắc Bình đến các huyện ven biển Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi trên diện tích gần 1.200 ha do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép khai thác. Tại những điểm này, không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền cũng đau đầu về chuyện đào xới tài nguyên làm ảnh hưởng môi trường, đảo lộn cuộc sống của người dân.
Tỉnh đã cấm sử dụng nguồn nước mặn để phục vụ khai thác tuyển quặng titan, nhưng hầu hết các đơn vị khai thác titan đều lén lút dùng nước biển tuyển quặng và xả nước lẫn cát thải ra biển. Ngay khi bắt tay vào khai thác, những công ty này đã cho hút nước biển lên đất liền để tuyển quặng. Nước, cát thải được xả thẳng ra biển. Hậu quả là hàng loạt cây ăn quả, giếng nước của hàng chục hộ dân nằm gần khu vực khai thác bị nhiễm mặn: cây cối héo lá rồi chết, các giếng nước ngọt trở nên mặn chát không sử dụng được… đã làm cuộc sống, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đào Trọng Hưng, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đánh giá: Quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến quặng titan làm phát tán các chất phóng xạ rất có hại đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả đo xạ cho thấy cường độ phóng xạ ở đống quặng tuyển ướt, đặc biệt trong xưởng tuyển tinh, các sản phẩm sau tuyển tinh đều rất cao vượt ngưỡng cho phép so với tiêu chuẩn an toàn phóng xạ. Ô nhiễm phóng xạ là ô nhiễm mà con người không cảm nhận được, nhưng lại rất nguy hiểm cho sức khỏe của công nhân khai thác, chế biến quặng titan và cư dân địa phương. Hiện trên địa bàn có 6 nhà máy tuyển tinh đang hoạt động, tuy nhiên chưa có nhà máy chế biến sâu nào được triển khai xây dựng.
* Cần sớm có giải pháp để khai thác, sử dụng bền vững
Trước nguy cơ quy hoạch của tỉnh bị phá vỡ vì việc cấp phép thăm dò, khai thác titan, từ năm 2009 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi nhiều công văn đến các bộ, ngành liên quan đề nghị có giải pháp cho tỉnh vì nếu cấp phép khai thác đồng loạt, ngoài việc quy hoạch bị phá vỡ, dự án bị chồng lấn, nhà đầu tư quay lưng mà ngành du lịch mũi nhọn của địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, hàng chục hội thảo về titan từ đầu năm đến nay cũng được tổ chức để tìm ra giải pháp sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này; đồng thời phải gắn với bảo vệ môi trường sau khai thác. Nhiều khuyến cáo đối với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trước việc quản lý nguồn tài nguyên sa khoáng titan như thế nào để vừa khai thác lợi thế nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ đắc lực cho xây dựng quê hương, đồng thời tránh được những hậu quả, mặt trái mà Bình Thuận phải trả giá trong việc quản lý, khai thác bừa bãi tài nguyên…
Các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế cũng đề xuất: Bình Thuận chỉ nên quy hoạch, khai thác sa khoáng titan một cách hạn chế, có mức độ, không khai thác ồ ạt đại trà; chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính, ưu tiên cho doanh nghiệp chế biến sâu với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn bức xạ không gây ảnh hưởng nguồn nước trong quá trình khai thác; không sử dụng hoặc hạn chế tối đa sử dụng nước biển trong tuyển quặng, phải đảm bảo trồng cây xanh sống và khép tán sau khi khai thác.