Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần thận trọng trồng cao su trên đất rừng khộp nghèo

(21:39:17 PM 14/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch và có kế hoạch chuyển trên 7.455 ha đất rừng khộp nghèo ở huyện Ea Súp sang trồng cao su. Tuy nhiên, trước mắt tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp chỉ trồng thí điểm ở mỗi dự án từ 50 đến 100 ha cao su trên diện tích rừng khộp này để đến sau năm 2016 các cơ quan chức năng đánh giá nếu thấy có hiệu quả mới mở rộng diện tích trồng đại trà.

cao su

Cây cao su ( Ảnh minh họa)

 

Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học chuyên đề về việc chuyển đổi diện tích đất rừng khộp, rừng khộp nghèo sang trồng cao su và đều có chung khuyến cáo là đề nghị hết sức thận trọng, chỉ triển khai từng bước một để sau đó đánh giá kết quả mới mở rộng phát triển cây cao su đại trà.

 

Theo Tiến sỹ Trình Công Tư, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên, thì lộ trình chuyển đổi từ rừng sang phát triển cây cao su cũng cần được cân nhắc một cách hợp lý, tránh tạo nên sự phá huỷ thảm phủ đột ngột trên phạm vi rộng, vì rất có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái của vùng.

 

Tiến sỹ Trình Công Tư cho rằng, phần lớn diện tích đất của các vùng rừng khộp thành phần cơ giới tầng mặt là cát hoặc cát pha, kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém. Cách mặt đất khoảng 20 đến 40 cm là tầng có kết von, sỏi đá, bên dưới có tích đất sét nên mùa nắng gió cây cao su dễ bị ngã đổ, mùa mưa dễ bị ngập úng. Mặt khác, một số yếu tố khí hậu quan trọng như nhiệt độ, lượng mưa, chế độ gió tại các vùng rừng khộp tương đối khắc nghiệt đối với sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng nói chung và cây cao su nói riêng.

 

Do có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt nên các nhà khoa học cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia trồng cao su trên địa bàn Ea Súp cần có chế độ đầu tư tốt hơn so với việc trồng cao su ở những địa bàn khác. Cụ thể như có kỹ thuật trồng sâu hợp lý, chọn bộ giống cao su có bộ rễ khoẻ, bón nhiều phân hữu cơ và các loại phân kích thích cho rễ phát triển mạnh ăn sâu bám vào lòng đất, trồng đai rừng chắn gió...



Hiện nay, đã có 9 doanh nghiệp tham gia phát triển cao su trên đất rừng khộp nghèo tại 22 tiểu khu, nằm trên địa bàn 4 xã Ya Tờ Mốt, Cư M’Lan, Ea Lê, Ia J’Lơi (huyện Ea Súp). Từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã trồng thí điểm được gần 870 ha và nhờ trồng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc kỹ nên phần lớn diện tích cao su đang phát triển tốt.

 

Quang Huy/TTXVN