Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Con cháu dù làm ăn ở nơi xa cũng kéo nhau về đoàn tụ, làm mâm cơm, hoa quả tươi đặt lên bàn thờ tổ tiên cúng rằm, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Tùy theo từng gia đình, người ta dâng thức ăn ngon, biếu quần áo mới cho mẹ cha. Dù nghèo túng đến đâu con cháu cũng đều có một thứ gì đó để bày tỏ tấm lòng. Nếu cha mẹ đã khuất thì “hóa” ít vàng mã gửi nơi suối vàng. Đó là đạo đức, chữ hiếu trong đời sống con người, bắt nguồn từ giáo lý nhân sinh của đạo Phật.
Làm lễ Vu Lan tại chùa Từ Đàm - Nguồn: Việt Báo
Rằm tháng Bảy còn là ngày “xá tội vong nhân”, thể hiện tấm lòng vị tha đối với những linh hồn bơ vơ. Bên cạnh mâm cỗ gia đình, bà con không quên bày những mâm cháo, bánh trái, bỏng ngô, bỏng gạo, khoai, ngô... để cho những linh hồn ấy “thụ hưởng”. Đó là việc thiện, nét đẹp văn hóa dân tộc, lấy cái “Tâm” làm trọng như lời Phật dạy, điều ấy cần được bảo tồn và phát huy.
2. Tuy nhiên, khi đời sống của người dân ta được cải thiện, “phú quý sinh lễ nghĩa”, rằm tháng Bảy, người ta đua nhau “đốt tiền”. Tiền được “hóa” mô phỏng những đồng ngoại tệ mạnh, mệnh giá cao như các tờ USD, đồng euro và cả những tờ séc. Nhiều nhà đốt cả nhà lầu, xe máy, ô tô, TV, tủ lạnh, Iphone, laptop... Đã có những thống kê, ngày rằm tháng Bảy hằng năm, có tới hàng trăm tỷ đồng “tiền thật” tan thành mây khói do đốt vàng mã, đồ mã.
Việc lễ bái cũng như đốt vàng mã là tùy tâm của mỗi người, còn đốt đồ mã là sự biến tướng thời kinh tế thị trường, không được giáo lý nhà Phật răn dạy. Mặt bằng cuộc sống của nhân dân ta còn thấp, hậu quả chất độc da cam còn nguyên đó, các cháu vùng sâu, vùng xa thiếu ăn, thiếu trường học, rồi thiên tai liên miên. Để không có lỗi với người đã khuất, hãy thắp nén nhang lên bàn thờ xin phép các cụ dành số tiền đáng lẽ “đốt”... ra tro vào những việc “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Như thế, chắc các cụ cũng “mát lòng, mát dạ” vì thấy con cháu vừa có hiếu với tổ tiên lại biết sống có trách nhiệm vì cộng đồng.