Chiếc lá “ăng-ten” của cây Marcgravia evenia. Ảnh: National Geographic. |
Bài báo đăng trên tạp chí New York Times (Mỹ) cho biết, thông thường các loài thực vật có hoa thu hút côn trùng và chim đến thụ phấn nhờ màu sắc và mùi hương của những bông hoa. Nhưng một loài thực vật có hoa tại Cuba, có tên khoa học Marcgravia evenia, lại thu hút dơi đến thụ phấn là nhờ vào những chiếc lá đặc biệt nêu trên.
Theo các nhà nghiên cứu, bề lõm hình bán cầu của những chiếc lá này có tác dụng như chiếc ăng-ten thu sóng siêu âm của dơi và phản xạ lại giúp chúng dể dàng thu nhận được nhờ định vị bằng tiếng vang.
Nhà sinh vật học, TS Ralph Simon, tác giả chính của nghiên cứu này phát biểu trên tạp chí National Geographic (Mỹ): “M. evenia là loài cây hiếm và phân bố không đồng đều trong tự nhiên. Do đó, trải qua quá trình tiến hóa, việc chúng phát triển những chiếc lá như trên để thu hút các con dơi từ khoảng cách xa đến thụ phấn cho hoa là rất quan trọng đối với sự tồn tại của chúng”.
Bề lõm hình bán cầu của chiếc lá “ăng-ten” này thu sóng siêu âm và phản xạ lại những con dơi. Ảnh: BBC |
Ngược lại, đối với những con dơi, chúng sẽ được hưởng lợi từ những “chiếc lá ăng-ten” của cây M. evenia vì tìm thấy những bông hoa nhanh hơn. Nghiên cứu phát hiện, dơi có thể thực hiện hàng trăm cuộc viếng thăm “ăn mật” ở những bông hoa của loài cây này mỗi đêm.
TS Simon cho hay, có hàng trăm loài thực vật tại khu vực địa lý sinh học Tân nhiệt đới (bao gồm Trung và Nam Mỹ, kể cả vùng duyên hải Mexico và vùng biển Caribê) phụ thuộc vào 40 loài dơi ăn mật hoa đến thụ phấn cho chúng.
Ông Simon và các đồng nghiệp hi vọng có thể tìm thấy các loài thực vật khác có chức năng truyền tín hiệu âm thanh thành thạo tương tự cây M. evenia đến các loài dơi chuyên thụ phấn cho hoa.