Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Lê Văn Mãi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, huyện Long Thành - Đồng Nai, cho hay đến chiều 9-8, xã đã nhận được hơn 40 đơn khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại của người dân kể từ khi Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường Bộ Công an (C49) bắt quả tang nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Long Thành (thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, Tổng Công ty Sonadezi) xả nước thải đen đặc có mùi hôi ra rạch Bà Chèo.
Chứng nào, tật nấy
Ông Kiều Hoàng Anh, trưởng ấp 2, thuộc diện bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong khoảng vườn rộng gần 4.000 m2 của ông, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm còi cọc, có cây chết còn trơ lại gốc mục. “Trước đây, mỗi năm vườn cây này cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng nhưng 5 năm gần đây bèo bọt lắm” - ông than. Anh Lê Văn Long, một người dân nơi đây, đưa chúng tôi đến bên giếng nước của gia đình và than thở: “Chất độc hại đã ngấm vào cả vùng đất này rồi, giếng nước đã phải bỏ đi. Cứ đà này, con cháu rồi cũng dần phải gánh lấy bệnh tật mà thôi”.
Ngược lại, ông Lê Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết đến nay, sở chỉ một lần nhận được đơn khiếu nại của người dân về việc KCN Long Thành xả thải ra rạch Bà Chèo vào năm 2009. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng xử phạt công ty 3 lần tổng cộng 140 triệu đồng vì xả thải vượt tiêu chuẩn; quản lý, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định…
Tiền hậu bất nhất
Hiện vẫn chưa có kết quả phân tích mẫu nước thải của nhà máy mà C49 đã lấy trước đó. Theo biên bản làm việc giữa C49 với nhà máy, nước thải sau xử lý của nhà máy có màu đen đặc, nhiệt độ cao, có mùi hôi. Lý giải sự việc này, trong văn bản báo cáo gửi về Tổng Công ty Sonadezi, lãnh đạo Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi nói do “trong ngày 3-8 (ngày bị bắt quả tang), bồn javel bị sự cố nên tạm khóa van” (?!). Văn bản này cũng cho rằng công ty đang cải tiến modul 1 nên chất lượng nước thải không ổn định.
C49 khẳng định việc bắt quả tang không phải là tình cờ, các trinh sát đã mật phục ở đây hơn một tháng. Cẩn thận hơn, trước ngày quyết định “phá án”, C49 đã lấy mẫu nước thải ở đây để phân tích và nhận thấy nước thải vượt quy chuẩn cho phép.
Lý giải về nguyên nhân đóng mở cửa xả ở hồ sinh thái (tiếp giáp với rạch Bà Chèo) thất thường dẫn đến nghi vấn “xả trộm” hoặc dùng nước sông pha loãng nước sau xử lý, báo cáo của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi gửi về công ty mẹ cho rằng việc này nhằm điều tiết tránh sự cố tràn hồ. Trong khi đó, trong biên bản làm việc với C49, công ty thừa nhận sử dụng nước rạch khi thủy triều lên để pha loãng nước trong hồ nhằm hạ độ màu trước khi thải ra sông.
Trong ngày 9-8, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm rạch Bà Chèo. Được biết, Tổng Công ty Sonadezi vừa báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh Đồng Nai. Dự kiến trong tuần này, C49 sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu nước để đưa ra phương án xử lý cuối cùng.
Đồng Nai: Chỉ có 61% nước thải KCN được xử lý tập trung
Ngày 9-8, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (DIZA) đã tổ chức hội thảo giới thiệu kỹ thuật xử lý nước thải, tái sử dụng nước và vận hành, bảo trì hệ thống xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng Phòng Môi trường DIZA, cho biết toàn tỉnh Đồng Nai có 20/31 KCN đi vào hoạt động, trong đó có 18 KCN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý 77.000 m³/ngày đêm, nhưng chỉ có 12 KCN xử lý đạt các thông số ô nhiễm đặc trưng.
Bên cạnh đó, lượng nước thải đấu nối vào các nhà máy xử lý nước thải tập trung chỉ 40.700 m³/ngày đêm (chiếm 61%), 21.000 m³ còn lại do các doanh nghiệp tự xử lý và được cấp phép xả thải nhưng chất lượng nước thải đã qua xử lý vẫn chưa ổn định.
Nguyên nhân: Công nghệ lạc hậu; công tác vận hành, bảo trì không hợp lý… DIZA tổ chức hội thảo với mong muốn giới thiệu và tìm kiếm phương phâp xử lý nước thải theo hướng tái sử dụng để tiết kiệm nguồn nước.
T.Sương |