Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“I’m a farmer” - tôi là nông dân

(07:04:49 AM 10/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Hơn hai tháng nay, nhiều lão nông xã Long Mỹ (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) đã quen cữ đến 18g mỗi tối thứ ba, năm, bảy lại háo hức... cắp sách đi học tiếng Anh.


Lớp học tiếng Anh cho nông dân ở xã Long Mỹ - Ảnh: Mễ Thuận

 

“Hello teacher, hello teacher. How are you?” (xin chào thầy, thầy khỏe chứ?), lời hát chào đón người thầy vang lên rộn rã. Đáp lại, người thầy trẻ cũng sử dụng tiếng Anh hỏi thăm học trò là các lão nông tóc điểm hoa râm. Không khí lớp học thoải mái, rộn rã và đầy thân mật trước khi bắt đầu bài học mới.

 

Lớp tiếng Anh trong ruộng

 

Bà Trần Thu Hà, bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ, cho biết mấy năm nay lượng du khách quốc tế đến tham quan xã tăng đột biến. Nông dân thường gặp gỡ họ nhưng không thể trò chuyện vì không biết tiếng Anh. Vì thế, du khách chỉ tham quan loanh quanh rồi đi mất và người dân cũng chẳng thể níu chân họ.

 

Bà Hà suy nghĩ: “Hay là mở lớp cho nông dân học tiếng Anh! Khi nông dân mình trò chuyện được thì chắc rằng sẽ gây được thiện cảm, kéo du khách ở lại lâu dài”. Nghĩ là làm, bà Hà đề xuất ý tưởng với chính quyền các cấp và thật nhanh chóng, một “Câu lạc bộ nói tiếng Anh” cho những nông dân lớn tuổi chưa biết gì về tiếng Anh được hình thành.

 

“Câu lạc bộ mở đầu tháng 5 với hơn 15 thành viên ban đầu. Lúc đó chưa có giáo viên nên mọi người tự phân công nhau, cử người vô nhà sách mua tài liệu cho cả nhóm học. Mà phải là tài liệu thiệt dễ hiểu vì hầu hết có ai biết gì tiếng Anh, tiếng em đâu. Cũng vì chưa có giáo viên nên câu lạc bộ tự học tập theo cách người nào biết chút chút thì ráng đọc mẫu, giảng giải cho những người chưa biết” - bà Trần Thị Yến Nhi, một thành viên của lớp, kể lại những ngày đầu thành lập lớp.

 

Sau hơn một tháng, bà Hà mời được một giảng viên tiếng Anh của Trường ĐH Cửu Long đến lớp. Nhưng cái khó nhất để có được lớp học với hơn 30 “học trò” đi vào hoạt động ổn định như bây giờ là việc phải thuyết phục từng người bỏ qua tâm lý ngại tuổi cao khó học tập, khó tiếp thu cái mới. Thế nhưng, khi hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của việc học tiếng Anh cho bản thân, cho địa phương... giờ đây trong lớp có đến quá nửa là những lão nông trên dưới 60 tuổi.

 

Học để giao lưu

 

“Tui năm nay 60 tuổi rồi, mỗi giờ học là một cuộc chiến. Nhưng tui quyết tâm học để còn trò chuyện với du khách nước ngoài khi họ tới thăm vườn nhà mình chớ” - lão nông Đỗ Văn Đơm nói. Sở dĩ ông Đơm quyết tâm học đến thế vì nhiều lần có mấy người khách Tây đi lạc đường, nhìn họ mệt mỏi ông rất muốn giúp nhưng không thể trò chuyện. Ngoài “yes”, “no” học lóm mấy anh xe ôm, ông chỉ biết ậm ờ cho qua chuyện. Ông bảo: “Cũng hơi quê mà cũng thấy tội nghiệp họ nữa. Nếu mình biết chút đỉnh, biết đâu họ sẽ tiện lợi hơn khi tham quan xứ mình”.

 

Không những chăm chỉ học đều, ông Đơm còn rủ thêm người cháu họ năm nay 53 tuổi là ông Mai Đắc Thành học cùng. Hai cậu cháu thực tập nói tiếng Anh mà giọng run cầm cập. Ông Thành thật thà: “Mỗi lần thầy kêu tui đọc, mồ hôi cứ túa ra”.

 

Ở một góc khác của lớp, ông Nguyễn Văn Bảy Râu tự tin giới thiệu về mình: “Mai nem xé vờn râu” (my name Bảy Râu). Trước tiếng cười giòn của mọi người, ông Bảy đệm thêm: “Ám ờ phá mờ” (I’m a farmer - tôi là nông dân). Ông Bảy cười sảng khoái: “Từ ngày học tiếng Anh, tui có thể tự tin khi gặp mấy người Tây mà vẫy tay “hé lô” (hello) hay đệm thêm “Gờ lét tu mít diu” (Glad to meet you - hân hạnh quen bạn). Thỉnh thoảng rủ tụi nó nhậu, rồi cụng ly, hô “chi chi” (cheer - vô!). Nhờ vậy, tụi Tây bạn tui khoái lắm”.

 

Thấy những nông dân già hăng hái học tiếng Anh, Trường ĐH Cửu Long cử hẳn thầy Lâm Thái Quang, giảng viên của trường, đến dạy. Vậy là lớp tiếng Anh “made in... miệt vườn” nhưng rất quy củ chính thức ra đời. Chuyện về lớp tiếng Anh của nông dân cứ thế truyền đi. Mỗi ngày lớp tiếng Anh miệt vườn lại đón thêm nhiều nông dân mới quyết chí học cho bằng được. Thậm chí có những người không phải nông dân mà là thương nhân từ TP Vĩnh Long như vợ chồng ông Cao Văn Sáu, đều đã hơn 60 tuổi, cũng tìm đến lớp.

 

Thầy Quang chia sẻ tuy chỉ mới đứng lớp hơn một tháng nhưng những học trò đặc biệt này luôn mang đến cho anh nhiều hứng thú, thấy yêu nghề hơn. “Học viên trong lớp phần lớn đều lớn tuổi, nhưng quyết tâm học của họ thật đáng nể”. Thầy Quang nhớ rất rõ lần đầu tiên vô lớp dạy: “Mọi người hào hứng chào mình nhưng lại nói “good bye teacher” làm mình hết hồn tính quay trở ra. Một lúc sau mới biết mọi người nhớ nhầm. Giờ mọi người đã tự tin giới thiệu về mình bằng tiếng Anh. Nói được nhiều câu cơ bản trong giao tiếp”.

 

 

Bà Trần Thu Hà cho biết lớp tiếng Anh đặc biệt này nằm trong chủ trương nâng cao trình độ tiếng Anh cho nông dân của xã Long Mỹ. Xã chọn du lịch là điểm nhấn phát triển kinh tế thành một xã đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, việc phổ cập tiếng Anh cho người dân là cần thiết. Lớp học được mở tại nhà văn hóa xã này là khóa đầu tiên của chương trình.

 

 

KIM TUYẾN - MỄ THUẬN/TT