Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Coi chừng mang bệnh vì uống thủy sâm

(22:27:30 PM 09/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Gần đây ở Hà Nội và nhiều tỉnh/ TP rộ lên phong trào nuôi thủy sâm để lấy nước uống chữa bá bệnh. Thị trường bán con giống thủy sâm cũng rất sôi động. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học ở Việt Nam còn chưa có căn cứ để khẳng định tác dụng đồ uống này.


Một lọ "thủy sâm" tự chế
   

 

Chỉ là quảng cáo để bán hàng?

 

Chị Nguyễn Thị Hòa (ở quận Đống Đa, TP.Hà Nội) xin được một con giống, chị nuôi ngay theo công thức được một người bạn “chuyển giao”: 3 gói trà lipton, 2 lít nước, 2 lạng đường. Chị đưa cho cả gia đình xem một tập tài liệu được tải từ trên mạng xuống, đóng vuông vắn, trong đó có những câu chuyện thần kỳ do thủy sâm tạo nên. Nào là ở Nhật, ở Nga người ta sống thọ hơn 100 tuổi, có làn da đẹp, khỏi được nhiều bệnh nhờ uống thủy sâm. Từ cả tháng nay, đây là một trong những chủ đề “nóng” nhất  qua điện thoại của chị.

 

Vị chua chua, ngọt ngọt nhiều khi khiến ông Hà Xuân Tùng, ở Thanh Xuân, Hà Nội nhớ lại thấy thèm thèm, nhưng sau khi uống đều đặn 1 tháng, ông sụt mất 3kg. Hoảng quá ông thôi không dám uống, đổ đi cả bình 10 lít nước đã ngâm. Ông bảo, mình đã gầy uống vào còn bị sút cân, nước chua chua nên chỉ sợ mắc thêm dạ dày nên không dám uống.

 

Trên mạng có rất nhiều tài liệu về thủy sâm, trong đó nói rằng loại thức uống được chiết xuất từ loài này có thể trị dứt hoặc giảm bớt được rất nhiều bệnh như cao huyết áp, chống lão hoá, giảm nếp nhăn trên trán, mặt; làm sáng mắt, làm cơ bắp rắn chắc hơn; chữa mỏi nhức gân cốt, xuyên, lác, ung nhọt, lở loét; trị bệnh trĩ, làm tóc đen trở lại, mọc thêm tóc…trong đó có những bệnh nan y như đái tháo đường, ung thư.

 

Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu này đều là tài liệu dịch từ nước ngoài với những trích dẫn mơ hồ mà ở VN, độc giả rất khó kiểm chứng thực tế, ví dụ như kinh nghiệm của “BS Pan Pen, khoa học gia người Nhật đã tìm thấy ích lợi của trà nấm như sau…”, “BS Sklenar ở Đức đã dùng trà nấm này để chữa bệnh ung thư….”, “khi đến vùng Kargasoks người ta khám phá ra nơi này có nhiều người sống trên 100 tuổi..”, “theo TS, BS Paupell ở Nhật thì Thủy sâm có thể trị dứt/hoặc giảm bớt các bệnh sau đây và kéo dài cuộc sống không thể ngờ…”. Cuối những bài viết này, hầu như đều có địa chỉ của người bán con nấm, với những giá cả rất khác nhau, từ 10.000/con đến 350.000đ/con.

 

Nhà khoa học: Chỉ là bã chè lên men

 

Theo GS. TS Dương Trọng Hiếu, nguyên BS BV Y học cổ truyền TƯ: Thủy sâm thực ra là con dấm lên men từ bã chè, muốn làm thì chỉ cần bã chè và nước chè lên men khoảng 1 tuần. Nhờ quá trình lên men nên nước chè ban đầu có vị chát sẽ trở thành chua chua.  Đây là đồ uống mà từ lâu, người dân không lạ gì, cách đây 30 - 40 năm ở quê  tôi đã thấy. Có thể vì người dân muốn thể hiện là cái gì quý nên gán cho nó có chữ sâm. Tôi thống kê có 54 cây có tên là sâm, nhưng không phải là loại sâm nào cũng tốt.

 

Muốn khẳng định tác dụng một loại đồ ăn, thức uống nào tốt hay không tốt cho sức khỏe cần phải thông qua nghiên cứu, đánh giá khoa học trên 1 nhóm người chứ không thể nói suông một cách vu vơ cái A, cái B này tốt lắm. Nếu có kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Chưa có nghiên cứu thì không thể đưa ra chỉ định hay chống chỉ định. Chỉ đơn giản riêng về tiêu hóa, giống như người ăn dưa, người ăn được thì thấy ngon, có người lại thấy đau bụng. Không thể có 1 thức uống hay đồ ăn tốt cho tất cả mọi người.

 

Ở VN chưa có đánh giá nào về vấn đề này, nên người uống cũng phải cảnh giác, vì nó là nấm. Không nên uống quá nhiều và thường xuyên để có thời gian đào thải. Uống chơi thì uống, chứ nhằm một mục đích gì thì tôi không khuyên.

 

Đổ đi vì nghi uống bị viêm gan

 

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đông y Việt Nam cho biết: “Khoảng những năm 1968 -1970, ở Bắc  Kinh, Trung Quốc đã rộ lên phong trào nuôi  thủy sâm, còn có tên là tiểu cầu tảo, hay thủy cầm sâm. Nó như một loại con dấm.

 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau một thời gian nhà nhà nuôi và uống thủy sâm thì có hiện tượng nhiều người ở Bắc Kinh bị men gan cao không rõ nguyên nhân. Khi học ở đó, và làm thực tập, có những  buổi sáng tôi khám 20 bệnh nhân thì 15 người bị men gan cao.

 

Sau đó, người ta bắt đầu bỏ, kết thúc 1 thời kỳ nuôi thủy sâm ở  Bắc Kinh. Năm 2001, khi sang Quảng Tây, tôi cũng thấy đang rộ lên phong trào này, lúc đó người ta gọi là hải sâm. Quan sát tôi thấy có 2 giai đoạn như vậy, thực hư không rõ ràng nên tôi đã hỏi thầy giáo ở trường ĐH Trung y, trung dược Bắc Kinh. Thầy Vũ Trạch Dân, cho hay: Chỉ là đồn đại ngoài dân gian, còn sách vở Trung y chính thống không thấy nói. Trong các BV cũng không ai dùng”. 

 

Theo thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, hiện nay khi trong đời sống hàng ngày rộ lên những phong trào nuôi và uống thủy sâm rộng rãi như vậy, Bộ Y tế cần tiến hành nghiên cứu và cung cấp tới người dân những thông tin chính thống về thành phần và mức độ tác dụng (nếu có) của loại nước uống này, nhằm tránh những lạm dụng và quảng cáo thương mại trá hình.

Theo Quang Vinh (Lao động)