Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa'
Lần này, cũng như mọi lần, sau khi tắt điện thoại, chỉ vài giây sau con cảm giác rất áy náy, hối hận. Ngay từ khi con còn nhỏ, ba đã luôn khuyến khích con hãy trở thành một người bạn của ba, thẳng thắn tranh luận bất cứ vấn đề gì, miễn bảo đảm tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Đã có những lần tranh cãi hăng quá, con lỡ miệng nói hỗn, mẹ la con, còn ba chỉ cười độ lượng cho qua. Cũng có những lần con đuối lý, cãi cùn, ba xoa đầu bảo con: không phải lúc nào cũng cần chiến thắng đâu con; và chỉ chờ có thế, con òa khóc.
Lớn lên, con dần nhận ra chân lý của tranh luận là làm sao để hai người cùng thắng, và chiến thắng không phải là tất cả. Lớn lên tí nữa, con học được một bài học quan trọng của cuộc đời: chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng. Bài học cơ bản của tình yêu thương ấy con đã áp dụng khá thành công với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí người dưng nước lã... nhưng không hiểu sao với ba, nhiều lần con “quên bài”.
Phải chăng con “ỷ lại” ba chẳng bao giờ giận mình, có cãi nhau mức nào đi nữa thì cha con vẫn là cha con chứ không gì khác được? Phải chăng cứ với ba, con nghĩ rằng ai đúng ai sai cũng được, nên cứ thế mải mê tìm chiến thắng? Phải chăng vì với người ngoài con đã không được là con, khi cứ phải ứng xử sao cho khéo léo, nhường chút này, nhịn chút kia (để rồi trong lòng tích tụ những ức chế)... nên có dịp tranh cãi với ba, con cho phép mình tự do nói cho kỳ đã mới thôi?
Sau lần này, cũng sẽ như mọi lần, con lại tự hứa với lòng sẽ phải điều chỉnh mình để những lần sau nói chuyện với ba không rơi vào những chuyện tranh cãi. Nhưng biết có được không, hay đành như lời một người bạn: giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Có khi còn được tranh cãi với ba là còn hạnh phúc.