Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tín hiệu xấu

(08:33:03 AM 09/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Sau một thời gian dài dồn nén, đường phố tràn ngập xe cộ (có vẻ đang mất dần khả năng kiểm soát) đã tạo ra một loại suy nghĩ yếm thế phổ biến ở người đi đường.

Họ khuyên bảo nhau rằng trong trường hợp đụng xe, dù phần đúng có về mình đi nữa thì cũng ráng… cười, thậm chí nhỏ nhẹ xin lỗi cho qua chuyện rồi đi, nếu không rất dễ mang họa. Cần phải phân tích tín hiệu xã hội này như thế nào?
 
 
Lâu nay, chúng ta vẫn thường thấy những người đi xe có cử chỉ đẹp khi sơ ý va chạm nhau trên đường. Họ hỏi về thương tích của nhau trước rồi mới xem xét thiệt hại của những chiếc xe.
 
 
Hình như không ai muốn làm lớn chuyện hay cản trở giao thông giữa phố xá đông đúc. Đó là nét văn hóa đi đường đáng quý, đáng được đề cao trong điều kiện giao thông ngày càng căng thẳng như hiện nay.
 

Thế nhưng, nét văn hóa nói trên đang bị bôi bẩn bởi những người kém ý thức và sự xuất hiện của họ trên đường ngày càng nhiều.
 
 
Người dân TPHCM đang tập thói quen "nhịn" khi lưu thông trên đường phố. Ảnh: NLĐO
 
  
Họ phóng xe như gió lốc; quẹo trái, quẹo phải không xin đường; luồn lách giữa dòng người xe như chốn không người và tất nhiên, không ai biết chắc họ đã kéo bao nhiêu người té ngã, làm bao nhiêu người bị thương tật- cả vết thương bên ngoài lẫn nỗi sợ dồn ứ bên trong.
 
 
Họ có khuôn mặt vô hồn, khiêu khích và sẵn sàng gây hấn nếu có ai muốn “điều chỉnh” hoặc đưa ra một lời khuyên. Họ biết cách né tránh lực lượng cảnh sát giao thông vốn không đủ để triển khai khắp các tuyến đường, nhất là ban đêm. Tóm lại, họ chẳng khác gì hung thần trên đường.
 

Thật vô lý khi người đi đường đúng luật lại phải “cười hoặc xin lỗi” với những kẻ có hành vi sai trái. Trong thực tế, người đi đường thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhắc nhở nhau khi ai đó mắc lỗi, vì manh động thì phạm luật và có thể dẫn đến hậu quả khó lường do không được bảo vệ.
 
 
Nhưng bây giờ thì chỉ nhắc nhở lúc hữu sự thôi cũng đã trở thành chuyện xa xỉ và hầu như mọi người chọn sự im lặng như một giải pháp an toàn.
 

Sự nhẫn nhịn quá mức như vậy suy cho cùng là thất bại của giới hữu trách, bởi chính cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng khác được trao nhiệm vụ nhân danh luật pháp để bảo vệ quyền được đi lại an toàn của người dân.
 
 
Khi người dân cảm thấy ngày càng không an toàn trên đường thì một phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng với tư cách là nhà hoạch định chính sách và tổ chức giao thông.
 

Không nghi ngờ gì nữa, “cười và xin lỗi” với sự sai trái trên đường là tín hiệu đáng báo động về mặt xã hội. Muốn đẩy lùi nó, một mặt tăng cường bảo vệ quyền đi lại an toàn của người dân, mặt khác cần tập trung giảm ùn tắc giao thông như một bước đột phá quan trọng.

 

CAO TUẤN/NLĐ