Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
- Nói Bộ Tài nguyên - môi trường cấp giấy phép xả thải cho Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (Long Thành, Đồng Nai) khi chỉ tiêu về độ màu chưa đạt tiêu chuẩn cũng đúng. Thực tế giấy phép xả thải vào nguồn nước do bộ cấp cho đơn vị này được thực hiện vào ngày 19-5-2011 có điều kiện kèm theo. Việc cấp phép là để quản lý chặt hơn so với thời điểm chưa cấp phép, chứ không phải cấp phép để hợp lý hóa vi phạm của đơn vị này.
* Vậy cơ sở nào để bộ cấp phép xả thải cho Sonadezi khi biết rõ việc xử lý nước thải của đơn vị này vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về độ màu nước thải, thưa ông?
- Thực tế hồ sơ đề nghị cấp phép xả thải vào nguồn nước của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi được Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp nhận từ năm 2009, trong khi khu xử lý nước thải tập trung của đơn vị này hoạt động từ nhiều năm trước. Cụ thể, trước đó công suất xử lý của nhà máy này là 5.000m3/ngày, theo phân cấp thì giấy phép xả thải do tỉnh cấp, nhưng từ năm 2009 công ty đầu tư tiếp giai đoạn 2 của nhà máy xử lý nước thải lên 10.000m3/ngày, nên hồ sơ xin cấp phép xả thải phải trình Bộ Tài nguyên - môi trường cấp.
Tuy nhiên, suốt từ tháng 10-2009, khi dây chuyền mở rộng xử lý nước thải của nhà máy chính thức đi vào hoạt động, việc xả thải đã diễn ra khi giấy phép xả thải mới chưa được cấp. Thời điểm này vẫn còn dăm bảy chỉ tiêu chưa đạt chuẩn nên bộ chưa thể cấp phép ngay, hội đồng thẩm định vẫn tiếp tục yêu cầu phía công ty phải điều chỉnh, hoàn thiện công nghệ để xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn nước thải khu công nghiệp.
Đến tháng 5-2011, khi kiểm tra, chỉ còn duy nhất chỉ tiêu độ màu, nếu chiếu theo quy chuẩn nước thải dệt nhuộm thì đạt nhưng theo quy chuẩn nước thải khu công nghiệp lại chưa đạt.
Trước tình hình này, bộ quyết định cấp giấy phép xả thải để giám sát việc xử lý hàng loạt chỉ tiêu khác và cho điều kiện về lộ trình hoàn thiện việc xử lý màu đến quý 2-2012. Vấn đề của cấp phép là để buộc việc vận hành nhà máy phải theo lộ trình, phải kiểm tra về các chỉ tiêu đảm bảo theo giấy phép, còn nếu không cấp phép thì việc xả thải vẫn diễn ra. Trước đó họ vẫn xả thải, nay nói đơn giản là trước khi có phép đơn vị này cũng xả thải rồi.
Cảnh sát môi trường lấy mẫu nước tại hồ chứa nước thải của nhà máy xử lý nước thải của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi để đưa đi phân tích - Ảnh: UYÊN THƯ |
* Nhiều ý kiến cho rằng việc bộ cấp phép cho xả thải khi chỉ tiêu về độ màu chưa đạt tiêu chuẩn là tiếp tay, hợp thức hóa cho vi phạm của công ty này?
- Vấn đề ở đây cần hiểu là trước khi có giấy phép của bộ, cả dây chuyền xử lý nước thải giai đoạn 1 và từ tháng 10-2009 là dây chuyền xử lý nước thải giai đoạn 2 vẫn xả thải ra rạch cũng như sông Đồng Nai. Tôi phải khẳng định việc thẩm định hồ sơ cấp phép của đơn vị này được thực hiện rất gắt gao.
Bản thân nhà máy này xử lý nước thải của 85% đơn vị là dệt nhuộm, họ xin được áp dụng quy chuẩn đối với nước thải dệt nhuộm, nếu áp dụng theo quy chuẩn này thì độ màu đạt nhưng chúng tôi không đồng ý, buộc phải thực hiện theo quy chuẩn nước thải khu công nghiệp với các yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn.
Cũng vì phải theo quy chuẩn nước thải khu công nghiệp nên độ màu chưa đạt, hội đồng thẩm định đã bàn rất kỹ về chỉ tiêu độ màu, nếu không cấp phép họ vẫn cứ xả và không có cơ sở đánh giá, kiểm tra thông số của các chỉ tiêu. Phải cấp phép khi độ màu chưa đạt chuẩn là bất khả kháng, nếu không cấp phép thì các chỉ tiêu khác có khi còn tệ hơn, thậm chí tình trạng xả thải xấu hơn.
* Vậy theo ông, đây có phải là lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường?
- Nói lỗ hổng trong quản lý cũng không hẳn đúng. Thực tế trong suốt thời gian trước khi phát triển các khu công nghiệp, chúng ta vẫn chưa đặt ra các yêu cầu chặt chẽ về môi trường, do đó có những khu xử lý chưa đạt, hoặc có nơi chưa có khu xử lý nước thải tập trung vẫn phải cho hoạt động. Bản thân quá trình kiểm tra cũng chỉ là chỉ ra sai phạm rồi phạt, không thể đình chỉ hàng loạt doanh nghiệp vì còn liên quan đến người lao động, việc làm.
Lấy lời khai những người liên quan
Chiều 8-8, lực lượng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) đã đến nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi đóng tại Khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai để tiếp tục củng cố hồ sơ điều tra vụ bắt quả tang nhà máy xả nước thải ra sông Đồng Nai.
Tại nhà máy, lực lượng C49 đã yêu cầu Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi cung cấp thêm các hồ sơ liên quan đến nhà máy như bản thiết kế, quy cách vận hành xử lý nước thải tại các hồ chứa... trước khi xả ra rạch Bà Chèo và sông Đồng Nai theo như giấy phép xả thải của Bộ Tài nguyên - môi trường. C49 đã yêu cầu một số nhân viên vận hành nhà máy tường trình và lấy lời khai những người liên quan đến vụ việc như phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi và giám đốc nhà máy xử lý nước thải.
Theo ghi nhận, C49 phối hợp với Viện Môi trường - tài nguyên Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lấy mẫu thêm để đánh giá lại hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi. Theo đó, C49 yêu cầu nhân viên nhà máy ngồi điều khiển hệ thống vận hành xử lý nước thải, rồi cử lực lượng đến các hồ hoàn thiện, hồ sinh thái và khu vực đổ bùn thải ra ngoài môi trường để lấy mẫu. Sau đó yêu cầu nhân viên nhà máy đến cống xả nước thải ra rạch Bà Chèo thực hiện công đoạn mở van bằng tay. Tại đây, cảnh sát môi trường lấy mẫu nước tại miệng cống xả và tiến hành lấy thêm mẫu ở điểm đầu, điểm cuối cống xả khoảng 100m để mang đi phân tích.
Một người có trách nhiệm cho biết qua kiểm tra bước đầu nhận thấy hệ thống xử lý nước thải ở nhà máy này “có vấn đề”. Quan sát bằng mắt thường khi lấy mẫu nước ở bể lắng trước khi xả thải và mẫu nước lấy tại họng xả có độ màu sắc không chênh lệch và có mùi hôi giống nhau.
Trong một diễn biến khác, Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi, đơn vị quản lý Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi) có giải trình với UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Sonadezi cho hay trước khi bị C49 bắt quả tang, nước thải từ hồ sinh thái xả ra rạch Bà Chèo được phép xả liên tục 24/24 giờ theo giấy phép xả nước thải của Bộ Tài nguyên - môi trường cấp. Nhưng có thể do sơ sót trong quá trình đóng van, làm thủy triều tràn vào chứ không có ý định pha loãng để xả nước thải chưa qua xử lý ra rạch. HÀ MI |