Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bí ẩn xác ướp 4000 năm trên sa mạc Tân Cương

(23:32:32 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Vào năm 1934, tại vùng đất chết Lop Nor, Tân Cương, Trung Quốc, người ta phát hiện ra một khu mộ thần bí giữa vùng hoang mạc không người sinh sống. 66 năm sau đó, không ai còn nhìn thấy nó nữa. Cho đến tận những năm đầu thế kỷ XXI...


Ngôi mộ số 5 thuộc "khu mộ Tiểu Hà". Ảnh: NBWeekly.


Bốn ngàn năm trên sa mạc khô cằn

 

Khu mộ nằm ở trong vùng sa mạc Lop Nor, cách vùng hạ du sông Khổng Tước chừng 60km về phía Nam, khu mộ thần bí này được các nhà khoa học đặt tên là "khu mộ Tiểu Hà".


Sa mạc Lop Nor là một vùng đất chết bị vây bởi những dải núi cao ngất. Vùng hoang mạc này vốn không thích hợp để con người sinh sống. Con đường tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử cũng chỉ có thể men theo rìa phía nam của hoang mạc để tiến về phía Gobi.


Vào năm 1934, một nhóm các nhà khoa học nước ngoài đã phát hiện ra khu mộ thần bí này. Tuy nhiên, 66 năm sau đó, dù cố công ra sao các nhà khoa học cũng không tìm thấy dấu tích của nó nữa. Cho đến năm 2001, thông qua Google Earth, người ta mới tìm ra vị trí của nó. Và công việc khai quật nghiên cứu chỉ bắt đầu được tiến hành vào năm 2005.


Hồi tháng trước, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Cát Lâm đã cho công bố một kết quả nghiên cứu ADN của những xác ướp được tìm thấy trong khu mộ. Báo cáo chỉ ra rằng, xác ướp trong ngôi mộ này là hỗn huyết. Họ vừa có đặc trưng di truyền của cả người châu Âu lẫn Siberia.



Một xác ướp phụ nữ khai quật được tại "khu mộ Tiểu Hà". Ảnh: NBWeekly.


Từ đó, các nhà khoa học phán đoán, rất có thể người châu Âu và người Siberia đã từng đến Tarim định cư đồng thời tiến hành những cuộc kết hôn giữa hai cộng đồng.

 

Cho đến hiện tại, xác ướp được tìm thấy ở "khu mộ Tiểu Hà" được coi là một trong những xác ướp có niên đại sớm nhất. Đại học Bắc Kinh khi tiến hành dùng đồng vị Cacbon 14 phân tích ADN của xác ướp đã xác thực rằng, những xác ướp này có niên đại cách ngày nay 3980 năm.

 

Điều kỳ lạ nhất đối với các nhà khoa học là, trong khí hậu khô cằn như ở Lop Nor, thi thể người chết vẫn được bảo tồn nguyên vẹn suốt gần 4000 năm qua. Đây vẫn là một bí ẩn mà các nhà khoa học chưa thể giải thích được.

 

Sùng bái sinh thực khí



Một trong những vật tùy táng được tìm thấy trong khu mộ. Ảnh: NBWeekly.


Khai quật 5 tầng của một ngôi mộ, các nhà khoa học phát hiện ra gần 200 cây gậy, mỗi cây dài khoảng 4 mét đầu dẹt hoặc phẳng, được sơn đỏ hoặc đen, dựng cạnh các quan tài hình thuyền giống như những mái chèo.

 

Các xác ướp được chôn cất trong các quan tài với rất nhiều vật tùy táng. Các nhà khoa học phát hiện ra trong quan tài của người phụ nữ một sinh thực khí đàn ông. Thông qua phân tích, các nhà khoa học nhận định rằng, những cây gậy dựng cạnh các quan tài, rất có thể tượng trưng cho những sinh thực khí đàn ông.

 

Trong khi đó, ở quan tài của người đàn ông, người ta cũng phát hiện ra rất nhiều các “mái chèo”. Tuy nhiên, khác với các “mái chèo” được tìm thấy ở quan tài nữ, các “mái chèo” ở quan tài người đàn ông được đẽo rất nhọn. Các nhà khoa học dự đoán rằng, đây có thể là vật đối ứng với những “mái chèo” được phát hiện ở quan tài người nữ, biểu trưng cho sinh thực khí nữ giới.



Một xác ướp trẻ em của "khu mộ Tiểu Hà". Ảnh: NBWeekly.


“Khắp cả ngôi mộ xuất hiện rất nhiều những vật tượng trưng cho sinh thực khí, điều này phản ánh thái độ trọng thị của xã hội thời đó đối với việc duy trì nòi giống”, Tiến sỹ Victor Mair, thuộc Đại học bang Pennsylvania, Mỹ nhận xét.

 

“Trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt như ở nơi này, tỉ lệ tử vong của trẻ em chắc chắn rất cao vì vậy những người ở đây coi trọng việc duy trì nòi giống là chuyện đương nhiên”, Tiến sỹ Mair nhận xét, “Nếu như những thứ đó sau này có thể góp phần tạo nên sự lớn mạnh của cả cộng đồng, thì những người phụ nữ đã nuôi dưỡng những đứa trẻ nên người xứng đáng được xã hội tôn trọng”.

Lê Văn (Theo NBWeekly,VNN)