Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tìm kiếm người trong đêm - Ảnh: Xinhua
>> Số người chết vì động đất ở Trung Quốc tăng lên 589
Lời người sống sót
Nhiều người sống sót sau động đất vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại cơn địa chấn sáng 14-4. Tezin Drolma, người dân thị trấn Kết Cổ (Gyegu), cho biết cô cảm giác sàn nhà rung lên bần bật lần đầu vào lúc 5g40 và lần sau khoảng 7g49 phút, mọi vật trong nhà rung lắc dữ dội khi cô chuẩn bị đi làm.
“Bản năng mách bảo tôi động đất xảy ra” - Drolma nhớ lại và sau đó chỉ kịp lao vào phòng ngủ bế thốc con trai cô chạy nhanh ra ngoài. Năm thành viên trong gia đình cô đều thoát ra trước khi căn nhà hai tầng của cô sụp đổ hoàn toàn. Sau đó Drolma cho biết cô nhìn thấy nhiều thi thể trên các đường phố.
Trong khi đó gia đình sáu người của cô Lungme, sống cạnh gia đình Drolma, đều bị chôn vùi dưới chính căn nhà của mình trong nhiều giờ, tuy nhiên Lungme vẫn còn khá may mắn khi những người hàng xóm sống sót đã dùng tay không đào bới cứu cô và bốn người khác khỏi đống đổ nát. “Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ, tôi không trở tay kịp. Mẹ tôi đã bị đất đá đè chết”, Lungme cho biết.
Trong khi đó đội cứu hộ phát hiện gia đình người hàng xóm của Lungme gồm tám người đã thiệt mạng ngay dưới ngôi nhà của họ.
“Tôi biết có rất nhiều bạn đang trong trường. Nhiều thi thể đã được phát hiện nhưng chưa biết bao nhiêu” - một học sinh của Trường dạy nghề Ngọc Thụ chưa hết bàng hoàng kể lại.
Theo Tân Hoa xã, hơn 70% trường học ở Ngọc Thụ đã bị sập. Số học sinh sinh viên và giáo viên thiệt mạng vẫn chưa được thống kê chính xác. Ngày 15-4, nhiều phụ huynh trong huyện vẫn còn hoảng loạn đi tìm và chờ tin tức con em họ đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát, không khí tang thương bao trùm quanh các khu vực trường học bị sập.
“Con trai tôi năm nay 21 tuổi, đang học ngành giáo dục ở đây nhưng đến nay vẫn chưa biết tin tức”, A Dương, mẹ một sinh viên đang học trường kỹ thuật hướng nghiệp Ngọc Thụ thất thần cho biết.
“Trường chúng tôi có bốn bộ phận trung học phổ thông, dạy nghề, cao đẳng và tiểu học. Bộ phận tiểu học ở thị trấn Ba Đường cách thị trấn Kết Cổ 50km đến nay vẫn chưa có tin tức, các bộ phận còn lại đều có tổn thất về người”, ông Đường Chí Cường, chủ tịch công đoàn trường này, nghẹn ngào cho biết.
Theo thống kê, Trường tiểu học Tam Tam Hoàn ở Ngọc Thụ bị thiệt hại nặng nề nhất khi có 20 học sinh thiệt mạng và rất nhiều em khác còn kẹt dưới đống đổ nát.
Trận động đất cũng làm thiệt mạng năm người và bị thương một người ở huyện Thạch Cừ (Shiqu), châu Cam Tư (Garze) của tỉnh Tứ Xuyên.
Độ cao, dư chấn thử thách cứu hộ
Một bộ phận lực lượng cứu hộ và các chuyên viên y tế đang trên đường tiếp cận vùng tâm chấn là làng Nhật Ma thuộc thị trấn Thượng La Tú.
Công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do khu vực huyện Ngọc Thụ nằm ở độ cao 4.000m so với mực nước biển, dư chấn xuất hiện liên tục. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Bắc Kinh nhận định độ cao đang là một bất lợi lớn đối với công tác cứu hộ.
“Đội cứu hộ phải đáp ứng hai yêu cầu về thể chất và kỹ thuật để ứng phó với hiện tượng thiếu oxy ở độ cao này” - ông Hà Hùng, chuyên gia thuộc cơ quan trên, cho biết. Ông Hà nhấn mạnh những tình nguyện viên không chuyên và không đáp ứng yêu cầu thích ứng với độ cao không nên tham gia công tác cứu hộ.
"Thời tiết lạnh, độ cao và thiếu không khí đã gây khó khăn trong cứu hộ”, ông Hầu Thạc Khắc, phó đội tìm kiếm và cứu hộ quốc tế Trung Quốc, cho biết. Một số thành viên trong đội này đã bị choáng ngay khi đến sân bay Ngọc Thụ do thiếu oxy.
Những con đường nối từ sân bay đến thị trấn Kết Cổ đã bị tắc do đất chuồi làm chậm tiến độ di chuyển của đội cứu hộ. Trong khi đó ở thị trấn Kết Cổ, đội cứu hộ đã dựng hơn 40 lều dã chiến cho người dân tá túc. Tuy nhiên số lều quá ít so với nhu cầu của người dân. Một số người phải ở ngoài trời dưới cái giá rét 0 độ C.
Tính đến ngày 15/4 đã có 750 trận dư chấn xuất hiện ở khu vực huyện Ngọc Thụ.
Các nhà địa lý Trung Quốc dự đoán có khả năng xuất hiện nhiều cơn dư chấn với cường độ 6 độ richter trong khu vực Tây Bắc. "Có khả năng xuất hiện các cơn dư chấn mạnh khoảng 6 độ richter trong thời gian tới”, Lưu Kiệt, giám đốc Cơ quan dự báo động đất thuộcTrung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc, nhận định.
Theo ông Lưu, hàng loạt cơn địa chấn xuất hiện đánh dấu Trung Quốc có thể đã bước vào giai đoạn địa chất hoạt động tương đối. Theo Viện Nghiên cứu địa lý thuộc cơ quản lý động đất Trung Quốc, trận động đất ở Ngọc Thụ đã gây ra vết đứt gãy dài 46km.
Cơ quan Quản lý động đất tỉnh Thanh Hải nhận định cơn địa chất đầu tiên mạnh 4,7 độ richter là hiện tượng bất bình thường vì khu vực này đã không xuất hiện động đất trong thời gian khá dài.