Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tội nghiệp nông dân

(09:16:38 AM 04/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Nông dân là người trực tiếp sản xuất sản phẩm và cũng là người hiểu rõ sản phẩm mà họ làm ra nhất. Có mấy người biết rằng với giá cả thương lái mua hiện thời chẳng mấy nông dân dám đầu tư công nghệ rau sạch.

 

 

 

Chăm sóc khoai lang tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long) - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa - ảnh tư liệu

 

 

Nếu có sâu thì mua thuốc từ cửa hàng bán thuốc sâu để trừ. Nếu nấm, bệnh thì mua thuốc trừ bệnh từ cửa hàng để trừ bệnh. Nông dân không quan tâm thuốc ấy độc hại ra sao mà chỉ quan tâm đến tác dụng của thuốc đối với cây trồng của mình. Thuốc bán tại cửa hàng tức là được cho phép của Nhà nước và nông dân cứ việc dùng.

 

Với thị trường hiện thời, giá sản phẩm bảo vệ thực vật (thuốc, phân bón) tăng chóng mặt nhưng giá sản phẩm nông nghiệp do thương lái mua so với vài năm trước chẳng chút khác biệt. Nông dân tìm mọi cách để giảm giá thành sản phẩm, lấy công làm lời chứ mấy ai quan tâm đúng mức đến an toàn sản phẩm.

 

Việc thương lái mua hàng non với giá cao (thường bán sát - tức là đến mùa bán tất cả sản phẩm từ lớn đến nhỏ cho thương lái tự thu hoạch) thì nông dân bán. Còn việc thương lái làm gì với sản phẩm sau thu hoạch thì nông dân chịu.

 

Ai đó nói nông dân bơm thuốc kích thích cho cây phát triển nhanh thì chỉ là lời đồn vô căn cứ. Việc giảm giá thành sản phẩm mới là vấn đề quan trọng mà người nông dân quan tâm chứ không phải thời gian sản xuất ra chúng. Giảm thời gian sản xuất ra sản phẩm đồng nghĩa với tăng giá thành sản phẩm (lượng nước nhiều, phân nhiều, thuốc nhiều...).

 

Nếu có đầu ra ổn định thì nông dân sẵn sàng đầu tư công nghệ sạch. Có một số nhà máy xuất khẩu ký hợp đồng với nông dân mua sản phẩm với giá cao (cũng không cao mấy so với thương lái, được cái ổn định), nhưng họ chỉ lấy sản phẩm đạt đến chất lượng nào đó mà thôi, nhỏ quá không được, to quá cũng không xong.

 

Với cách làm này, thử hỏi số sản phẩm họ không lấy đó nông dân bán cho ai? Thường chúng chiếm 1/2 đến 2/3 sản lượng. Thà bán luôn cho thương lái tuy giá có thấp hơn một chút, lại không có yêu cầu phải sản xuất như thế nào, chất lượng ra sao sẽ tiện lợi hơn. Càng như vậy đời sống nông dân càng bấp bênh.

 

Thương lái tìm mọi cách tối đa lợi nhuận của họ. Hậu quả nông dân chịu. Thử hỏi giá sản phẩm giảm vì cách làm của thương lái, thương lái chẳng thiệt gì vì họ sẽ giảm giá mua với nông dân, thương lái vẫn là kẻ hưởng lợi.

 

Tốt nhất nên có một hợp tác xã, hiệp hội hay gì gì đó tương tự ở giữa mà người nông dân ít nhất cũng có chút tiếng nói trong đó thì tốt biết mấy. Việc này sẽ giúp người nông dân có đầu ra ổn định và không phải chịu quá nhiều lần sang tay sản phẩm của họ qua thương lái. Việc này không thể bắt nông dân làm, nông dân chỉ là những hộ sản xuất nhỏ lẻ, có vài trăm mét vuông đất họ lo cho bản thân còn chưa xong nói gì đến hợp tác xã, hiệp hội. Hi vọng Nhà nước có thể hỗ trợ để thực hiện.

NGUYỄN TRUNG HIẾU/TT