Cả làng đổ xô bắn, bẫy chim sẻ
Chưa bao giờ ở vùng quê huyện Yên Thành, các tay súng đi săn lùng chim sẻ nhiều như vậy. Trên tỉnh lộ 538, chúng tôi chứng kiến hàng chục thợ săn đang lom khom chĩa nòng súng về phía những chú chim sẻ tội nghiệp bóp cò.
Điều kì quái là những tay súng này mang theo cả rượu và dao lam. Khi một con chim sẻ bị bắn hạ, một người chạy nhanh đến nhặt và cho máu chim vào rượu, những con bị thương thì dùng dao lam để cắt tiết. Những tay súng này vừa bắn vừa uống rượu tiết chim sẻ mặt ai cũng phừng phừng như gà chọi.
Nguyễn B, một tay súng cho biết: "Bọn em nghe đồn tiết, thịt chim sẻ tốt hơn cả tiết hổ rứa là rủ nhau xách súng đi bắn”. Theo B thì bắn chim sẻ vào ban ngày được ít hơn, nhiều lắm cũng chỉ 30 - 40 con/ngày. Còn cách hốt trọn ổ là buổi chiều đi thám thính thấy ổ chim sẻ về trú ngụ ở một cây nào đó kêu râm ran, thì đêm đến mang đèn xách súng đến tha hồ nhặt. Gặp ổ như vậy bắn mỏi tay, khoảng 200 - 500 con. Trước đây thì về vặt lông rán thịt ăn nhưng bây giờ nhiều người tìm mua nên bọn em đem bán với giá 5.000 - 7.000 đồng/con. Mỗi đêm bọn em cũng kiếm được tiền triệu.
Cắt tiết chim sẻ vì tin đồn thần dược
.
Không những tận diệt bằng súng mà có cả "đội quân" hàng trăm người sắm đồ nghề để bẫy chim sẻ. Anh Châu ở xóm 6, Quỳnh Xuân - Quỳnh Lưu - một thợ bẫy chim sẻ cho biết, ở quê anh vào mùa này cả làng sắm đồ nghề đi bẫy chim sẻ. Họ đi khắp nơi, vào tận cả Hà Tĩnh - Thanh Hoá - Quảng Bình...
Đồ nghề dùng để bẫy chim sẻ cũng không cầu kỳ, chỉ cần 2 tấm lưới được đóng khung lại, ràng với nhau bởi những sợi dây dù. Khi đặt bẫy, 2 tấm lưới sẽ trở thành 2 cái cánh, chim mồi được bỏ ở giữa, chân buộc vào một sợi dây.
Cách bẫy này còn có sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật số. Đó là chiếc máy phát âm thanh hình như một cái loa, có khe dắt thẻ nhớ chứa file tiếng kêu của chim sẻ. Cái máy này liên tục hoạt động để dụ chim sẻ sà xuống khu vực con chim mồi đang bị giật dây.
Khi đàn chim sà xuống, người đặt bẫy sẽ kéo dây "cò", lập tức 2 cánh của cái bẫy sẽ sập xuống và con chim không thể nào thoát được vì mắt lưới rất nhỏ.
Chim sẻ trong lồng chuẩn bị cắt tiết
"Một phát úp lưới, bẫy được khoảng 5-10 con, nhưng cũng có khi hốt trọn bầy khoảng 60 -70 con. Mỗi ngày như vậy trừ chi phí ăn uống, xăng xe em cũng còn vài triệu đồng bỏ túi mang về.
Bây giờ chim sẻ bẫy được không cần phải đi nhập như trước đây mà người dân, chủ yếu là công chức họ đến mua hết luôn. Có mấy cũng bán hết, đắt mấy họ cũng mua, vì tin đồn chim sẻ là "thần dược" - Anh Châu nói.
Sẽ trả giá!
Hiện nay không riêng gì huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu mà các huyện khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An người dân cũng đang bằng mọi cách bắn, bẫy chim sẻ để thịt và bán kiếm tiền. Chỉ tính trung bình một tay bẫy 1 ngày bắt được 200 con chim sẻ thì trên địa bàn Nghệ An mỗi ngày sẽ có bao nhiêu con chim sẻ bị giết?
Đây quả là một con số đáng báo động. Ông Nguyễn Bằng, một thầy thuốc Đông y ở Yên Thành thở dài: "Chim sẻ cũng có tính chữa bệnh, nhưng không đáng kể. Tôi hơn 60 năm làm nghề y nhưng chẳng thấy ai dùng chim sẻ để chữa bệnh bao giờ. Tin đồn thần dược là tin đồn thất thiệt, làm cho loài chim sẻ ngày càng cạn kiệt. Chim sẻ là loài chim ăn côn trùng mạnh nhất. Với đà tận diệt chim sẻ trên diện rộng như thế này thì nạn cào cào châu châu sẽ phát triển phá hoại mùa màng. Huỷ diệt môi sinh làm mất cân bằng sinh thái, rồi đây thảm hoạ khó lường".