Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông nhìn nhận như thế nào về phương an thu phí bảo trì đường bộ mà Tổng Cục Đường bộ vừa đưa ra?
PGS TS. Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội: Tôi ủng hộ việc lập quỹ bảo trì đường bộ, vì ở nước ta xu thế đầu tư rất nhiều vào làm đường nhiều nhưng lại không có quỹ để bảo trì, sửa chữa khi đường hỏng, tới khi đường hỏng nặng rồi thì trách nhiệm làm đường lại phải đóng góp rất nhiều hoặc chúng ta lại phải đi vay tiền để làm đường.
Về những phương án thu phí mà Tổng Cục Đường bộ đưa ra mới chỉ là bước đầu và còn phải qua nhiều cấp duyệt. Những phương án này nhiều nước trên thế giới thực hiện rồi nên không có gì là mới mẻ cả. Tuy nhiên, ở nước ngoài, họ không để xảy ra tình trạng phí chồng phí, họ rất rõ ràng về quỹ bảo trì đường bộ và có những sự hỗ trợ kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Vậy phải làm như thế nào thì mới gọi là hợp lí thưa ông?
PGS TS. Nguyễn Quang Toản: Thực tế, những người có nhu cầu thì mới tham gia giao thông và xe đã lăn bánh trên đường thì phải đóng tiền bảo dưỡng, nhưng vấn đề ở đây là có xe phá hoại đường nhiều và xe phá hoại ít.
Nói như xe máy hay xe ô tô con, sức phá hoại đường là không đáng kể nhưng các phương tiện này khi tham gia giao thông cũng chiếm dụng phần diện tích đường nhất định; còn các xe trọng tải nặng, xe container thì sức phá hoại là khủng khiếp… Như vậy, nếu đánh đồng % phí xăng dầu thì rõ ràng là không công bằng đối với các loại phương tiện và chủ phương tiện.
Nên căn cứ vào sức phá hoại đường của mỗi loại xe để thu phí bổ sung qua phương tiện. Ngoài ra, cần tính độ chênh lệch về % phí xăng dầu minh bạch và phù hợp.
Một việc cần làm ngay nữa là phải xóa bỏ 1 trong 2 khoản phí xăng dầu hoặc gộp 2 loại phí làm 1 chứ không thể thu cả 2 loại phí giống nhau cho 1 mục đích sử dụng. Nếu không rõ ràng trong việc này thì tổng phí chủ phương tiện phải nộp là 4 chứ không phải là 3, sẽ thiệt thòi cho họ.
Vẫn nói về thu phí qua xăng dầu, có 1 vấn đề rõ ràng trong đó là sẽ tính cả % phí bảo trì đường bộ đối với những đối tượng sử dụng xăng dầu nhưng không vào mục đích tham gia giao thông đường bộ, ông nghĩ sao về điều này?
PGS TS. Nguyễn Quang Toản: Đúng, ngành giao thông không thể đánh phí xăng dầu để gây quỹ bảo trì đường bộ cho các đối tượng sử dụng nhiên liệu không vào mục đích tham gia giao thông đường bộ.
Cứ nói chung chung là thu 1.000 đồng/lít xăng, 300 và 500 đồng/lít dầu diesel thì biết hiểu sao? Phải “định nghĩa” rõ phí xăng dầu ở đây là gì? Bởi vì không chỉ giao thông mà còn nhiều ngành nghề khác sử dụng xăng dầu.
Tôi nói đơn cử như việc người ta sử dụng xăng dầu trong nghề cá, sử dụng xăng dầu trong sản xuất nông nghiệp… Họ chạy tàu thuyền đi đánh bắt cá, họ đổ dầu vào máy để cày bừa ruộng đồng chứ họ không chạy ô tô xe máy trên đường, họ không phá hoại đường nên trách nhiệm đóng góp xây quỹ bảo trì đường bộ không phải là của họ.
Trên thực tế, để phân biệt được mục đích sử dụng xăng dầu như thế nào là rất khó, nhưng tìm cách trả lại % phí cho người dân cũng không dễ dàng gì. Ở nước Đức người ta cũng không phân biệt được, nhưng sau đó họ chuyển phí dôi dư vào 1 quỹ gọi là phúc lợi xã hội để trợ cấp cho nông dân, tuy chỉ là tương đối thôi nhưng đó cũng là việc làm hợp lòng dân.
“Phải thay đổi về giải pháp”
Xu hướng xóa bỏ các trạm thu phí Nhà nước để chuyển giao sang trạm BOT là mục tiêu của ngành giao thông. Vậy đây có phải là hình thức ép phí đối với các chủ phương tiện thưa ông?
PGS TS. Nguyễn Quang Toản: Điều này có vẻ rất ấm ớ.
Ở nước ngoài chỉ thu phí cầu đường khi hệ thống đường công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ai muốn đi đường tốt, muốn tiết kiệm thời gian và nhiên liệu thì tự họ nộp tiền để đi đường có thu phí, còn ai không muốn đi đường thu phí thì chọn đường xấu hơn.
Phương tiện phải “đội” trên đầu nhiều loại phí gây quỹ bảo trì đường bộ, bất cập lớn nhất của phương án thu phí này là gì thưa ông?
Ông Thái Văn Trung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM: Để đảm bảo tính công bằng thì thu phí qua xăng dầu là hợp lí, nhưng nhìn vào tổng thể thì có nhiều điều bất cập trong phương án này.
Lâu nay doanh nghiệp vận tải đã phải nộp phí xăng dầu với mục đích phát triển hạ tầng giao thông đường bộ nhưng thu được bao nhiêu và chi ra bao nhiêu thì chưa bao giờ rõ ràng.
Nay phương án mới tiếp tục nêu ra việc thu phí xăng dầu để bảo trì, duy tu đường bộ, nói vậy là có 2 loại phí xăng dầu doanh nghiệp vận tải phải nộp chứ không phải 1, tôi thấy vô lí. Theo tôi nên gộp lại hoặc xóa bỏ 1 trong 2 khoản phí xăng dầu đi và cần công khai minh bạch để phục vụ cho việc sửa chữa cầu đường.
Còn thu trực tiếp theo đầu phương tiện cũng không hợp lí. Lí do vì đầu xe như nhau nhưng việc sử dụng đường bộ là khác nhau, có người dùng nhiều người dùng ít, nhiều xe chạy suốt trên đường nhưng có xe chỉ lưu hành nội bộ nên sẽ không công bằng.
Theo ông, nếu phương án thu phí này được duyệt sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động vận tải đường bộ nói riêng và tình hình kinh tế nói chung?
Ông Thái Văn Trung: Trong 3 phương án Tổng Cục Đường bộ đưa ra thì duyệt phương án nào cũng là phí chồng phí. Theo tôi, phải có sự thay đổi về giải pháp thì mới đảm bảo công bằng và hợp lí. Còn không, nếu cứ thu 2 lần phí xăng dầu là đã vi phạm pháp luật về sử dụng dịch vụ, 2 nguồn thu cho cùng 1 mục đích là gây quỹ bảo trì đường bộ là hoàn toàn sai.
Chỉ số giá tiêu dùng của nhóm giao thông luôn là cao nhất, khi phí chồng phí thì cước vận tải chắc chắn sẽ phải điều chỉnh theo hướng tăng lên, mọi chi phí phát sinh khác cũng tăng dẫn đến nguy cơ lạm phát và điều đó đồng nghĩa với việc đi ngược với chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Xin trân trọng cảm ơn!