Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vụ sáp nhập chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng

(20:57:31 PM 31/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Ngân hàng cổ phần Liên Việt công bố tên gọi mới hôm 29/7 sau khi hoàn tất kế hoạch sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện để khai thác dịch vụ, công nghệ và gần 10.000 điểm giao dịch của đơn vị này.

 

Sau 3 năm thành lập, Liên Việt có tên mới là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Sau 3 năm thành lập, Liên Việt có tên mới là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

 

Công ty Tiết kiệm Bưu điện (hoạt động từ 1999, thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam) gia nhập Ngân hàng Liên Việt với số vốn góp 997 tỷ đồng để tạo ra ngân hàng mới có tên gọi Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPB). Số vốn nói trên tương đương 14,99% vốn điều lệ ngân hàng, trong đó 360 tỷ đồng là giá trị của chính Công ty Tiết kiệm Bưu điện, phần còn lại sẽ được Tổng công ty Bưu chính Việt Nam góp nhiều lần bằng tiền mặt.

 

Tại buổi lễ công bố tên gọi mới, đại diện cả hai bên đều không muốn nhắc tới những từ như mua bán hay sáp nhập. Tuy nhiên, về bản chất đây là thương vụ sáp nhập chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng, khi một tổng công ty nhà nước góp vốn vào một ngân hàng cổ phần bằng cả tiền và giá trị của một công ty thành viên. Thương vụ đặc biệt này cũng cho ra đời mô hình ngân hàng bưu điện đầu tiên tại Việt Nam - kết hợp giữa ngân hàng thương mại truyền thống với dịch vụ tiết kiệm bưu điện.

 

Với thương vụ này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 5.650 tỷ đồng trước sáp nhập lên 6.010 tỷ đồng. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng được sử dụng 10.000 điểm giao dịch của Công ty Tiết kiệm Bưu điện trên toàn quốc, kể cả tại những xã vùng sâu, vùng xa nhất Việt Nam. Đổi lại, ngân hàng sẽ phải xử lý khoản lỗ 145 tỷ đồng do Công ty Tiết kiệm Bưu điện để lại.

 

Chủ tịch Hội đồng Tín dụng LPB Trần Việt Trung lý giải khoản lỗ này chủ yếu phát sinh do Công ty Tiết kiệm Bưu điện phải huy động với lãi suất cao nhưng đem đi gửi với lãi suất thấp. Theo quy định, số vốn Công ty Tiết kiệm Bưu điện huy động từ dân cư phải gửi vào Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư, cho vay theo chủ trương của Chính phủ. Số dư tiền gửi này hiện vào khoảng 5.380 tỷ đồng với lãi suất khoảng 12% trong khi huy động đầu vào là 14%, theo ông Trung.

 

"LPB sẽ phải xử lý làm sao cho nguồn vốn huy động qua dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải có lãi hơn nữa, ít nhất là hòa vốn", ông Trung nói. Ông cho biết thêm, LPB vẫn duy trì những khoản tiền gửi chưa đáo hạn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, song sẽ xin cơ chế chuyển những khoản có kỳ hạn trên một năm thành trái phiếu để hỗ hoạt động kinh doanh của LPB.

 

Thương vụ sáp nhập giữa Công ty Tiết kiệm Bưu điện với Ngân hàng Liên Việt được khởi động từ năm 2009, đúng một năm sau khi Liên Việt được cấp phép thành lập. Quá trình đàm phán, hoàn tất thủ tục bị kéo dài một phần do khâu định giá Công ty Tiết kiệm Bưu điện. Phó chủ tịch LPB Nguyễn Đức Hưởng cho biết Liên Việt đã trả gấp 4 lần mệnh giá để mua được Công ty Tiết kiệm Bưu điện, vượt qua 20 ứng viên khác.

Song Linh/VnExpress