Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tổng giám đốc hóa ‘yêu râu xanh’
Dù đã có gia đình và con lớn nhưng Vương Văn Lâm, một kẻ dâm đãng vẫn lên mạng Internet làm quen với cháu H., ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa để “dụ tình” dưới cái mác Tổng giám đốc của một công ty lớn tại Hà Nội.
Để chứng tỏ mình là một “đại gia” thứ thiệt, Lâm vào gặp H. ở Thanh Hóa với món quà là chiếc điện thoại di động cùng mấy bộ quần áo mới. Sau khi nhận quà, H. liền chấp nhận theo Lâm vào nhà nghỉ.
Sau hai ngày ở Thanh Hóa, Lâm gạ H về Hà Nội, thuê nhiều nhà nghỉ để tiếp tục "cuộc sống vợ chồng" với cô bé. Quá trình ở cùng với H., thấy cô bé luôn nhận được điện thoại của hai cô bạn gái, Lâm điện thoại dụ dỗ hai cháu này ra Hà Nội chơi nhưng khi vừa tới điểm hẹn gặp thì bị công an Thanh Hoá lật bộ mặt thật và bắt giữ.
Vị Tổng giám đốc dởm này “lộ rõ nguyên hình” khi công an huyện Nga Sơn nhận được đơn trình báo của gia đình cháu H. về việc con mình mất tích. Trong quá trình điều tra, lực lượng công an nhận được thông tin về việc H. liên lạc với hai cô bạn thân nên bí mật xác minh. Khi Lâm điện thoại rủ hai cháu bé này ra Hà Nội chơi, các trinh sát lập kế hoạch khiến tên “yêu râu xanh” phải lộ mặt.
Giả đại gia lừa bán thiếu nữ vào lầu xanh
Dù cũng sử dụng chiêu bài “đại gia” nhưng không háo sắc như Lâm, Đào Văn Dương, ở Lạng Sơn lại là một tay “buôn sắc”.
Chỉ là một tên cửu vạn ở bên kia biên giới nhưng Dương lại có vẻ ngoài khá sáng sủa. Lợi dụng điểm ấy, tên này giả danh thương nhân giàu có đi "giăng bẫy" nhiều thiếu nữ và trong khoảng một năm, hắn lừa bán được 7 thiếu nữ ở độ tuổi 17 - 23 vào các ổ lầu xanh với giá khoảng 100 triệu đồng mỗi người.
Nhiều kẻ vào vai đại gia để trục lợi. Ảnh minh họa. |
Bộ mặt thật của Dương chỉ bị lật tẩy khi một cô gái 24 tuổi ở Đông Hưng, Thái Bình đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi phạm pháp của Dương.
Thiếu nữ này cho biết, tháng 2/2010 tại quán bar ở đường Trường Chinh cô quen Dương. Hắn giới thiệu là chủ quán cà phê lớn, lại có cửa hàng đại lý buôn bán quần áo và hàng điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam. Dương giỏi ăn nói và khá phóng tay về tiền bạc. Mối quan hệ giữa cô và anh ta ngày thêm gắn bó.
Sau đó, Dương rủ cô đi Lạng Sơn và sang Trung Quốc nhập hàng quần áo. Thiếu nữ không ngờ bị anh ta lừa bán vào nhà chứa để đút túi hơn 90 triệu đồng. May mắn chỉ sau ít ngày ở đây, lợi dụng sơ hở cô bỏ trốn được khỏi "tổ quỷ".
Theo tài liệu điều tra, Dương lừa bán ít nhất 7 thiếu nữ ở tuổi 17-23 tuổi vào nhiều nhà chứa ở bên kia biên giới. Kẻ nhận là "đại gia", "công tử đất Hà Thành" thực ra là người bốc vác hàng thuê ở vùng biên. Khi có mối "mua người", Dương đi săn tìm phụ nữ.
Và sau nhiều lần phục kích, “đại gia” Dương cũng sa lưới khi đang đến nhà người yêu cũ để rủ sang bên kia biên giới Trung Quốc để mua quần áo sau đó bán vào "lầu xanh".
Mạo danh Tổng Giám đốc kiêm cảnh sát Interpol đi lừa
Không chỉ đóng giả “đại gia”, Nguyễn Việt Hùng, ở Hà Nội còn “vào vai” cảnh sát Interpol để lừa đảo.
Đầu tháng 12/2005, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) nhận được đơn trình báo của bà Lò Thị C, một cán bộ ở tỉnh Sơn La về việc bà bị một thanh niên tên là Nguyễn Việt Hùng lừa. Theo bà C. trình bày, khoảng tháng 4/2005, bà được người quen mách cho "cửa" để chạy vào ĐH K.
Bằng nhiều cách, cuối cùng bà C. cũng tiếp cận được người cần nhờ cậy là Nguyễn Việt Hùng. Ngoài "chiêu bài" đưa ra một quyết định có dấu đỏ về việc Hội đồng sáng lập Công ty Sản xuất Dịch vụ - Xuất nhập khẩu và tiếp nhận đầu tư từ thiện Gohecco bổ nhiệm Hùng làm Tổng giám đốc, Hùng còn khoe rằng mình là cảnh sát Interpol.
Dù chỉ học ở một trường trung cấp nhưng không biết bằng cách nào, Hùng lại có tới hai tấm bằng ĐH chính quy chuyên ngành Luật và Kinh tế. Hùng hứa sẽ gắng sức giúp đỡ và đưa ra hai phương án: Nếu muốn con trai thi đỗ vào hệ chính quy thì bà C. phải đưa cho anh ta 80 triệu đồng, nếu học hệ dân sự, nộp tiền học phí thì phải đưa 60 triệu đồng.
Vay mượn mãi mới được 50 triệu đồng, bà C. đưa tất cho Hùng. Nhưng chờ mãi, đến khi trường K. chiêu sinh xong mà con mình vẫn chưa nhận được giấy báo, bà C. nhiều lần thúc giục thì Hùng khất lần. Đến tháng 10, Hùng yêu cầu gia đình làm bộ hồ sơ khác để lo cho con bà C. vào học tại trường Q nhưng vẫn không được, đòi tiền lại thì anh ta tìm cách lẩn tránh.
Sau khi bị bắt, hắn khai nhận thêm, với thủ đoạn giả làm Tổng giám đốc, cảnh sát Interpol, có lúc mạo danh là Thiếu tá An ninh để tạo lòng tin, Hùng đã "nẫng" tiền của nhiều người qua "chiêu bài" chạy suất vào các trường ĐH danh tiếng.
Trộm cắp ‘đóng vai’ cậu ấm nhà giàu
Với thủ đoạn giả làm con các sếp lớn ngành điện, ngành xây dựng… Hồ Anh Tuấn đã thực hiện trót lọt khoảng 13 vụ lừa đảo, xin tiền trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương. Thực chất, Tuấn là đối tượng không nghề nghiệp, hiện sống ở Hải Phòng. Vì không có tiền để trả nợ cờ bạc nên hắn bất chấp mọi thủ đoạn.
Kế hoạch giả danh “cậu ấm” của Tuấn được chuẩn bị kỹ càng. Hắn dành một thời gian dài chuyên lần tìm vào các trang thông tin của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp lớn trên mạng Internet và ghi chép lại tên, tuổi, địa chỉ… những người đứng đầu các cơ quan đó. Sau đó tự xưng là con trai những vị lãnh đạo cấp cao trên, hắn tìm đến các công ty, chi nhánh nhỏ trực thuộc đơn vị để xin tiền, lừa đảo.
Sau khi "xin" trót lọt nhiều vụ, thấy dễ ăn, Tuấn đến công ty cổ phần Vinaconex 2, tại đường Lạc Long Quân, Tây Hồ xưng là con trai Tổng Giám đốc công ty Vinaconex.
Thấy Tuấn ăn nói lịch sự, đầu tóc chải mượt, còn thêm chiếc máy tính xách tay… lại là con lãnh đạo cấp cao tổng công ty xuống làm việc, cả bảo vệ và Ban Giám đốc đã tin tưởng tiếp đón. Tuy nhiên, khi hỏi xin tiền nộp phạt vì bị cảnh sát giao thông giữ xe ô tô, Tuấn bị bắt giữ.
Tuấn buộc phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Chiếc cặp Tuấn mang theo người bên trong là một quyển vở học sinh ghi tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, của nhiều lãnh đạo của các cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành.
Làm giả thẻ trả phí taxi để đóng... đại gia
Từng là tài xế của hãng taxi Mai Linh, Bùi Văn Hợp, 25 tuổi, quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng biết rõ quy trình sử dụng thẻ thanh toán cước phí dành cho khách hàng (MCC). Sau khi chế tạo thẻ giả, Hợp cùng các chiến hữu đi ăn chơi như đại gia bằng taxi Mai Linh, mà không phải trả khoản phí nào.
Trong thời gian làm lái xe cho Công ty Mai Linh Đông Bắc Bộ, vì có dụng ý xấu nên Hợp để ý, ghi chép lại mã số thẻ và tên của các cơ quan có sử dụng MCC của taxi Mai Linh. Hợp cũng nhặt được một mẫu thẻ MCC do khách để trên xe (thẻ đã hết hạn sử dụng). Tháng 3/2010, Hợp bỏ việc và lấy tên, mã số thẻ của 6 cơ quan nêu trên, đến cửa hàng in ấn trên đường Khương Đình, Thanh Xuân, hợp đồng in theo mẫu thẻ MCC do Hợp nhặt được.
Sau khi làm xong, Hợp giữ lại hai thẻ, cho hai lái xe khác của taxi Mai Linh và Khang hai thẻ và Cường hai thẻ. Quá trình sử dụng thẻ giả, Hợp đi 64 lần với hơn 29 triệu tiền cước; Khang đi 228 lần với tổng số 54 triệu tiền cước; Cường đi 27 lần với số tiền cước hơn 15 triệu đồng. Bọn chúng đều ký các tên khác nhau vào phần khách hàng để che đậy tung tích của mình.
Từ khi có thẻ MCC giả, các đối tượng này đều tự đặt cho mình thêm biệt hiệu "đại gia". Đang ngồi chơi, bạn bè có hứng thú, Hợp gọi luôn taxi Mai Linh loại 7 chỗ ngồi cho cả nhóm đi xuống Quảng Ninh uống rượu, rồi ra Đồ Sơn ngắm biển… Có chuyến du ngoạn bằng taxi của chúng, tiền cước lên đến gần 5 triệu đồng. Cứ uống rượu say say, các đối tượng này lại bắt taxi Mai Linh để lên… ngủ và bảo lái xe chạy quanh Hà Nội, thích đến lúc nào thì đến. Hứng lên, buổi chiều, chúng gọi taxi Mai Linh để về quê… ăn cơm tối, hoặc xem trận đá bóng với bạn bè, xong lại lên Hà Nội ngay trong đêm...
Sau khi phát hiện số tiền cước thu về vênh tới 124 triệu đồng so với các hóa đơn trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2010, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ làm đơn trình báo gửi Phòng CSĐT tội phạm PC45, công an thành phố Hà Nội. Đến đầu tháng 10/2010, các “đại gia hão” này bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ.