Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Nhiều vùng đất chật hẹp ở miền Trung đang oằn gánh quá nhiều nhà máy thủy điện lớn nhỏ đua nhau mọc lên. Hầu hết các nhà máy này đều xem nhẹ các đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động xã hội mà nó có thể gây ra. Nhiều bản báo cáo làm ra sơ sài, đọc thấy na ná như nhau và hầu như dẫn đến kết luận là công trình gây tác hại không đáng kể cho môi trường. Thế là công trình được các cấp chính quyền phê duyệt và khởi công rầm rộ.
Sau đó, không cần phải mất nhiều năm, ngay trong giai đoạn khởi công xây dựng hoặc bắt đầu vận hành, hàng loạt sự cố môi trường xuất hiện, mà trước đó trong báo cáo đánh giá tác động môi trường bỏ qua hoặc nhắc đến một cách đơn giản. Hệ quả là diện tích rừng ngày càng bị teo tóp, tài nguyên rừng càng suy kiệt, hai bờ hạ lưu sông bị xói lở, làng mạc, đồng ruộng mùa mưa thì ngập lũ ngày càng nghiêm trọng, mùa khô đồng ruộng xác xơ hơn vì khô hạn. Chưa kể hàng loạt hộ dân mất chỗ ở, mất nguồn sinh kế, phải di dời đến nơi khó khăn chật vật hơn.
Trên hệ thống sông Đồng Nai đang hình thành một chuỗi các đập nước, hồ chứa và nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Theo dự kiến sẽ có 10 nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Đồng Nai, 5 nhà máy thủy điện trên dòng sông La Ngà và 6 nhà máy thủy điện trên sông Bé, chưa kể vài mươi nhà máy thủy điện khác trên các phụ lưu của hệ thống sông Đồng Nai.
Có thể thấy trước là hệ thống sông sẽ bị băm nát thành nhiều phân khúc, sông Đồng Nai sẽ không còn chảy theo nhịp điệu vốn có từ ngàn năm của nó, hàng ngàn hecta đất rừng, đất cư trú và đất canh tác của người dân mất đi và ngập chìm dưới các hồ chứa. Các khu rừng đầu nguồn, rừng bảo tồn và rừng đặc dụng hình thành hàng trăm năm có nguy cơ bị chặt phá không thương tiếc.
Điều này sẽ là một hiểm họa lớn cho sự thay đổi đặc điểm nguồn tài nguyên nước quý giá, làm bạc màu các vùng đất màu mỡ, làm suy giảm tính đa dạng sinh học khu vực và đẩy hàng ngàn người dân trong khu vực vào chỗ mất đất cư trú và sinh kế. Nhiều vùng đất rừng là nơi cư trú của người dân tộc thiểu số, hoặc là nơi chứa nhiều di tích văn hóa, lịch sử có nguy cơ bị biến mất. Nhiều giá trị sinh thái, nhiều loài thú, loài cây cực kỳ quý hiếm, đôi khi chỉ duy nhất vùng này mới hiện hữu, có nguy cơ bị các công trình này đẩy đến chỗ tuyệt chủng.
Các phân tích hiệu quả kinh tế trong các hồ sơ thủy điện cũng không thể chỉ ra để có 1 kW điện phải đánh đổi bao nhiêu cho các giá trị đo được bằng tiền và giá trị không đo được bằng tiền này? Mất rừng cho thủy điện còn có nghĩa là làm gia tăng phát thải khí nhà kính, góp phần gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều đáng lưu ý là các đánh giá tác động môi trường đã “xé lẻ” ra, nhằm chỉ xem xét cho từng nhà máy thủy điện riêng rẽ mà cố tình bỏ qua các tổ hợp tác động mang tính “cộng hưởng” khi nhiều nhà máy cùng hoạt động trên một hệ thống sông và những hệ sinh thái trong đó. Khi đó không là những tác động kép mà có thể là những chuỗi hiểm họa liên hoàn tương tác lẫn nhau.
Cả nước vừa tổ chức thật hoành tráng Ngày môi trường thế giới 5-6 của năm 2011 với khẩu hiệu “Rừng - giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” thì mới đây, một quan chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thay vì tìm cách bảo vệ rừng lại ký văn bản đồng tình với đề xuất cho một công ty tư nhân phá 137,5ha rừng ở vườn quốc gia Cát Tiên để làm nhà máy thủy điện.