Siêu tìm trầm
“Tối đi, cả ngày chú bận đi tìm liệt sỹ ở Phong Điền”. Tôi cố nài nỉ, ông Ngọc bảo: “Thôi 6 giờ chiều nhé, nói chuyện một chặp để chú ngủ sớm ngày mai đi Quảng Nam…”.
Và thành lệ, mỗi khi có khách, ông Trần Công Ngọc, 53 tuổi, thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà (TT-Huế) là pha một ấm trà đậm, ngon mời khách. Hớp ngụm trà, ông nói: “Đời tui cay đắng, ngao ngán lắm. Có lúc ở trên ngọn cây, cũng lúc bò sát đất, túng quẫn. Kể ra thì chẳng ai tin”.
Ông Trần Công Ngọc, 20 năm lăn lộn khắp nơi tìm hài cốt liệt sĩ - Ảnh: Trường Hà |
Ngày trước, ông Ngọc sống bằng nghề đi tìm trầm. Nhiều lần trúng quả đậm rừng cho, tiếng nổi vang khắp TT-Huế. Năm 1989, ông mua đất, xây nhà ở thôn Lại Bằng cưới vợ: “Vào thời điểm người ta khổ nhất thì tui lại là người sống sung sướng, thoải mái nhất với hàng trăm cây vàng trong tay nhờ tiền của rừng cho”, ông Ngọc nhớ lại.
Một năm sau, ông mắc căn bệnh ung thư gan. Lê lết, đau thắt trên giường bệnh ròng rã gần 1 năm trời. Bệnh viện lắc đầu, ông đành về nhà nằm chờ mặc nhiên mạng sống cho số trời định đoạt: “Biết là rồi mình sẽ chết nhưng kinh nghiệm từ những lần đi rừng nên tui cố lê thân lên rừng tìm lá, rễ cây về tự chế biến làm thuốc uống”.
Trong một lần đi lấy thuốc, ông đào được một loại rễ mà tôi đã tìm nát cả cánh rừng hơn một năm trời không tìm được.
Căn bệnh ung thư gan dứt hẳn. Từ đó, ông bắt đầu bằng nghề làm thuốc chữa bệnh miễn phí cho dân để trả ơn. Nhưng cũng chính từ đây, ông Ngọc rơi vào con đường nợ chồng lên nợ.
Bỏ nghề, ông dắt vợ, bế đứa con đang còn đỏ hỏn lên vùng đất đồi khe Trái lập vườn, “cày tiền” trả nợ với lời hứa lúc nào trả hết nợ sẽ trở về. Ba năm trời, ông làm quần quật ngày đêm và trả hết nợ. Vào thời điểm làm ra nhiều tiền, bụng dạ ông Ngọc nôm nao, chẳng ưng ý bởi lời hứa chỉ đi làm trả hết nợ sẽ trở về Lại Bằng.
Vào buổi sáng đang cày đất. Một người đàn ông qua đường hỏi nửa thật nửa đùa mua lại khu đất của ông đang làm. Dừng đường cày, ông ra giá và bán lại toàn bộ cơ nghiệp trên rừng dắt díu vợ con về nhà.
Những đêm dài sau khi trở về, ông mơ nhiều giấc mơ kỳ lạ, đầu óc nửa mê nửa tỉnh: “Những đêm ngủ mà như không ngủ. Đầu óc rất tỉnh, như đang nói chuyện với bộ đội cả đêm”. Ruột gan thúc hối, sáng hôm sau, ông cầm một thanh sắt lên thọc xuống khu vực rừng Xương (nơi ông đào được rễ thuốc trị bệnh ung thư gan).
Khi ông thọc xuống chừng một mét thì có cái gì đó chặn đứng mũi sắt. Ông đào và phát hiện hài cốt liệt sĩ được mai táng trong võng dù.
“Tôi thấy các anh”
Ông Ngọc còn nhớ như in câu chuyện tìm hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Lợi, số nhà 28 Phan Bội Châu, TP Hà Nội hy sinh trên vùng đất Phong Sơn, huyện Phong Điền. Đồng đội ở đơn vị để liệt sĩ Lợi nằm lại trong một căn hầm sát mép bờ sông Bồ.
Nhiều năm tìm kiếm không thành, gia đình vào tận Bình Định mời thầy giỏi đến tìm ở khu vực gần chợ Phong Sơn để tìm. Ba ngày trời, 15 đào bới người nhưng không có kết quả.
Chiếc “gậy thần” để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là một thanh sắt có độ dài ngắn tùy theo địa hình tìm kiếm - Ảnh: Trường Hà |
Gia đình nản chí, ôm nhau khóc nức trong tuyệt vọng thì Chủ tịch xã này gọi điện thoại “cầu cứu” ông Ngọc. Trời nhập nhem tối, ông Ngọc đang ở trên rừng tìm mộ liệt sỹ nên đành phải thuyết phục gia đình nán lại. Sáng hôm sau, ông đến chợ Phong Sơn, vừa chắp tay khấn, bỗng dưng ông thấy người bộ đội đang nói chuyện và ông 'nhìn thấy' liệt sĩ Lợi đang ở dưới nền một ngôi nhà cấp bốn sát mép sông. Trong nhà có 4 mẹ con tên Khánh.
Sau một hồi suy tính, ông cùng 3 người khác đào một hầm chéo ngầm từ đường xuyên lòng đất vào sâu trong nền nhà. Đào nền nhà thì cất bốc được hài cốt liệt sỹ Bùi Văn Lợi. Tìm thấy người thân, gia đình ôm nhau khóc trong sung sướng...
Một lần khác, ông Mai Văn Tuận, ở xã Hương Vinh, Hương Trà, TT- Huế mặc dù đã nhờ hai lần đi cất bốc, hai lần xây mộ cho em trai mình là liệt sĩ Mai Văn Chạy nhưng không chính xác.
Chuyện của gia đình ông Tuận kể lại, vào năm 1968, khi người lính thông tin Mai Văn Chạy chuẩn bị cưới bà Đặng Thị Bỉ trên rừng thì cả hai trúng bom địch. Họ hy sinh vào ngày 22/2/1968, tại vùng rừng Hương Trà. Đồng đội quấn vải dù, mai táng hai người chung nấm mộ.
Gia đình đã cất công tìm kiếm nhiều năm. Lần thứ nhất nghe lời một ông thầy lên rừng cất bốc đất về xây một ngôi mộ, hương khói trong suốt một năm ròng.
Chưa an tâm, ông Tuận tiếp tục tìm thầy nhờ xác định vị trí hài cốt của em trai đã đưa về chính xác hay chưa. Ông thầy mà ông Tuận tìm đến cũng phán rằng em trai ông đang nằm lại trên rừng. Một lần nữa, gia đình cùng thầy cúng lên lại khu vực đã cất bốc một năm trước, đem “cốt” về tiếp tục lập ngôi mộ thứ hai.
Một thời gian sau, ông Tuận tình cờ xem tivi và biết được ông Ngọc nên muốn gặp ông Ngọc nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, vợ ông không đồng ý vì đã cất bốc đưa về hai lần. Ông Tuận lẳng lặng trốn vợ, cùng cán bộ thương binh xã Hương Vân đi gặp ông Ngọc.
Những chuyện rợn người
Ông Ngọc báo tin rằng: “Liệt sĩ Chạy vẫn đang nằm trên rừng, với một người phụ nữ vẫn còn xương cốt, trong một nấm mộ có hai gói có tên tuổi. Nghe tui nói rứa, ông Tuận nổi da gà”.
Đến vị trí được xác định hài cốt của liệt sĩ Mai Văn Chạy, ông Ngọc lấy chiếc “gậy thần” thọc xuống lòng đất trúng viên đá khắc tên của liệt sỹ Đặng Thị Bỉ, quê quán huyện Quảng Điền. Thọc gậy thứ 2 xuống lòng đất và lấy lên một viên đá khắc tên, họ, ngày hy sinh của liệt sĩ Chạy.
Khoét đất lên, gia đình ngỡ ngàng khi hai gói ni lon bọc hài cốt trong cùng một ngôi mộ hiện ra trước mắt. Khi bốc xong ngôi một liệt sĩ Chạy và Bỉ, ông Ngọc 'thấy' như ai đó đang níu vào vạt áo. Trong đầu ông mường tượng hình ảnh tấm bia của liệt sĩ Lê Thị Thí nằm trong hốc cây. Khi chặt gốc cây, bia mộ liệt sĩ Thí lộ ra.…
Ngoài phần “âm” trong người, ông Ngọc còn nghiên cứu “khoa học nông dân” trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ - Ảnh: Trường Hà |
Cùng với chiếc “gậy thần”, cơm đùm, gạo bới, dấu chân ông Trần Công Ngọc đã in lên khắp các vùng đồi núi của các tỉnh, sang tận Lào, Campuchia. Đã có hàng trăm hài cốt liệt sĩ được ông tìm thấy đưa về an táng tại các nghĩa trang và gia đình thân nhân liệt sĩ trong Nam ngoài Bắc.
4 năm trước, trong một lần cùng đoàn thân nhân gia đình liệt sĩ lên khu vực biên giới Việt – Lào tìm kiếm, khi cất bốc xong 8 hài cốt, qua sông trở về thì ông bị nước cuốn, nhưng may mắn níu được vào cây, mọi người phải dùng dây kéo lên.
Cách đây 3 năm, ông Ngọc cùng cán bộ xã, huyện đi khai quật hài cốt liệt sĩ ở khu vực Khen Rờn thuộc huyện Phong Điền (TT-Huế). Sau khi đào được khoảng 1m thì tìm thấy hài cốt được gói rất kỹ bằng một tấm tăng ở khu vực có rất nhiều hang.
Khi ông lấy dao cắt dây buộc tăng thì 6 con rắn hổ mang bò ra xông thẳng vào người. Cả đoàn sợ xanh mặt mày. Sau đó, ông Ngọc chặt một cái cây chẻ đôi, kẹp lấy con rắn và lần lượt đưa chúng đi nơi khác…
Ông Trần Công Ngọc hiện là thành viên Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Ngoài phần “âm” trong người, ông Ngọc có nhiều “bí quyết” hay trong việc tìm cốt liệt sĩ. Ông dựa vào những nhân chứng, chỉ cần họ nhớ đã chôn cất đồng đội bằng tăng bạt hay võng là ông có thể phát hiện chính xác vị trí.
Một lần ở vùng đất Phong Mỹ có tin có 3 liệt sĩ được chôn cất bằng tăng bạt ở khu vực đang trồng sắn rộng hơn 1ha. Đến nơi, ông đi quanh một vòng, rồi leo tít lên một ngọn cây quan sát ruộng sắn. Ông phát hiện nơi 2 luống sắn còi cọc chính là nơi 3 liệt sĩ đang nằm lại.
Ông Ngọc lý giải: “Nếu chôn bằng tăng bạt thì chính lớp ni lông đã cách ly dinh dưỡng khiến khu đất đó cỏ không mọc được. Còn chôn bằng võng dù thì ngược lại. Đơn giản vậy thôi”.
Ông Ngọc phì cười nói thêm rằng, đó là “khoa học” của ông nông dân chỉ học hết lớp 3.