Cầu Thuận Phước sau 1 năm (ngày 19/7/2010), kể từ khi xuất hiện các vết nứt trên bản mặt nhịp giữa cây cầu được xem là “xịn" nhất Việt Nam, hàng chục vết vá lớn nhỏ, loang lổ, ngang dọc bằng đủ các công nghệ được đơn vị thi công đắp lấp rất gây phản cảm.
|
|
Liên tục trong suốt gần 1 năm qua, mặt cầu Thuận Phước luôn chịu cảnh "nứt-vá" nham nhở |
|
Song những nỗ lực ấy vẫn không chèn lấp hết các vết nứt lộ rõ trên mặt cây cầu này. Ngược lại, lớp mặt cầu tiền tỷ này lại được đơn vị thi công đắp vá rất "lạ". Có vị trí vết nứt được chèn bê tông nhựa, có đoạn được đắp phủ bằng nhựa đường, có đoạn lại sử dụng cả mạt phủ lên... gây ảnh hưởng không ít cho các phương tiện đi qua.
Theo một số thợ chụp ảnh dạo tại cầu Thuận Phước, vết nứt trên lớp phủ mặt cầu xuất hiện từ năm ngoái. Sau đó, công nhân đến đục ra vá lại, rồi cứ vậy... .
Anh Hải, một du khách Hà Nội tham quan cầu Thuận Phước lắc đầu ngán ngẩm: “Cầu mới, đẹp thế này mà nứt nát phí quá. Vá trám càng phản cảm hơn. Mặt đường thảm nhựa tiền tỷ mà sửa chữa lại cẩu thả. Vừa rồi, xe máy chúng tôi suýt trượt ngã vì lớp đá trên mặt cầu này đây”.
Nguyên nhân do... công nghệ quá mới?
Ngày 18/7, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lê Chưa, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng.
|
Công nghệ vá, sửa chữa mặt cầu mà đơn vị thi công đang thực hiện cần được xem xét lại khi lớp đá mạt này gây không ít nguy hiểm cho phương tiện giao thông |
Ông Chưa cho biết: “Lớp phủ mặt cầu được thi công bằng vật liệu và công nghệ mới, hiện đại. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại nhưng chưa hẳn đã tối ưu trong các điều kiện. Hơn nữa, công nghệ quá mới, không lường hết những biến dạng giữa 2 lớp vật liệu nên đã xảy ra vết nứt”.
“Hiện chúng tôi đang xem xét đề nghị xử lý thử nghiệm 2 vệt tại giữa bản mặt cầu bằng lớp phủ polyme mà đơn vị thi công đang đề xuất. Hy vọng giải pháp này sẽ khắc phục hiện tượng trên”, ông Lê Chưa cho biết thêm.
Trách nhiệm đối với các vết nứt được các cơ quan chức năng cho biết thuộc về nhà thầu công ty Cty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC (Cty ECC).
Đối với vấn đề này, trước đó, ông Mai Triệu Quang, Giám đốc Cty Cty ECC, đơn vị tư vấn và thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước khẳng định: “Trước khi đưa vào sử dụng cho cầu, chúng tôi đã biết trước các vết nứt sẽ xảy ra, song do đây là công nghệ lớp phủ mặt cầu tối ưu nhất dành cho cầu Thuận Phước nên không còn cách nào khác là phải sử dụng”.
Để áp dụng công nghệ này, chi phí đối với lớp phủ mặt cầu đội lên cao gấp 4 lần so với bê tông nhựa thông thường, nhưng rồi lớp mặt này vẫn nứt và nhà thầu vá cứ tiếp tục vá.
|
Vết nứt xuất hiện trên lớp mặt cầu Thuận Phước gần 1 năm nay, nhưng trách nhiệm thuộc về ai vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. |
Cầu Thuận Phước được thiết kế và thi công theo công nghệ cầu treo dây võng bắc qua cửa biển đoạn cuối sông Hàn, là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Cây cầu được khởi công xây dựng từ tháng 10/2003 do một loạt các nhà thầu danh tiếng thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Một năm nay, sự cố nứt lớp phủ mặt cầu vẫn liên tục xảy ra, tồi tệ hơn, các biện pháp khắc phục, xử lý gần như vô nghĩa, mặt cầu càng ngày càng bị băm nát.
Luật Xây dựng và Nghị định về QLDA đầu tư nói rõ về trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư khi sự cố công trình xảy ra. Song cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào nhận trách nhiệm về sự cố này.