Gỡ lượt giấy báo bọc ngoài, con tôm hùm nằm bất động như đã chết. Thế nhưng, chỉ vừa thả xuống nước, trong vài giây nó khẽ rung chân, khua càng và lại tung tăng bơi lội… như chưa hề trải qua chặng đường vận chuyển dài. Chị Sen, chủ vựa hải sản Hải Long ở đường Ngư Ông (Phan Thiết) cho biết: cơ sở của chị phải dùng đến phương pháp gây mê để vận chuyển hải sản đi xa một cách dễ dàng. Ngoại trừ các loại tôm là vận chuyển khô, còn lại các loại cá khác, phải vừa gây mê nhưng phải vận chuyển trong nước.
Theo lời chị, không chỉ các chủ vựa mua bán hải sản mới dùng đến biện pháp này, mà các tàu đánh cá cũng phải “ru ngủ” hải sản trước khi mang chúng về đất liền. Những tàu cá của Phú Quý chuyên đánh bắt nhiều loại hải sản quý hiếm ở xa bờ và dài ngày, chính vì thế, thủy thủ phải tạm thời gây mê hải sản trong khi chờ ngày vào bờ.
Tôm hùm được gây mê để vận chuyển ra Bắc
Không riêng cơ sở Hải Long, hầu hết chủ vựa hải sản khác ở Phan Thiết đều sử dụng các biện pháp gây mê vừa nêu. Biện pháp ấy nhằm đạt tới sự an toàn, tránh bị thiệt hại, dù vận chuyển xa hay gần.
Và… đánh thức
Đa phần các chủ vựa hải sản luôn tránh nói cách thức gây mê, và cho đó là bí quyết nghề nghiệp không thể lộ cho người ngoài . Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết hải sản trước khi được gói giấy báo, đóng thùng vận chuyển đều được ngâm vào thùng nước có bỏ hóa chất.
Chất gây mê thâm nhập qua mang cá trong hô hấp, hòa vào máu và chuyển lên não, tác dụng làm cho cá chuyển sang trạng thái mê. Cá hoạt động chậm lại, sau đó bị mất cân bằng và không phản ứng khi bị bắt giữ, đụng chạm. Trong thời gian này, nhịp tim và hô hấp của cá cũng chậm lại tùy theo liều lượng chất gây mê và thời gian gây mê.
Mặc dù kỹ thuật gây mê hải sản không quá phức tạp nhưng những hiểu biết để thực hành đúng kỹ thuật gây mê cũng rất cần thiết. Sử dụng không đúng chất gây mê hoặc quá liều, thời gian gây mê quá dài có thể làm hải sản chết hàng loạt.
.
|
Các tàu thuyền đánh bắt xa bờ hoặc một số nậu vựa hải sản lớn sẽ thực hiện công đoạn đầu là gây mê hải sản để vận chuyển, còn lại các nhà hàng hoặc các đầu mối tiêu thụ sẽ thực hiện công đoạn thứ hai là đánh thức chúng dậy.
Khi các thùng hàng đã đến nơi cần đến, ngươi ta sẽ đánh thức chúng bằng cách quẳng chúng vào nước để chúng trở lại trạng thái bình thường. Nếu là tôm hùm thì từ từ gỡ bỏ lớp giấy báo, sau đó bỏ chúng vào thùng nước sạch có sục khí, bơm oxy. Nhìn đơn giản nhưng thùng nước sạch ở công đoạn này rất quan trọng để làm sống lại hải sản.
Theo các nậu vựa, ngoại trừ tôm hùm có sức sống mãnh liệt nên khó chết, còn lại các loại tôm khác tỉ lệ sống đều phụ thuộc vào sức khỏe của tôm. Những con tôm yếu, không được thả xuống bể nước liền mà phải tiến hành sục bình oxy từ 2 – 3 phút giống như hồi sức cấp cứu. Tất cả các bể chứa tôm, cá đều phải được làm lạnh để hải sản khỏe mạnh và không bị sốc khi tiếp nước sau chặng đường dài.