Các gói “Chè ngọt Sa Pa” kể trên đều có dán nhãn mác in sơ sài giới thiệu về công dụng của chè ngọt là chống bệnh tiểu đường, huyết áp cao... nhưng lại không ghi địa chỉ nhà sản xuất và cơ sở kinh doanh dược liệu theo quy định của ngành y tế và cơ quan quản lý thị trường.
Mặc dù UBND huyện Sa Pa đã ra văn bản không được mua bán sản phẩm chè Nhật làm đồ uống do tác hại của nó gây ra với người sử dụng, nhưng vì nhập nhèm với nhãn hiệu “Cỏ ngọt Sa Pa”, sản phẩm độc hại này vẫn bày bán công khai ở nhiều quầy kinh doanh sản phẩm đông nam dược trong chợ Sa Pa. (Ảnh chụp ngày 17-7).
Tìm hiểu chúng tôi được biết, do UBND huyện Sa Pa đã nhiều lần ra văn bản cấm các cơ sở kinh doanh đông nam dược không được buôn bán chè Nhật trồng tại Sa Pa do tác hại khôn lường của loại chè. Tuy nhiên, đã có không ít người hám lợi tìm cách né quy định cấm kinh doanh chè Nhật bằng cách nhập nhèm gọi là “Cỏ ngọt Sa Pa” để đánh lừa người sử dụng, nhất là khách du lịch khi tới Sa Pa tìm mua dược liệu quý hiếm làm quà tặng.
Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến cho nhân dân biết tác hại của cây chè Nhật để từ năm 2012 chuyển hướng gieo trồng thay thế bằng các loại cây trồng khác phù hợp với đồng đất Sa Pa. UBND huyện Sa Pa yêu cầu nếu từ nay đến cuối năm 2011, các hộ còn sản phẩm chè Nhật phải bán cho một công ty ở Hà Nội chế xuất thành sản phẩm phục vụ công nghiệp, nghiêm cấm mua bán sản phẩm chè Nhật với tên gọi là “Chè ngọt Sa Pa”, khuyến cáo khách du lịch phân biệt cây chè ngọt với chè Nhật khi mua sản phẩm dược liệu để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.