Có lẽ không ai là không biết đến giá trị của chợ trong đời sống người Việt, đặc biệt là ở những làng quê. Nơi ấy là chỗ để mọi người mua bán, trao đổi những nông vật phẩm với nhau, là chốn để chia sẻ với nhau những chuyện xóm giềng.
Nhưng chợ cóc, chợ tạm ngày càng hình thành dày hơn ở những nơi đông dân cư hay đầu mối giao thông của thành phố... Thực trạng này ít nhiều làm mất mỹ quan đô thị, dù nó giải quyết nhu cầu tức thời của người dân. TP Tam Kỳ, Quảng Nam chỉ là một ví dụ nhỏ.
Muôn kiểu chợ cóc, chợ tạm giữa phố đông
Ở khắp các ngả đường đổ về TP. Tam Kỳ, hầu như tuyến đường nào cũng mọc lên một chợ cóc, chợ tạm. Có thể kể hàng loạt chợ như thế trên quốc lộ 1, đoạn qua ngã ba Kỳ Lý, hay chợ ở quốc lộ 1 đoạn qua xã Tam Xuân 2…
Rác thải vứt lung tung bên cạnh các sạp hàng.
Chợ cóc nơi đây thường được hình thành một cách tự phát. Khi người dân sản xuất hàng hóa nhiều hơn nhu cầu, họ mang đi bán, từ bó rau, con cá, buồng chuối, bắp, măng, trái mít, con gà…
Bà Nguyễn Thị Ánh (Trường Xuân, Tam Kỳ) thường bán rau trước cổng trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi không có chỗ ở chợ nên mang đi bán rong hoặc ngồi ở vỉa hè là tiện nhất. Lâu nay, dân làng vẫn bán ở chợ cóc trước trường học cho học sinh sinh viên, vì ở đây có hè trống là có chỗ ngồi bán”.
Chợ trước cổng trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam là chợ tạm nhưng hình thành đã khá lâu. Những người dân sống lâu năm ở đây cũng cho hay, họ không biết chợ này có từ khi nào. Ban đầu, người dân gần đó mang bán những thứ họ tự làm ra. Sau có thêm vài sạp thịt, cá, người bán đông dần lên thành chợ. Dù đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng nhắc nhở, nhưng rồi đâu lại vào đó. Đặc biệt vào những giờ cao điểm, người bán người mua chen nhau ra giữa lòng đường, gây cản trở giao thông.
Vây quanh trung tâm Thương mại Quảng Nam, người dân lấn chiếm hết vỉa hè, thậm chí một phần lòng đường để mua bán, cũng hình thành nên chợ tạm. Lực lượng chức năng túc trực thường xuyên ở các khu vực này để chấn chỉnh, nhưng tình hình không mấy cải thiện và cứ giờ tan tầm là lúc chợ sôi động nhất.
Chợ tạm tại giao lộ Điện Biên Phủ - Hùng Vương cũng hoạt động rất náo nhiệt, mặc dù không gian vô cùng chật hẹp, nhưng những người bán kẻ mua vẫn coi như không. Nhiều lần đội quy tắc đô thị của Tp Tam Kỳ đi kiểm tra, thu giữ nhiều vật dụng, lập biên bản xử lý vi phạm nhưng không hiệu quả. Người bán cứ bán, người mua cứ mua, cơ quan chức năng đến thì… chạy.
Chợ trung tâm Tp Tam Kỳ đặc biệt ô nhiễm.
Hay chợ trung tâm TP. Tam Kỳ, đây là khu chợ đầu mối thực phẩm rau củ, nông sản, hàng tươi sống của tỉnh... Thành phố cho phép chợ hoạt động nhưng quy định các hộ phải thu dọn hàng hóa, dọn dẹp vệ sinh trả lại không gian đường phố, đảm bảo an toàn giao thông.
Song trên thực tế, đây là khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kẻ mua người bán bất chấp quy định lấn chiếm lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán.
Thủ phạm gây ô nhiễm môi trường
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hầu hết các chợ cóc, chợ tạm đều ngập rác và nước thải của các sạp bán tôm, cá và các hàng rau đổ ra, nên các lối đi bên trong chợ bốc mùi tanh hôi, gây ô nhiễm. Còn lối đi bên ngoài cùng mương thoát chung cho cả khu vực nằm sát với chợ cũng ngập rác, bùn đất và còn bốc mùi hôi hơn cả bên trong chợ.
Những lối đi ngập rác tại trung tâm Thương mại Quảng Nam.
Đặc biệt là vấn đề rác thải vô cùng đáng báo động. Không chỉ người đi chợ, mà cả người dân ở xung quanh khu vực các chợ này đều hít phải mùi hôi khó chịu hàng ngày. Người kinh doanh trong chợ cho biết, họ đã đóng tiền vệ sinh hàng tháng, nhưng chợ vẫn bốc mùi hôi và vẫn ngập rác các lối đi.
Tình trạng này diễn ra đã khá lâu tại các chợ ở Tam Kỳ, nhưng vẫn ít được chú ý. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm quan tâm và có những giải pháp giảm thiểu tình trạng này.