Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngột ngạt sống chung với cát

(11:05:12 AM 18/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Đường Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp (TP.HCM) chỉ dài hơn 600m nhưng có đến năm vựa cát hoạt động từ sáng tới khuya, khiến cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

 

Xe tải ra vào đường Nguyễn Văn Dung liên tục để chở cát đi các nơi - Ảnh: B.TRÂN

 

Từ 15-16g ngày 6-7, chúng tôi ghi nhận cứ một hai phút là có xe tải (trọng tải 2-3 tấn) chạy vào xúc cát rồi trở ra trên con đường lồi lõm và sình lầy này.

 

Sống cùng tiếng ồn, bụi bặm

 

Những ai mới đến đường Nguyễn Văn Dung lần đầu sẽ thấy rất ấn tượng trước những đồi cát khổng lồ, nối san sát nhau từ vựa này sang vựa khác. Những đồi cát này đều để trần, không có gì che chắn ngoài cánh cổng rào cao quá đầu người. Một người dân ở đây cho biết vào mùa khô, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng khiến cát tốc lên, táp vào mặt người đi đường và bay vào nhà dân.

 

Trải rộng hàng chục nghìn mét vuông từ mặt tiền đường Nguyễn Văn Dung đến bờ sông Bến Cát, nhiều năm qua năm vựa cát ở đây đã khiến cuộc sống của bà con trong khu vực chìm trong bụi bặm và tiếng ồn của gần 20 chiếc cần cẩu hạng nặng luôn rầm rập xúc cát từ sà lan ở bến sông đổ lên bờ.

 

Mỗi ngày hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau ra vào đây để tiếp tục chuyển cát đi nơi khác. Xe tải chạy tới đâu, tiếng còi, bụi đường và cát rơi vãi tới đó, khiến người chạy xe máy trên đường chỉ biết vừa che mặt vừa vội vàng tấp sát lề đường lánh nạn. Oằn mình cõng hàng trăm xe tải chở cát mỗi ngày nên đường Nguyễn Văn Dung đầy ổ voi, ổ gà.

 

Chị Nguyễn Thị Thiện Tâm, ngụ A303 chung cư Splendor (19 Nguyễn Văn Dung), kể: “Gia đình tôi dọn về đây từ tháng 11-2010 nhưng đến nay tôi vẫn không dám tự đi xe máy ra đường vào buổi tối vì sợ nguy hiểm khi đường đầy ổ trâu, ổ voi, không có đèn đường mà xe tải chở cát nối đuôi nhau chạy rầm rập”. Hiện chị Tâm mang thai hơn hai tháng, do thai yếu, bác sĩ dặn chị phải nghỉ ngơi và đi lại nhẹ nhàng, nhưng sống ở đây chị khó làm theo lời dặn của bác sĩ được.

 

Ông Nguyễn Hùng Cường, ngụ 72/796 Nguyễn Văn Dung, cho biết ông về đây sống từ năm 2004, từ đó đến nay tiếng ồn từ những chiếc cần cẩu xúc cát, từ xe tải chở cát khiến ông chưa một lần ngủ yên giấc!

 

Vựa cát nhận tiền đền bù nhưng chưa di dời

 

Đầu tháng 5-2011, sau khi nghe người dân phản ảnh xe vận chuyển cát trên đường Nguyễn Văn Dung hoạt động 24/24g, gây ô nhiễm môi trường và khiến con đường hư hỏng nặng, UBND P.6, Q.Gò Vấp đã mời các chủ vựa cát cùng các bên liên quan đến giải quyết.

 

Theo đó, các chủ vựa cát cam kết sẽ không hoạt động từ 23g đến 4g sáng hôm sau. Bà con ở đây không đồng tình với thời gian hoạt động này của các vựa cát vì như vậy bà con chỉ “được phép” ngủ năm tiếng mỗi ngày!

 

Bà Nguyễn Thị Liễu, chủ tịch UBND P.6, cho biết phường chỉ có thể giải quyết ở mức hòa giải giữa các bên về việc sắp xếp thời gian hoạt động của các vựa cát sao cho hài hòa với ý kiến của người dân. Ngoài ra, cuối tháng 6 vừa qua, phường đã liên lạc với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP để lên lịch đi đo đạc tiếng ồn trong khu vực nhằm tìm hướng xử lý tiếp.

 

Cũng theo bà Liễu, năm vựa cát trên nằm trong diện phải di dời để thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Đến nay, 4/5 vựa cát đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Trong tháng 7 này, phường sẽ đề xuất phối hợp với thanh tra quận cưỡng chế thí điểm 1-2 cơ sở đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho dự án nói trên.

 

Riêng về việc nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Dung, bà Lê Vũ Quận Tùng, phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Gò Vấp, cho biết đây là dự án do Nhà nước và nhân dân cùng làm, 100% người dân đồng ý tham gia hiến đất mở đường mới thực hiện được. Từ năm 2009 đến nay, địa phương chỉ mới vận động được hơn 61% người dân đồng ý tham gia dự án nên chưa thể triển khai thực hiện.

BÍCH TRÂN