Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vẽ bậy là “nghệ thuật”!?...
Dọn dẹp phòng cho cậu con trai tên Hoàng đang học cấp 3, chị Nga (ở Từ Liêm, Hà Nội), giật mình khi thấy hình minh họa nhà văn Kim Lân trong cuốn sách ngữ văn là “một cô gái xinh đẹp”. Nhìn kĩ, hóa ra hình vẽ ban đầu đã bị vẽ thêm bằng bút bi. Lật những trang sách khác, chị Nga tá hỏa khi rất nhiều tác giả văn học đã bị biến thành người khác qua những nét vẽ của con trai mình.
Khi mẹ hỏi về chuyện vẽ bậy lung tung vào sách giáo khoa, Hoàng cười: “Vẽ bậy đâu mà mẹ, nghệ thuật cả đấy”.
Thời gian trước, sách giáo khoa rất được học sinh nâng niu, cố giữ sạch đẹp để còn nhường lại cho các em phía sau sử dụng. Những học sinh vô tình làm dính mực lên sách là buồn ra mặt, chỉ những học sinh cẩu thả, không ngoan mới vẽ bậy lên sách.
Thế nhưng bây giờ, khi sách giáo khoa “dùng xong là bỏ”, nhiều học sinh coi việc vẽ lên sách giáo khoa là “thú vui”, là “nghệ thuật”, là cách để thể hiện cá tính.
Tùng, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho biết: “Nhiều lúc ngồi trong lớp học buồn ngủ quá, em lấy bút vẽ vào sách cho vui, vừa đỡ buồn ngủ lại có hứng để nghe thầy giảng bài tiếp. Mà em có vẽ những hình bậy bạ đâu mà gọi là vẽ bậy chứ”.
Đây là câu chuyện chung của khá nhiều “cô tú, cậu tú” dùng để biện minh cho việc vẽ lên sách giáo khoa của mình. Những hình vẽ các học sinh này vẽ lên SGK thường khá ngộ nghĩnh, mang đậm phong cách 9X. Đặc biệt, các 9X này rất yêu thích “hóa trang” cho các nhân vật, tác giả có hình minh họa trong SGK, như trường hợp của Hoàng ở trên.
Hoàng cho biết thêm: “Vẽ lên sách còn là cách để tụi em đánh dấu bản quyền sách của mình nữa, đỡ phải ghi tên lên nhãn vở, chỉ cần giở vài trang là biết ngay sách của ai. SGK của ai có nhiều hình vẽ đẹp, độc đáo thì cũng được vênh mặt một tẹo với bạn bè”.
Không chỉ các nam sinh, nhiều nữ sinh cũng thích thú với việc vẽ lên sách giáo khoa. Thu Hương, lớp 12 trường Nhân Chính (Hà Nội), khoe: “Em dự định sắp tới sẽ thi vào trường Mỹ thuật nên vẽ vào SGK coi như tập luyện luôn, cũng giảm căng thẳng nữa, vì năm cuối cấp nên áp lực thi cử rất lớn với tụi em”.
“Em thích truyện manga Nhật Bản nên hay vẽ theo phong cách đấy. Các hình em vẽ trên sách thường được các bạn khen đẹp nên em cũng thấy tự tin hơn khi thi vào trường Mỹ thuật” – Hương cho biết thêm.
…và cả sự thiếu ý thức
Bên cạnh những tác dụng tích cực như để giải trí, giảm căng thẳng trong những giờ học, thể hiện cá tính và tài năng, không ít học sinh đã thể hiện sự thiếu ý thức bằng hành động vẽ bậy lên sách giáo khoa.
Sơn, một học sinh thuộc loại “cá biệt ở một trường cấp 3 ở Bắc Ninh, rất hay bị thầy giáo mắng vì tội trốn tiết, nghịch ngợm trong giờ học. Để trả đũa thầy, sẵn có chút hoa tay, Sơn đã vẽ hình ảnh khá giống thầy vào sách giáo khoa, kèm theo những họa tiết, dòng chữ khó coi. Cứ đến giờ của thầy, Sơn tìm cách trưng những bức vẽ đó ra trước mặt để trêu tức thầy. Không ít lần thầy giáo bị ức chế, ảnh hưởng đến việc giảng bài.
Hà Thu là một cô giáo trẻ mới ra trường, đang dạy môn tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở ở ngoại thành Hà Nội. Một lần, cầm quyển sách giáo khoa của một cậu học sinh lớp 9 lên xem, Thu đỏ mặt khi vô tình giở phải trang sách có những hình vẽ nhạy cảm của em học sinh này. Thu vội vàng gập sách đặt xuống bàn trong tiếng cười rúc rích của cậu học sinh nọ.
Khi bị nhắc nhở, những học sinh này thản nhiên trả lời “sách của em, em thích vẽ gì thì vẽ”.
Không ít trường hợp, học sinh lợi dụng việc vẽ, viết bậy lên sách giáo khoa để bêu xấu nhau, dẫn đến những cãi cọ, xích mích, thậm chí là ẩu đả, đánh lộn nhau.
Trước tình trạng này, nhiều vị phụ huynh và giáo viên lắc đầu ngao ngán: “Nhiều học sinh bây giờ đã không còn coi sách giáo khoa là người bạn tri thức, là thứ đáng quý để nâng niu, giữ gìn như trước nữa rồi”.