Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cụ Lộc chăm sóc những luống húng cuối cùng - Ảnh: Ngọc Nga |
Tại làng Láng buổi trưa nắng hè gay gắt, một đôi vợ chồng già lúi húi nhổ cỏ trên mảnh đất nhỏ trồng rau bao quanh bởi những nhà cao tầng. Ông cụ nói: “Tranh thủ làm, vài tháng nữa là ở đây sẽ xây nhà trẻ, lúc ấy muốn làm cũng chả được”. Cụ tên Nguyễn Văn Lộc, năm nay đã 76 tuổi và vợ Đỗ Thị Tất, 78 tuổi. Họ thuộc số người hiếm hoi trong làng còn trồng húng đến ngày nay.
Bát bún ngon nhờ húng Láng
Ngồi bên luống húng xanh mướt, đôi mắt cụ Lộc như sáng lên chút ít khi nhớ lại những ngày mà rau húng không chỉ là niềm tự hào của người làng Láng. Vị thơm dịu của húng Láng kèm với những món ăn quen thuộc như bún ốc, bún chả... khiến những món ăn này có hương vị đặc biệt hơn.
Thế nhưng sau 60 năm gắn bó với húng Láng, giờ cụ Lộc đang phải chứng kiến mảnh đất trồng rau bị những tòa nhà cao tầng nuốt chửng dần mỗi năm. Dân làng cũng dần bỏ nghề trồng rau vì không có đất, không lợi nhuận mà lại vất vả, một ngày thu nhập chưa đến 50.000 đồng. Chỉ còn vài tháng nữa, mảnh đất chưa đầy hai sào mà cụ Lộc đang trồng húng sẽ nhường chỗ cho trường mầm non theo quy hoạch đã được duyệt.
Cụ Trương Thị Định, 71 tuổi, người còn lại mấy luống húng nhỏ, tâm sự: “Con tôi chả có đứa nào trồng rau làm gì. Húng thì ăn loại gì chúng nó cũng thấy như nhau, chẳng phân biệt được”. Cụ Lữ, người bán bún ốc hơn 50 năm nay trong con hẻm nhỏ trên phố Chùa Láng, cho biết rau húng Láng là thành phần không thể thiếu của bát bún ngon.
“Ngày đó, cứ ra chợ là có ngay bó húng thơm ngon. Nhưng nay húng ngoài chợ toàn là giống gì đâu ấy. Lá to, mượt, xanh mơn mởn nhưng ăn vào thì cay gắt, thái cả bó cũng chả thấy thơm” - cụ Lữ thở dài.
Ông Trương Minh Tuấn, nhà ở phố Hoàng Quốc Việt, thỉnh thoảng lại bắt xe ôm sang phố Chùa Láng, đến tận quán của cụ Lữ để được ăn bát bún ốc có húng Láng vì “bây giờ kiếm được húng Láng đâu còn dễ nữa”. Khách quen của cụ Lữ chủ yếu là những người lớn tuổi như ông Tuấn.
“Giới trẻ bây giờ ăn vội ăn vàng, chả quan tâm xem hôm đó có phải húng Láng hay không. Chỉ những người già mới phân biệt được” - cụ Lữ cho biết. Để chiều lòng khách quen, trong gánh bún của cụ Lữ không bao giờ thiếu bó húng nhỏ phải đặt mua người quen trong làng.
Người trồng húng phải thường xuyên làm đất - Ảnh: Hoàng Điệp |
Mong giữ lại chút hương của làng
Đất trồng húng Láng rồi chẳng còn, nhưng làm sao để con cháu mai sau biết mảnh đất này ông bà cha mẹ từng trồng một loại rau thơm nức tiếng gần xa, một thứ di sản ẩm thực trong đời sống người Hà Nội? Trăn trở ấy đã thúc giục giáo sư Nguyễn Văn Huy cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, lập ra dự án tại Trường tư thục Nguyễn Văn Huyên, một ngôi trường tại làng Láng.
Điểm nhấn của dự án là sẽ có một mảnh đất trồng húng để những người nông dân lớn tuổi trong làng như cụ Lộc, cụ Định dạy lại cho các em cách chăm sóc rau, từ đó gieo vào các em lòng yêu mến, tự hào với di sản của mảnh đất mình đang sống. Dự án đã lên kế hoạch được hơn một năm nay nhưng vẫn chưa thể triển khai bởi không dễ tìm ra một mảnh đất giữa vùng “tấc đất tấc vàng” như hiện nay. “Nếu không thể tìm được mảnh đất nào, chúng tôi đành tận dụng sân trường thành nơi trồng húng cho các em học” - giáo sư Huy tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, phó chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Láng Trung (trước kia là Hợp tác xã nông nghiệp Láng Trung), nói: “Hiện nay diện tích trồng húng còn rất ít. Những mảnh đất trồng húng còn lại đã có quy hoạch xây nhà hết rồi, chỉ chờ ngày giải tỏa. Chúng tôi muốn giữ lại chút hương của làng cho con cháu sau này cũng khó, vì các nhà đầu tư bất động sản cứ nhìn ngó vào đất đai suốt thôi”.
Tại Láng Thượng, ông Trương Xuân Thành, phó chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Láng Thượng, cho biết chỉ còn khoảng 40.000m2 đất nông nghiệp chưa bị chuyển đổi sang đất dịch vụ, nhưng sắp tới một phần diện tích này sẽ được dùng để xây dựng trường mầm non của quận. Với gần 150 xã viên được nhận lương theo quý (2 triệu đồng/quý), hầu hết xã viên đều có ngành nghề khác nên diện tích đất còn lại ấy không giao cụ thể cho xã viên nào, ai muốn trồng gì thì tự làm.
Tuy nhiên, với ba điều kiện để làm nên rau thơm làng Láng gồm thổ nhưỡng, nước tưới và sự chuyên cần của người lao động thì có đến hai điều kiện đã không được bảo đảm. Đó là đất đai lẫn rác thải xây dựng và những hồ ao trước đây là nguồn nước tưới đã bị lấp hết. Những gia đình làm đất trồng rau ở đây thường phải nhặt những mảnh vữa ximăng và gạch vỡ ra khỏi luống, nhưng không thể nào nhặt được hết bởi rác thải xây dựng bị đổ vào liên tục.
Chỗ đất cao sau mỗi trận mưa thì màu trôi đi, còn chỗ trũng thì luôn ngập nước thải từ những hộ dân, cống rãnh xung quanh.
Mỗi khi chiều về, nhiều người già ra sân chùa hóng mát lại nói chuyện về làng rau trong tiếc nuối. Ban quản lý di tích phường Láng Thượng, nơi ngự trị ngôi chùa Láng gần 1.000 năm tuổi, đã nghĩ đến việc có lẽ phải xin thành phố một khoảnh đất phía sau chùa rồi xây tường bao, cải tạo đất mà giữ vị rau làng Láng. Nhưng việc xin đất thế nào, trồng tưới ra sao... để giữ được chút hương của làng Láng chỉ mới manh nha trong đầu những người thuộc ban quản lý di tích.
Kỹ thuật chăm sóc làm nên rau Láng
Đã có nhiều vùng lấy giống húng từ làng Láng về trồng, nhưng không có được mùi thơm như ở đây. Theo một nhà khoa học ở Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội I, chất đất ở làng Láng hình thành từ phù sa của sông Tô Lịch. Sự khác biệt có chăng là cách chăm sóc của người dân, chỉ tưới rau bằng nước tiểu pha loãng và không dùng thêm phân bón hay thuốc thực vật nào khác.
Cụ Nguyễn Thị Thảo (84 tuổi, phường Láng Hạ), vốn là một nông dân trồng rau, cho biết làng Láng trước kia trồng cả su hào, bắp cải và lúa. Nhưng cái làm nên thương hiệu làng Láng chính là rau thơm, đặc biệt là húng tía mà người ta gọi là húng Láng. Điểm khác biệt của những cọng rau gia vị trồng ở Láng như: thơm, húng dổi, mùi, tía tô, mùi tàu, kinh giới... ngoài thổ nhưỡng và nguồn nước tưới còn phụ thuộc ở cách làm đất rất kỳ công.
Để có được luống đất tơi xốp, người nông dân không chỉ cuốc, đập đất nhỏ mà còn phải dùng cào cào từng cọng cỏ, từng gốc rau cũ, nhặt ra từng viên sỏi nhỏ để luống đất trở nên mịn, xốp, sờ vào mát tay. Sau đó đất được đánh luống, đánh dõng. Trong suốt quá trình trồng rau, không khi nào người nông dân ngừng tay chăm sóc đất.
Bên những luống đất còn sót lại bên hông chùa Láng, thỉnh thoảng một vài hầm trú ẩn cá nhân trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ được tận dụng để làm thùng đựng nước tưới. Những thùng nước này dùng để tích nước tiểu, phần để cho “hoai” giúp rau đỡ bị xót, sau đó hòa cùng nước ao, hồ theo tỉ lệ 1/4 để tưới cho rau.
Cho đến giờ, dù các loại phân bón công nghiệp được bày bán nhiều, nhưng những người dân làng Láng cuối cùng còn trồng rau thơm vẫn đặt những chum đựng nước tiểu ở mỗi góc vườn rau. |