(Tin Môi Trường) - Tỉnh Trà Vinh đang tích cực cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) với mục tiêu tăng ít nhất 3 hạng so với năm 2023, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn yêu cầu ngành chức năng, các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp cải thiện điểm, nâng hạng nhóm chỉ số thành phần; phấn đấu tăng 6 hạng đối với chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; chỉ số thúc đẩy thực hành xanh tăng 2 hạng, chỉ số chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ tăng 15 hạng.
Ảnh: TL
Để khắc phục 6/13 chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá hạn chế và tiếp tục duy trì, phát huy 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tốt đối với chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, Trà Vinh đã đưa vào vận hành 21 trạm quan trắc tự động (2 trạm quan trắc tự động môi trường nước biển ven bờ; 2 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt; 3 trạm quan trắc tự động môi trường không khí xung quanh; 14 trạm quan trắc độ mặn), liên tục truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cùng với việc vận hành 21 trạm quan trắc môi trường tự động, địa phương tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các dự án trọng điểm, các dự án có nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ tại các huyện, thị xã, thành phố. Sở Y tế lấy mẫu kiểm tra nước sạch của 107 đơn vị cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Đối với chỉ số thúc đẩy thực hành xanh, tỉnh Trà Vinh đề ra các giải pháp khắc phục 9/11 chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá hạn chế và tiếp tục duy trì phát huy 2/11 chỉ tiêu đạt kết quả tốt. Cụ thể, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân thay đổi thói quen trong sinh hoạt, cuộc sống để bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Tính đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW. Trong đó, 5 dự án đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia, với công suất 322 MW; 4 dự án còn lại đang triển khai thi công. Bên cạnh đó, địa phương có 1 dự án điện mặt trời đã vận hành thương mại; đang triển khai thi công 1 dự án điện sinh khối, công suất 25 MW, 1 nhà máy hydro xanh công suất 24.000 tấn/năm.
Ngoài ra, tỉnh có 1.149 hệ thống năng lượng điện mặt trời mái nhà của các tổ chức, hộ gia đình với tổng công suất 43,003 MWp; điện mặt trời sản xuất cho nuôi vi tảo 1,6 MWp; điện sản xuất từ sinh khối của bã mía đường công suất lắp đặt 4,5 MW.
Với chỉ số chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ, địa phương tập trung khắc phục 6/6 chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá hạn chế năm 2023; đây là các chỉ tiêu hoàn toàn mới so với năm 2022. Cùng với đó, để duy trì thứ hạng 4/63 tỉnh, thành phố đối với chỉ số thành phần đảm bảo tuân thủ, tỉnh tập trung khắc phục 8/13 chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá hạn chế và tiếp tục phát huy 5 chỉ tiêu đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn nâng cao chất lượng thực thi công vụ gắn với công tác cải cách hành chính, đề ra biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn ở các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản. Ngành chức năng cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, “vòi vĩnh”...
Đặc biệt, tỉnh tập trung cải thiện thứ hạng PGI (bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương). Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Năm 2022, tỉnh Trà Vinh đứng đầu cả nước với 17,67 điểm. Tuy năm 2023, địa phương tăng 5,27 điểm nhưng lại giảm 12 hạng, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Để cải thiện thứ hạng PGI, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương; đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ nâng hạng PGI; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản trị môi trường, định hướng tăng trưởng xanh. Các đơn vị, địa phương cần đưa nhiệm vụ tham mưu giải pháp cải thiện chỉ số PGI là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm; xem xét đề xuất thi đua, khen thưởng các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực để duy trì, cải thiện chỉ số PGI của tỉnh.
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, tỉnh Trà Vinh cần thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành. Song song đó, tỉnh tăng cường thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung liên quan về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đầu tư theo hướng thân thiện môi trường qua các chương trình phù hợp.
Trà Vinh cần chú trọng công tác thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm; xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh có trách nhiệm. Đồng thời, triển khai tới từng đơn vị liên quan, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, cơ quan chủ trì, phối hợp; giám sát, đánh giá định kỳ một cách thực chất, công khai, minh bạch để đảm bảo hiệu quả thực thi của kế hoạch…