Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kết hợp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số lĩnh vực môi trường để phát triển bền vững

(14:34:12 PM 08/12/2024)
(Tin Môi Trường) - Chỉ khi kết hợp hài hòa giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, nước ta mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tại hội nghị Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tài nguyên và môi trường năm 2024, diễn ra vào ngày 5/12, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

 Kết hợp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số lĩnh vực môi trường để phát triển bền vững

Quang cảnh hội nghị

 

Nhận định, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố sống còn để Việt Nam tiến tới phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng với thế giới, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị các lãnh đạo, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị trong toàn ngành chủ động, quyết liệt xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, dịch vụ công trực tuyến của ngành. Đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của Đề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 - kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình để giải quyết thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp...
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cũng đề cập đến việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, kết nối, vận hành, sử dụng trong công tác hàng ngày để bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” theo định hướng của Chiến lược dữ liệu quốc gia và quy định của Luật Dữ liệu đang được Quốc hội xem xét thông qua. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai các địa phương hoàn thành năm 2025 theo Luật Đất đai 2024; bảo đảm hạ tầng số, các nền tảng số dùng chung đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ an ninh mạng.
 
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, trọng tâm là cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia. Cả nước đã cung cấp được 4.463 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 6.406 khu vực hành chính (chiếm 69,6%) (Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp 77 dịch vụ công trực tuyến); có 146 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
 
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Phú Hà đánh giá, thời gian qua, các đơn vị của ngành tài nguyên và môi trường đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất. Hạ tầng số, nền tảng số được hiện đại hóa, sử dụng chung; an toàn thông tin được bảo đảm. Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai phổ biến trên môi trường số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính của ngành đã được cải thiện...
 
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là công tác xây dựng chính sách, quy định cho chuyển đổi số còn chưa theo kịp thực tiễn; các quy trình làm việc nội bộ, hồ sơ, thủ tục… chậm được chuyển đổi thực sự trên môi trường số. Vẫn còn nhiều công việc gắn với giấy tờ, công tác xây dựng, hoàn thiện, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tại Trung ương và các địa phương còn hạn chế...
 
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ số lượng sang chất lượng, đáp ứng yêu cầu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Duy Hoàng cho rằng, việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy đã ở mức độ cao, nhưng cần tiếp tục cải thiện nhiều mặt. Việc này nhằm tăng tỷ lệ toàn trình, tiến tới thực hiện cấp phép tự động dựa trên dữ liệu, tạo thuận lợi, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thu Hiền