(Tin Môi Trường) - Ngày 21/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi Trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) tổ chức Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc dự án chủ trì Hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế (Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP); Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh) và Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành về môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phương - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thiên Phương cho biết, ô nhiễm môi trường đang và vấn đề cấp bách trên toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống chúng ta hiện tại và nghiêm trọng đến hệ sinh thái toàn cầu. Việt Nam, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, đã khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là quyết tâm rất lớn và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch VACNE, Giám đốc Dự án đã tổng kết đánh giá kết quả đạt được và tác động của các thành phần dự án do VACNE thực hiện. Trong đó, ông nhấn mạnh 5 mục tiêu chính, bao gồm: (1) Xây dựng cơ sở kiến thức về việc đốt hở chất thải và sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, cùng những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người và môi trường Việt Nam; (2) Nghiên cứu các giải pháp thay thế, hướng đến những phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường; (3) Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng trọng điểm về hậu quả của việc đốt ngoài trời và sử dụng thuốc trừ sâu; (4) Đề xuất và thúc đẩy chính sách, nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động này; (5) Phân tích khả năng nhân rộng, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn áp dụng cho các quốc gia khác có điều kiện tương tự.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự án đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ 25 tổ chức, hơn 150 chuyên gia, cùng 7 trường đại học và 17/63 tỉnh thành trong nước. Sự hợp tác chặt chẽ này đã góp phần mở rộng phạm vi ảnh hưởng của dự án và mang lại những kết quả đáng kể. Dự án đã thành công trong việc phát triển và ứng dụng hai công cụ phân tích mạnh mẽ là viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xác định chính xác các khu vực đốt mở trong hoạt động nông nghiệp tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi làm việc tại hội thảo
Tại hội thảo, 12 bài nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học đã được trình bày, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Một số đề xuất, giải pháp cũng được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra bàn thảo tại hội thảo như: thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội hướng đến nền nông nghiệp bền vững; xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, nông dân, sinh viên, nhà nghiên cứu đánh giá hiện trạng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, phế phụ phẩm thực phẩm; nghiên cứu, phân lập các chủng vi sinh theo từng địa phương dựa trên tập tục, đặc điểm địa lý; các mô hình thay thế cho việc đốt lộ thiên,…
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Nguyễn Thị Thiên Phương cho biết, thông qua các báo cáo, Cục Kiểm soát ô nhiễm sẽ tiếp tục hỗ trợ việc ứng dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu, bao gồm: (1) Các phương pháp xác định các khu vực đốt đốt mở sử dụng mô hình viễn thám và kiểm kê phát thái; (2) Các mô hình về đánh giá ô nhiễm và tác động sức khỏe; (3) Các giải pháp công nghệ thay thế để giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính; (4) Các sản phẩm đào tạo và truyền thông có chất lượng cao.
Một số khó khăn, tồn tại để triển khai diện rộng, thích ứng với thực tế kinh tế - xã hội ở từng địa phương, thương mại hóa công nghệ đã được nhận diện rõ ràng. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự như Việt Nam về phát triển nông nghiệp bền vững. Dự án đã bước đầu trao đổi, chuyển giao kiến thức với các chuyên gia để nhân rộng ra các tỉnh khác ở Việt Nam và các quốc gia khác: Lào, Cambodia, Thái Lan, Myanma, Philippines, Tanzania, Madagascar, Nepal, Pakistan,…
Thảo luận về đầu ra của dự án, bà Maria Paola Lia - Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính và tìm kiếm các giải pháp giúp người nông dân tăng thu nhập để khuyến khích họ áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Đồng thời, bà đánh giá cao việc VACNE tổ chức các hoạt động nhằm khơi dậy tư duy đổi mới, tìm kiếm những giải pháp nông nghiệp sáng tạo từ thế hệ trẻ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm -Ảnh: VACNE
Tất cả các thông tin, số liệu và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo đều hướng tới một mục tiêu chung phát triển được nền tảng vững chắc về nhận thức, ý thức, kiến thức và giải pháp công nghệ để thực hiện các bước tiếp theo, các dự án tiếp nối, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, giảm rác thải và thích ứng biến đổi khí hậu.