(Tin Môi Trường) - Vào lúc 7g30 ngày 22/8/2024 tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, Ban tang lễ và gia đình tổ chức lễ truy điệu tiễn đưa GS.TS. Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, Trưởng Ban lễ tang đọc diễn văn truy điệu: Một lịch sử tường tận, sáng ngời từ ngày người con của đồng đất An Giang ra đời, thời niên thiếu, lớn lên, trưởng thành đến ngày làm rạng rỡ quê hương, đóng góp vô cùng to lớn cho nông nghiệp, giáo dục nước nhà.
Nhiều bài báo và mạng xã hội đã viết về GS.TS. Võ Tòng Xuân, có lẻ có nhiều mực bút nữa cũng không thể mô tả đủ nhân cách, công đức, đóng góp của GS.TS Võ Tòng Xuân cho Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho nông nghiệp và giáo dục Việt Nam.
Tôi không viết về lịch sử, những đóng góp, thành tích của Thầy (Xin được gọi bằng Thầy), tôi chỉ viết về góc nhìn đời thường hiện hữu trong công việc khi có duyên thọ giáo, học Thầy thông qua các dự án và phần phước được Thầy hướng dẫn làm nghiên cứu sinh.
Hoài niệm ngày ấy, năm 1990, Thầy giao cho chúng tôi (Trường ĐH Tây Nguyên) điều phối vùng sinh thái Tây Nguyên thuộc Mạng lưới Nghiên cứu và Khuyến nông về Hệ thống Canh tác Việt Nam (HTCT), 2 giai đoạn 6 năm, gồm 9 Viện ,Trường đại học, nghiên cứu phủ kín 7 vùng sinh thái nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm tổ chức một hội thảo quay vòng địa điểm các Viện ,Trường.
GS.TS Võ Tòng Xuân trong lần khảo sát hệ thống canh tác cây cà phê
Một chương trình sưu tập, bảo tồn tại chỗ (In-situ Conservation) giống lúa rẫy vùng Tây Nguyên năm 1993-1994. Với tầm nhìn của nhà khoa học tài ba, Thầy, GS.TS Võ Tòng Xuân - “Vua cây lúa”, sau khi thu thập bảo tồn hết các giống lúa mùa tại ĐBSCL, Thầy cho triển khai đến vùng Tây Nguyên để bảo tồn, gìn giữ tài nguyên di truyền thực vật vô giá về tính chống chịu sâu bệnh hại, tính thích nghi điều kiện 6 tháng mùa khô và các đặc tính chất lượng thơm ngon của các giống lúa rẫy đặc biệt như giống lúa “Cúng Dàng” do các người địa phương chọn lọc dưới tác động của điều kiện tự nhiên.
Học Thầy sự nhiệt tình trong công việc
Khi triển khai dự án, Thầy mang lên chiếc máy tính trắng đen để bàn, màng hình to như đầu ti vi ngày ấy, xài hệ điều hành MS DOS, lần đầu tiên chúng tôi tận mắt nhìn, sờ đến chiếc máy tính! Thầy ngồi cài đặt và hướng dẫn cách đánh văn bản (chưa có dấu) và lập e-mail, chúng tôi tròn xoe mắt vì sự tiến bộ công nghệ tưởng chừng không thể, qua đến 13 giờ vẫn chưa xong, tôi nói “Mời Thầy đi ăn trưa rồi về mình làm tiếp, đói bụng, mệt Thầy”, Thầy nhẹ nhàng trả lời: “Tý xong rồi đi ăn luôn em, Thầy dễ gì mệt” với nụ cười tươi tĩnh nở trên môi!
Sự nhiệt tình, cường độ làm việc của Thầy, đúng là mẫu người của công việc chúng ta học mãi.
Nghe kể trên giường bệnh những ngày cuối đời, Thầy còn gọi nhóm dự án lên trao đổi công việc “Vì, không còn thời gian nữa”! Thương Thầy quá Thầy ơi! Con người của công việc và công việc, cống hiến hết mình không biết mệt mỏi.
Học Thầy tính tiết kiệm từ cái nhỏ
Một lần ăn tối có phần thịnh soạn trong giai đoạn kiểm tra nội dung triển khai dự án HTCT Việt Nam, thức ăn còn, Thầy xin túi gom hết (ngày ấy chưa có hộp xốp như bây giờ), ra đưa cho anh lái xe, Thầy nói mình phải tiết kiệm. Đức tính đáng phải học từ việc nhỏ trong đời thường đến quan điểm sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên nước, đất nhất là tài nguyên không tái tạo trong quan điểm phát triển bền vững HTCT của Thầy.
Tiết kiệm lớn, Thầy còn hỗ trợ cho một dự án 3 năm về Bảo tồn và sử dụng tài nguyên nước dựa vào cộng đồng cho chúng tôi thực hiện tại Tây Nguyên, qua dự án nhân cách sống và luận điểm sử dụng hợp lý, ý thức tiết kiệm tài nguyên được Thầy dạy sáng tỏ cho chúng tôi và cả cộng đồng Ê Đê tại vùng hưởng thụ dự án.
Học Thầy tính tất cả cho cộng đồng
Về giải thưởng Vinfuture năm 2023, chúng ta đều biết, Thầy là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh nhận 1 trong 4 giải năm 2023 về công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh” Phần lớn tiền giải thưởng không hề nhỏ, Thầy góp vào Quỹ Nông nghiệp Võ Tòng Xuân, phần còn lại cho Trường mầm non song ngữ Tinh Hoa trên quê hương An Giang của Thầy, không để giành 1 đồng cho riêng mình, tất cả cho cộng đồng cho mọi người, vì mọi người.
Tấm lòng nhân đức rộng mở, chữ Chân - Thiện - Mỹ luôn trong suy nghĩ và hành động, trong công việc cũng như ứng xử tự nhiên trong đời thường của người Thầy kính yêu.
Theo lịch trình di quan, Thuyền Bát Nhã đầu rồng do Ban tang lễ và gia đình chuẩn bị đưa Thầy đi thăm lại Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học An Giang, những nơi Thầy đã công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế mà Thầy đã gắn bó, cống hiến hết mình; những ngôi trường in đậm bước chân thân thương, truyền cảm hứng và năng lượng sống làm việc cho biết bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó có tôi.
Thuyền Bát Nhã - Xe đưa GSTS Võ Tòng Xuân về đất mẹ Thị trấn Ba Chúc, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang
Thuyền đã di chuyển đưa Thầy của chúng em đi rồi!
Tôi cuối đầu tiễn biệt một Người Thầy sống mãi trong lòng triệu trái tim và lan tỏa hương thơm cho đời!
Cung kính vĩnh biệt tiễn đưa Thầy. Thầy đã đi rồi sao Thầy Xuân ơi!
PGS.TS. Phạm Văn Hiền, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh