|
- Ông Đoàn Anh Tuân: Việc làm “chè bẩn”, “chè thổ phỉ” đang phá vỡ tất cả tập quán sản xuất và trồng chè từ trước đến nay ở nước ta. Chúng tôi đã khảo sát những vùng nguyên liệu chè ở Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên... và ghi lại được những hình ảnh rất ghê rợn. Nói thật, người tiêu dùng nếu nhìn thấy chắc chắn không dám uống chè nữa. Nhưng người sản xuất chè vẫn đổ xô đi làm “chè thổ phỉ” bất chấp mọi thứ bởi đây là món hàng siêu lợi nhuận.
Việc sản xuất “chè thổ phỉ” diễn ra phổ biến chỉ chừng 2-3 tháng trở lại đây, làm nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản bởi nguồn nguyên liệu chè giờ đang bị mua gom để làm “chè thổ phỉ”. Nhưng lý do chủ yếu là chúng tôi muốn cảnh báo về sự nguy hiểm khi người dân đổ xô đi làm “chè thổ phỉ” theo đơn đặt hàng từ “bên ngoài” mà không biết được mục đích, ý đồ sâu xa của họ. “Chè thổ phỉ” xuất hiện chắc chắn có bàn tay của thương lái Trung Quốc.
- Phân lân đang được sử dụng nhiều ở vùng Hàm Yên (Tuyên Quang). Ở Văn Chấn (Yên Bái) người dân dùng bột đá, xi măng, tro...; trong khi đó, ở Đồng Hỷ, Định Hóa (Thái Nguyên) thậm chí bột quặng cũng đang được sử dụng. Nhìn chung, các chất “phụ gia” cho vào đều độc hại và cần khẳng định luôn là loại “chè bẩn” này không thể uống được.
* Loại “chè bẩn” rất nguy hại khi đi vào đời sống và đến tay người tiêu dùng nhưng theo ông, vì lý do gì nó vẫn được tiêu thụ hết?
- Hiện tại, thị trường Việt Nam chưa có loại chè này bởi tất cả “chè thổ phỉ” làm ra đều được xuất theo đường tiểu ngạch đi Trung Quốc. Vì lý do gì mà thương lái Trung Quốc lại sẵn sàng nhập loại chè độc hại này là điều chính chúng tôi cũng chưa lý giải được. Liệu đây là chính sách của họ hay chỉ bắt nguồn từ con buôn Trung Quốc hám lợi thì chúng ta cần tìm hiểu thêm.
* Hệ lụy của việc người dân ồ ạt sản xuất “chè bẩn”, “chè thổ phỉ” đối với ngành chè là gì, thưa ông?
- Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Người dân đang sản xuất “chè bẩn” chỉ để phục vụ một thị trường mà cũng không biết mục đích của họ là gì. Chúng ta đang xuất chè đi 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu 69 thị trường còn lại biết được chuyện “chè thổ phỉ” đang sản xuất ồ ạt tại Việt Nam thì liệu họ còn có dám nhập chè của ta nữa không? Khi những thị trường khác đã mất, chúng ta lại phải tập trung sản xuất cho Trung Quốc. Đến khi họ đột ngột dừng việc nhập khẩu thì ngành chè Việt Nam sẽ điêu đứng thực sự.
Thất thu hàng chục tỉ đồng tiền thuế mỗi tháng
Theo ước tính của VITAS, vấn nạn “chè bẩn” đã bắt đầu làm suy giảm sản lượng xuất khẩu của chè Việt Nam khi lượng chè xuất khẩu giảm 16,8% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nhiều tỉnh đang thất thu thuế do hàng xuất tiểu ngạch không chịu sự kiểm soát như hàng xuất chính ngạch.
Theo ông Tuân, ở Văn Chấn (Yên Bái), mỗi ngày có 150 tấn chè được xuất đi và nếu phải nộp thuế thì số tiền Nhà nước sẽ thu được là 60 triệu đồng/ngày. Ông Tuân ước tính: Mỗi tháng, chúng ta mất hàng chục tỉ đồng tiền thuế vì “chè bẩn”.
|