Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thông nước: Cây Di sản làm thuốc

(07:51:40 AM 15/08/2024)
(Tin Môi Trường) - Thông nước hay Thủy tùng, gọi như vậy vì cây này gần giống cây Thông, nhưng mọc ở dưới nước hay ven nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K. Koch, họ Bụt mọc (Taxodiaceae).

Đây là loài thực vật hạt trần duy nhất thuộc chi Glyptostrobus còn tồn tại đến ngày nay, là loài đặc hữu của vùng cận nhiệt đới đông nam Trung Quốc (từ tây Phúc Kiến tới đông nam Vân Nam), tỉnh Khăm Muộn (Lào) và tỉnh Đắc Lắc (Việt Nam). 

 

Thông nước: Cây Di sản cũng làm thuốc
Cây Thông nước (Nguồn: Internet)

 

Thông nước là loài cây quý hiếm ở nước ta (có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 1996, 2007; Phân hạng: CR A1a,c,B1+ 2b,c,D1) đang có nguy cơ bị tuyệt chúng, vì số cá thể ngoài thiên nhiên còn lại rất ít. Ngày 31/8/2018, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã công nhận 02 cây Thông nước cổ thụ, cao tuổi nhất, đại diện cho 2 cụm Thông nước cuối cùng của Việt Nam còn tồn tại ở tỉnh Đăk Lắk. Cụ thể là 01 cây hơn 570 tuổi, cao 25m ở xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, và 01 cây hơn 560 tuổi, cao 12m ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng.

Đặc điểm cây Thông nước:
 
Cây gỗ trung bình đến to, cao đến 25m hay hơn, đường kính thân 60-80cm hay hơn, tán lá hình nón hẹp. Vỏ thân dày, nứt dọc, hơi xốp, màu nâu xám. Rễ thở (rễ hô hấp) mọc thẳng đứng từ rễ bên, cao khoảng 30cm, mọc cách gốc tới 5–7m. Lá có 2 dạng: Lá ở cành sinh sản hình vẩy, dài khoảng 4mm (không rụng về mùa đông); lá ở cành già hình dùi, dài 6-13mm, xếp thành 2-3 dãy (rụng vào mùa đông). Bộ phận sinh sản gọi là ‘nón’ đơn tính, cùng gốc, mọc riêng rẽ ở đầu cành. Nón đực nhỏ, mỗi vẩy có 6-9 túi phấn ở dưới. Nón cái hình quả lê, mỗi vảy mang 2 noãn. Sau khi thụ tinh các vảy hóa gỗ và dính nhau ở gốc tạo thành một nón dài khoảng 2cm, rộng 1,2cm, có 7-9 mũi nhọn hình tam giác uốn cong ra phía ngoài. Mỗi vảy mang 2 hạt hình trứng, dài 13mm, rộng 3mm, có cánh hẹp. Hạt chín vào tháng 11-12.
 

Thông nước: Cây Di sản cũng làm thuốc

Cành mang Nón cái cây Thông nước (Nguồn: Internet)
 
Phân bố:
 
Chi Glyptostrobus đã từng phân bố trên một vùng rộng lớn hầu như khắp Bắc bán cầu, vào Thế cổ tân Paleocen (khoảng 66-56 triệu năm trước đây). Hóa thạch cổ nhất tìm thấy ở Bắc Mỹ vào kỷ Creta. Chúng có vai trò rất lớn trong việc hình thành các đầm lầy than đá vào đại Tân Sinh (trước và trong thời kỳ Băng hà). Hiện nay, trên thế giới ghi nhận loài này chỉ còn ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam.
 
 Ở Việt Nam, loài Thông nước chỉ còn 2 quần thể phân bố tự nhiên ở Đắk Lắk, trong một số rừng đầm lầy đọng nước thường xuyên (rộng khoảng 120 ha). Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, tại huyện Ea H’leo, Khu bảo tồn Ea Ral còn 219 cây, và ở huyện Krông Năng, trong Khu bảo tồn Trấp K’sor còn 31 cây, và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ.
 
Quần thể cây Thông nước ở Việt Nam đã tồn tại trên 550 triệu năm. Đây là những hóa thạch sống rất quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước ta. Nhưng hiện nay, phần lớn các cá thể đã già cỗi, sinh trưởng kém, cành lá thưa thớt, đang bị thoái hóa nghiêm trọng, đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhiều cây tuy vẫn có bộ phận sinh sản, nhưng đều cho hạt lép và rất ít gặp cây con tái sinh dưới tán rừng.
 
Thành phần hóa học:
 
Theo sách “Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở VN, 2004” thì vỏ cây Thông nước chứa tanin, các glucosid acricluarin và kaempferol. 
 
Theo Yu-MeiZhang, Run-TingYin và cs. (Fitoterapia, vol. 81/ 8, p.1202-1204, Dec. 2010), từ cành và lá cây Thông nước đã phân lập được 5 chất sau: Một abietan diterpen mới, glypensin A (1) và 4 hợp chất đã biết là 12-acetoxy-ent-labda-8 (17), 13E-dien-15-oic acid (2), quercetin 3-O-α-L-arabinofuranosid (3), quercetin 3-O-β-D-galactopyranosid (4), β-sitosterol (5).  Hợp chất (1) có độc tính trên dòng tế bào bệnh bạch cầu tủy mạn tính ở người K562 (IC50 = 21,2 μM).
 
Theo Si Ying, Wang Wei và cs. (Wuhan Botanical Research, 01 Jan 2003, 21(6): 547-549), trong lá cây Thông nước chứa nhiều hợp chất flavonoid.
 
Tính vị, tác dụng:
 
Theo Đông y, Thông nước có vị nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, khu phong, trừ thấp, thu liễm, chỉ thống, sát trùng.
 
Công dụng:
 
Thông nước được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cúm (lá non 20g, sắc uống); chữa phong thấp, giảm đau (cành, lá 20-40g) sắc uống; chữa tiêu chảy, kiết lỵ (vỏ cây 20g) sắc uống.
 
Ở Trung Quốc, cành lá và ‘nón’ cây Thông nước được giã nát đắp trị mụn nhọt chảy nước, nấu nước rửa. Để trị bỏng, người ta dùng vỏ thân đốt thành than, nghiền mịn, thêm dầu rồi bôi.
 
Gỗ Thông nước là loại quý hiếm, có mùi thơm nhẹ (tiết ra nhựa thơm, mặc dù đã được làm ra sản phẩm), thớ gỗ mịn, có màu với vân rất đẹp, không bị mối mọt, nứt nẻ, cong vênh, dễ gia công, nên được ưa chuộng để xây dựng đền đài, đồ gỗ cao cấp, đồ mỹ nghệ, chế tác thành lọ lục bình, một số ít làm tượng Phật Di Lặc. Một khúc gỗ Thông nước dài 1m, đường kính 80cm, có giá khoảng 250 triệu đồng.
 
Rễ thở cây Thông nước mềm, xốp, nhẹ, nên có thể dùng làm mũ, nút chai, nút phích, phao cứu sinh. 
 
Cây Thông nước có dáng đẹp nên có thể trồng làm cảnh, hoặc trồng ven hồ, ao để giữ đất, chống xói lở.
 
Thông nước: Cây Di sản cũng làm thuốc
Nón cái cây Thông nước (Nguồn: Internet)
 
Nhân giống cây Thông nước:
 
Nguyên nhân kiến cây Thông nước bị thoái hóa nghiêm trọng, ngoài tuổi cây đã quá cao, còn do môi trường sống của chúng bị phá huỷ và bị khai khác quá mức. Tháng 1/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt đề án bảo tồn loài Thông nước và đã thành lập 2 Ban quản lý ở 2 khu vực Thông nước nói trên. Hiện nay, cây này đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Ngoài các biện pháp bảo tồn tại chỗ, nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu nhân giống để giữ cho loài cây quý hiếm này không bị tuyệt chủng.
 
Khoa Nông-Lâm (Đại học Đà Lạt) đã tiến hành nghiên cứu nhân giống Thông nước trong ống nghiệm (in vitro), nhưng kết quả mới dừng lại ở công đoạn tạo chồi, hầu như chưa trồng được ngoài vườn ươm.  
 
Năm 2012, Ts. Trần Vinh (Viện KHKT NLN Tây Nguyên, Đắk Lắk) đã nghiên cứu thành công trong việc nhân giống bằng phương pháp ghép chồi Thông nước trên cây Bụt mọc (Taxodium distichum, cùng họ Taxodiaceae). Cây Thông nước ghép chồi khi đem trồng trên đất đạt tỉ lệ sống cao. Đến nay, những cây ghép chồi trồng tại Trạm Trấp Ksor đã cao trên 5m, đường kính từ 15-20cm. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ được thấy những rừng cây Thông nước mới.
 
Thông nước: Cây Di sản cũng làm thuốc
TS. Trần Vinh trong vườn cây Thông nước được nhân giống bằng phương pháp ghép chồi (Nguồn: Internet)
TSKH. Trần Công Khánh - Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam