(Tin Môi Trường) - Theo kế hoạch ban đầu, sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đi vào khai thác cuối năm 2025. Tuy nhiên theo chủ đầu tư, điều này là không khả thi.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải tiến độ thi công và đề xuất điều chỉnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Theo đó, ACV cho biết, việc đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác cuối năm 2025 như Nghị quyết Quốc hội là không khả thi. Hạng mục nhà ga hành khách T1 sân bay Long Thành lẽ ra có thể khởi công từ tháng 11.2022 và hoàn thành cuối năm 2025.
Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu nên gói thầu đã phải hủy 1 lần và phải lùi thời gian khởi công đến 31.8.2023. Mốc hoàn thành lùi đề xuất đến tháng 11.2026.
Thêm vào đó, chủ đầu tư hạng mục nhà ga và đường băng sân bay Long Thành cũng đề xuất thêm 2 nội dung gồm triển khai xây dựng đường cất hạ cánh số 2 ngay trong giai đoạn 1 và bổ sung hạng mục san nền khu vực nhà ga hành khách T3.
Hai đề xuất này đã được ACV nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên tình hình hiện tại. Theo đó, đề xuất nhanh chóng triển khai đường băng số 2 dựa trên trên nhu cầu cất hạ cánh phục vụ cho nhà ga T1 công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, đây cũng là trường hợp đề phòng cho tình huống 1 đường băng gặp trục trặc.
Hiện trạng thi công nhà ga sân bay Long Thành.
Theo báo cáo, dự kiến, hạng mục đường băng số 1 sẽ hoàn thành khai thác kỹ thuật trước ngày 30.4.2025. Trong điều kiện công trường thuận lợi, thời gian thi công đường băng số 2 dự kiến tốn 16 - 18 tháng.
Về đề xuất sớm san nền nhà ga T3, ACV cho rằng hạng mục này cần được triển khai sớm để tránh phát sinh bụi, ô nhiễm trong quá trình vận hành ga T1.
Dự kiến vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, ACV sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ xin ý kiến Quốc hội trong tháng 8.2024.
Sau 3 năm rưỡi thi công, với hạng mục quan trọng nhất của Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là nhà ga hành khách, đến nay, các nhà thầu đã thi công xong phần ngầm, phần đắp đất nền, móng, trải lớp cát đệm theo hồ sơ thiết kế. Ngoài ra, cũng đã đậy nắp hầm, hoàn thành 100% trụ tầng 1 và đang triển khai công tác ván khuôn, cốt thép, bê tông sàn tầng 1.
Trong khi đó, tại hạng mục thi công đường cất - hạ cánh Sân bay Long Thành giai đoạn 1, đến nay nhà thầu đã hoàn thành cơ bản kết cấu lòng đường cất - hạ cánh với khối lượng thi công đào đất đạt hơn 90%; đắp đất đạt hơn 92%; đắp cát K98 đạt gần 98%... Song song đó, công trình đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành đổ bê tông đến Cos +66,555m (đạt độ cao hơn 66m)...
ACV cho biết, hiện đang có khoảng gần 6.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia thi công ở các gói thầu. Cùng với đó, hàng nghìn xe, máy móc, thiết bị được sử dụng.
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư khái toán là hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là hơn 5,4 tỷ USD.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể kinh tế - xã hội nước ta.