Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam nộp Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ở giữa Biển Đông

(07:57:36 AM 18/07/2024)
(Tin Môi Trường) - Việt Nam vừa chính thức nộp hồ sơ Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc.

Hồ sơ đệ trình được nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào ngày 17/7 theo giờ địa phương. 

 
Theo đó, đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trịnh Đức Hải làm trưởng đoàn, đã chính thức nộp hồ sơ đệ trình trên. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra tuyên bố về việc này.
 
Theo Bộ Ngoại giao, việc nộp Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS.
 
Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.
 

Việt Nam nộp Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ở giữa Biển Đông

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, nộp hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Ảnh: BNG).
 
Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam.
 
Vào tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực nam Biển Đông.
 
Trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp Đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.
 
Dịp này, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để bày tỏ lập trường của Việt Nam về việc Philippines nộp Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông vào ngày 14/6. 
 
Việt Nam nộp Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ở giữa Biển Đông
Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam (Ảnh: BNG).
 
Trong tuyên bố phát đi cùng ngày, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 17/7 (theo giờ địa phương), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) hồ sơ Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông (VNMC).
 
Bộ Ngoại giao nhấn mạnh sau khi một số quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông đã nộp các Đệ trình riêng của mình từ năm 2019 đến nay, việc Việt Nam nộp Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông là nhằm bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của Việt Nam tại khu vực, mà Việt Nam hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với Điều 76 của UNCLOS.
 
Việt Nam khẳng định việc nộp Đệ trình trên không ảnh hưởng đến việc phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS.
 
Nhân dịp này, Việt Nam khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS.
 
Đồng thời, Việt Nam cam kết sẵn sàng giải quyết và kiểm soát các tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các tranh chấp về phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
 
Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng cùng các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
T.H - Ảnh: Bộ Ngoại Giao