Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thuê 222 ha khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án nghỉ dưỡng cao cấp

(05:18:24 AM 04/06/2024)
(Tin Môi Trường) - Dự án nghỉ dưỡng cao cấp ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuê 50 năm tổng diện tích hơn 222 ha của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

 
Đáng chú ý, tổng diện tích hơn 222 ha của dự án nghỉ dưỡng cao cấp thuộc Tiểu khu 30 của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu là yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 08/2022 của Chính phủ.
 
Thuê 222 ha khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án nghỉ dưỡng cao cấp
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có một khu rừng tự nhiên ven biển duy nhất còn lại ở miền Đông Nam Bộ có giá trị về nhiều mặt (Ảnh: NOVAWORLD).
 
Vị trí dự án nằm trong phân khu dịch vụ hành chính, tiếp giáp với khu bảo tồn nghiêm ngặt và cách khu phục hồi sinh thái khoảng 7km.
 
ĐTM thông tin, dự án chỉ sử dụng hơn 10,8 ha đất núi và đất có cây gỗ tái sinh để xây dựng các công trình phục vụ nghỉ dưỡng; 7,3 ha đường giao thông nội bộ; gần 17 ha làm vườn cảnh, 7 ha đất mặt nước.
 
Phần còn lại là đất rừng sẽ để phục vụ hoạt động tham quan du lịch sinh thái dưới tán cây rừng.
 
Tại báo cáo ĐTM, chủ dự án - Công ty cổ phần thủy sản Bình Minh (trụ sở tại phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật - cho biết cách đây 11 năm (năm 2013), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt giá thuê môi trường rừng để đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.
 
Năm 2014, doanh nghiệp và Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng 50 năm.
 
Theo quy hoạch, dự án sẽ xây dựng các trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa, nhà hàng, trung tâm hội nghị và 156 căn bungalow nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe,… để phục vụ gần 10.700 người (3.760 khách lưu trú và trên 5.300 khách vãng lai).
 
Thuê 222 ha khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án nghỉ dưỡng cao cấp
Vị trí Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (Ảnh: Google Maps).
 
Vị trí dự án tiếp giáp với Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm, các khách sạn, nhà nghỉ; cách Khu du lịch nghỉ dưỡng Camelia khoảng 300m; cách Khu du lịch Viễn Đông khoảng 1,5km và cách Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tín Lộc 2km về phía nam.
 
Dự án không nằm trong khu vực có hiện tượng sạt lở, không nằm trong phạm vi môi trường có nguy cơ ô nhiễm. Khu vực thiết kế các công trình chủ yếu là đất có cây tự nhiên, cây vườn tạp bụi.
 
Thuê 222 ha khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án nghỉ dưỡng cao cấp
Chủ dự án sẽ xây dựng 156 căn bungalow nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe,… để phục vụ gần 10.700 người (Ảnh: ĐTM).
 
Báo cáo ĐTM tính toán trong giai đoạn vận hành dự án sẽ phát sinh tối đa trên 3.600kg/ngày đêm chất thải rắn sinh hoạt từ hoạt động của du khách, nhà hàng, dịch vụ cà phê. Chất thải nguy hại từ quá trình vận hành các công trình nghỉ dưỡng, bảo vệ môi trường, chăm sóc cây xanh tối đa 60kg/tháng.
 
Chủ đầu tư hứa sẽ phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thực hiện các đề án giám sát đa dạng sinh học, nghiêm cấm các hành vi xâm hại sinh vật rừng, săn bắt vật rừng, biển.
 
Dự kiến, khu nghỉ dưỡng cao cấp này sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 11/2026.
Khu rừng tự nhiên ven biển duy nhất còn lại
 
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu được thành lập vào năm 1984, thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một khu rừng tự nhiên ven biển duy nhất còn lại ở miền Đông Nam Bộ có giá trị về nhiều mặt.
 
Sau khi kết thúc thời gian tham vấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu chủ đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo ĐTM; sau đó sẽ thành lập đoàn chuyên gia, nhà khoa học thẩm định kỹ lưỡng báo cáo ĐTM này.
(Nguồn: Thế Kha/DTO)