Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rác, rắc rối đang cận kề?

(18:33:32 PM 16/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Những bãi chôn lấp rác khổng lồ bủa vây các đô thị, lộ trình trầy trật của việc phân loại rác từ nguồn và những khúc mắc về công nghệ, tài chính xử lý rác đang là những rắc rối cận kề?

 

Rác đổ cao gần 30m so với mặt đất trong khu chôn rác Nam Sơn (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Rác: tốn đất, tốn tiền

 

Khi mới được quy hoạch, quanh khu xử lý rác Gò Cát (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) dân cư còn thưa thớt. Nay cả khu xử lý rác này lọt thỏm giữa những khu nhà dân đông đúc. Nhưng 25ha của Gò Cát - một diện tích không nhỏ - với một đô thị “đất chật người đông” như TP.HCM cũng chỉ đủ để chôn rác trong khoảng bảy năm. Tại đây chứa hơn 7 triệu tấn rác đổ cao như núi, đang trong thời gian phân hủy và có thể kéo dài trong hàng chục năm.

 

Bãi rác này đã đóng cửa từ tháng 7-2007 nhưng suốt ba năm qua rất nhiều tiền vẫn phải đổ vào đây để xử lý hàng trăm mét khối nước rỉ rác đậm đặc - một việc khó chưa biết khi nào mới xong.

 

“Ngốn” đất đai chóng mặt

 

“Ngâm" 10 dự án tái chế rác suốt hơn 2 năm

Theo Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, việc lập quỹ này cho thấy có sự quan tâm đến xu hướng tái chế rác thải, song đến nay sau hơn ba năm thành lập, quỹ vẫn chưa có tiền để cho vay ưu đãi, khuyến khích tái chế. Đã có mười dự án đăng ký xin vay nguồn quỹ này cách đây hơn hai năm để tái chế giấy, nhựa, vật liệu xây dựng... nhưng đến nay chưa có dự án nào được vay vì quỹ vẫn chưa có vốn để cho vay. Đến nay, sau ba năm thành lập, toàn bộ số tiền quỹ nhận được là 10 tỉ đồng (trong tổng số vốn điều lệ 50 tỉ đồng).

Ở phía tây bắc TP.HCM, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn ở huyện Củ Chi như một đại công trường với diện tích quy hoạch hơn 800ha. Bãi chôn lấp rác đầu tiên thuộc khu này chiếm 45ha, gần gấp đôi bãi Gò Cát, song cũng chỉ khoảng ba năm là đầy rác, phải đóng bãi. Cạnh đó là một ô chôn rác 10ha cũng chỉ sau sáu tháng mở cửa là chứa đầy rác.

 

Phía nam TP.HCM là bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư, sẽ là nơi chôn lấp hơn 20 triệu tấn rác. Chính quyền TP.HCM đã dành 128ha giữa bốn bề sông nước để xử lý rác sinh hoạt, trong đó gần 80ha để chôn lấp rác. Và để phục vụ bãi rác này, ngân sách còn phải chi tiền giải tỏa hơn 300ha đất làm vành đai cách ly.

 

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, cho biết bãi chôn rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) - bãi rác lớn nhất tiếp nhận khoảng 70% tổng số rác sinh hoạt mỗi ngày của Hà Nội (tương đương 4.000 tấn) với tổng diện tích 83,5ha, nay diện tích có thể chứa rác chỉ còn lại 8,4ha. 2/3 số ô chôn lấp ở đây đã đóng cửa khi rác chôn đầy đến độ cao gần 30m so với mặt đất. Lượng rác khổng lồ tiếp nhận mỗi ngày sẽ được tiếp tục chôn ở một khu đất 160ha khác. “Để đáp ứng nhu cầu xử lý rác của Hà Nội đến năm 2020, cần đến 400ha đất” - ông Hòa nói.

 

Ông Hoàng Văn Đắc, giám đốc Xí nghiệp quản lý chất thải Nam Sơn, cho biết hầu hết rác thu gom đều đưa về bãi chôn lấp. “Theo quy hoạch, bãi rác Nam Sơn có thể chứa rác ít nhất đến năm 2020, nhưng với tốc độ gia tăng lượng rác như hiện nay, chỉ đến hết năm 2012 bãi rác Nam Sơn sẽ đầy. Không mở rộng diện tích kịp thời, bãi rác Nam Sơn sẽ phải đóng cửa sớm gần 10 năm”. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội cũng cho biết các bãi rác khác như Kiêu Kỵ, Xuân Sơn, Chương Mỹ... đều quá tải.

 

Tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế... nói về hiện trạng xử lý rác là nói đến chuyện chôn lấp ở đâu với ta thán chung “rất vất vả mới tìm được quỹ đất đủ lớn để chứa rác lâu dài”. Lãnh đạo Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế cho hay nỗi khổ còn nằm ở việc tìm vị trí phù hợp cho khu chôn lấp rác, có được sự đồng thuận của người dân tại khu vực dự kiến đặt bãi rác. Những vụ việc phản ảnh sự bức xúc, bất đồng của cộng đồng dân cư về vị trí bãi rác do lo ngại những vấn đề môi trường đã xảy ra ở nhiều địa phương.

 

Gánh nặng ngân sách và vấn nạn môi trường

 

Cuối năm 2008, UBND TP.HCM công bố chỉ riêng khâu vận chuyển (đoạn từ trạm trung chuyển đến bãi rác) và xử lý rác tại các bãi của năm này đã tiêu tốn ngân sách hơn 1.300 tỉ đồng. Vào năm đó, UBND TP ước tính số tiền trả cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước hơn 286 tỉ đồng (chi phí xử lý rác); Công ty Môi trường đô thị TP (quản lý bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi) hơn 188 tỉ đồng. Nay chi phí này đều tăng.

 

Giá xử lý rác trả cho nhà đầu tư bãi rác Đa Phước khi mới đi vào hoạt động năm 2007 là 16,4 USD/tấn (giá khởi điểm) thì từ 1-11-2010 tăng lên 17,919 USD/tấn. Với khối lượng 3.000 tấn/ngày được xử lý tại bãi rác Đa Phước, ngân sách phải trả cho việc xử lý khối lượng rác này hơn 53.000 USD/ngày.

 

Chôn rác “ngốn” quỹ đất lớn nên chi phí cho đền bù, giải tỏa rất cao. Chi phí này sẽ ngày càng cao hơn khi giá trị đất đai tăng lên. Ngoài gánh nặng này, chôn rác với khối lượng lớn còn dẫn đến gánh nặng khác khó khăn bội phần là xử lý nước rỉ rác đậm đặc - loại nước thải mà các nhà môi trường xếp vào dạng khó trị nhất do nồng độ các chất ô nhiễm của nó rất cao. Chi phí xử lý loại nước thải này cũng thuộc dạng “khủng”: khoảng 74.000 đồng/m3.

 

Theo tính toán của giới chuyên môn, cứ 2.000 tấn rác chôn lấp sinh ra khoảng 80-100m3 nước rỉ rác đậm đặc. Ở bãi rác Phước Hiệp, mỗi ngày xả ra môi trường khoảng 2.000m3 nước rỉ rác đã qua xử lý.

 

Tuy nhiên, thực tế việc xử lý nước rỉ rác không hề đơn giản do chi phí đầu tư công nghệ cũng như chi phí xử lý hết sức đắt đỏ. Ở bãi rác Thủy Phương (Thừa Thiên - Huế), trong nhiều năm chất lượng xử lý nước rỉ rác luôn ở tình trạng đầu vào thế nào thì đầu ra gần như vậy, nồng độ các chất ô nhiễm giảm không đáng kể. Do vậy, tỉnh đành chấp nhận một lượng nước rỉ rác khổng lồ không được xử lý đạt yêu cầu xả ra môi trường.

 

Phân loại rác tại nguồn như “ném đá ao bèo”

 

Năm 2009, khi kết thúc giai đoạn 1 của dự án thí điểm 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng), Hà Nội chỉ có 4/577 xã phường thực hiện phân loại rác tại nguồn. “Năm 2010, chúng tôi mở rộng mô hình này ra 7 phường khác của các quận nội thành. Như vậy, với 11 phường đang triển khai dự án 3R, khoảng 100 tấn rác hữu cơ được phân loại ngay từ gia đình, chuyển chế biến thành phân vi sinh” - tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Văn Hòa cho biết.

 

Tuy nhiên, với tổng lượng rác thải sinh hoạt được thu gom mỗi ngày khoảng 5.000 tấn, lượng rác được phân loại, tái chế thành phân vi sinh rất nhỏ. “Hơn 100 tấn tái chế được mới chỉ là thành công của 11 phường triển khai dự án 3R. Rác thải tại những phường xã khác vẫn phải thu gom tập trung, đây là mối lo lớn nhất hiện nay vì số rác này đều phải xử lý chôn lấp, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp” - ông Hòa nói.

Mỗi dự án một mức giá xử lý

 

- Giá xử lý rác của Công ty cổ phần VietStar (nhà máy đặt tại khu xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM) là 12 USD/tấn (tạm tính từ 1-3-2011, giá ban đầu 5 USD/tấn).

- Giá xử lý rác của Công ty VWS (khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là 17,919 USD/tấn (tính từ 1-1-2010, giá ban đầu 16,4 USD/tấn).

- Giá xử lý rác của Công ty Môi trường đô thị TP là 137.000 đồng/tấn (tạm tính). Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, nếu tính đúng, tính đủ cả các chi phí xử lý nước rỉ rác và bảo dưỡng thì sẽ là 243.635 đồng/tấn (tương đương 12,5 USD/tấn).

- Dự án nhà máy xử lý rác (tái chế nhựa và làm phân bón) của Công ty Tâm Sinh Nghĩa công suất 200 tấn/ngày tại Rạch Giá (Kiên Giang) sắp đi vào hoạt động có mức giá 10 USD/tấn, với cam kết tỉ lệ rác hồi lại bãi chôn lấp dưới 10% tổng lượng tiếp nhận.

- Rác thải sinh hoạt tại Hà Nội đang được chôn lấp với giá 50.000 đồng/tấn.

- Dự án xử lý, tái chế rác của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) công suất 2.000 tấn/ngày đêm tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) khi đi vào hoạt động (dự kiến năm 2012) sẽ được TP Hà Nội chi trả với mức 13,5 USD/tấn (đã được xử lý, tái chế).

 

__________

Khi nào rác không còn là... rác?

 

7.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày ở TP.HCM - lượng rác lớn nhất trong cả nước - hầu hết đang được chôn lấp. Vì sao dù đã được nhìn nhận như một nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp tái chế, cho phân hữu cơ, thậm chí cho sản xuất điện, rác ở VN vẫn cứ chỉ là... rác?

 

Phân loại rác trong Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Quốc Thanh

Rác: chôn hay tái chế?

 

Tháng 2-2005, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - nay là phó thủ tướng - có kết luận về một công nghệ chế biến rác như sau: công nghệ TBS (thủy phân rác dưới áp lực và nhiệt độ cao để làm phân hữu cơ) có nhiều điểm mới, tiên tiến, có lợi thế trong việc rút ngắn thời gian xử lý rác trong ngày (khoảng 8 giờ/mẻ). Nguồn phân hữu cơ làm ra được đối tác nước ngoài nhận bao tiêu hai năm đầu.

 

Do vậy, UBND TP đồng ý chủ trương triển khai đầu tư một nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ nêu trên với công suất 200-500 tấn/ngày bằng vốn vay ưu đãi đầu tư. Sở TN-MT TP được giao trách nhiệm làm đầu mối triển khai chủ trương này, Công ty Môi trường đô thị TP thuộc sở được giao làm chủ đầu tư.

 

“Tôi đề nghị TP.HCM quan tâm chỉ đạo vấn đề quy hoạch xử lý rác thải. TP.HCM mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn rác thải, mỗi năm ngân sách chi khoảng 1.000 tỉ đồng cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải không phải là ít. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ thu gom, vận chuyển và đưa ra bãi chôn lấp, thực chất chưa có xử lý. Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng đề án xử lý rác thải, công nghệ mới phải đảm bảo yêu cầu thực chất là xử lý rác thải, tức là sau xử lý không còn rác, chứ không như xử lý rác ở khu Hiệp Phước hay khu xử lý Đa Phước, đấy không phải là xử lý”.

(Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN HỒNG QUÂN trong buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP.HCM ngày 30-5-2011)

Nhưng đã hơn năm năm qua, dự án trên vẫn ở tình trạng “đang hoàn thiện báo cáo đầu tư dự án và đang lập thiết kế cơ sở của dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” - theo báo cáo của UBND TP tháng 11-2010. Ông Huỳnh Minh Nhựt - giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP - cho biết dù dự án chỉ cần 5ha đất nhưng mãi cho đến gần đây công ty mới tìm được trong khu xử lý rác Phước Hiệp, nhanh nhất năm 2011 mới có thể khởi công, đến khoảng năm 2013 mới đưa nhà máy đi vào hoạt động.

 

Như vậy kể từ khi có được sự chấp thuận triển khai đến khi có thể đi vào hoạt động, dự án này phải đi qua một chặng đường dài hơn một nhiệm kỳ của cơ quan hành chính.

 

Giữa năm 2005, TP.HCM đồng ý thực hiện dự án khu xử lý rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) làm chủ đầu tư. Dự án này được ký hợp đồng giao 3.000 tấn rác/ngày, chiếm gần một nửa lượng rác của TP.HCM (nếu giao thấp hơn ngân sách vẫn phải trả đủ tiền 3.000 tấn), với mức giá xử lý rác khởi điểm 16,4 USD/tấn. Do vậy, mỗi ngày lượng rác mà TP.HCM giao cho VWS ít nhất phải bằng lượng rác đã ký hợp đồng, không được thấp hơn.

 

Theo cam kết, VWS phải xây dựng hoàn chỉnh ba cụm công trình: nhà máy phân loại tái chế sử dụng công nghệ tiên tiến (500 tấn/ngày), nhà máy chế biến phân hữu cơ (1.000 tấn/ngày) và bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Báo cáo của Sở TN-MT TP.HCM vào tháng 8-2009 đã đánh giá: “Bãi chôn lấp vận hành ổn định. Nhà máy phân loại tái chế và nhà máy làm phân hữu cơ theo văn bản cam kết của công ty sẽ xong vào cuối năm nay”.

 

Chủ đầu tư VWS nói rằng nhà xưởng, các trang thiết bị đã được dựng lên, song cũng nhiều lần khẳng định chỉ có thể làm tái chế rác và làm phân hữu cơ từ rác với điều kiện TP phải giao rác phân loại tại nguồn cho nhà máy. Đây quả là một điều kiện “bất khả thi và khắc nghiệt” vì hiện tại và có thể trong nhiều năm tới TP.HCM chưa thể có rác phân loại tại nguồn.

 

GS.TS Trần Kim Qui (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết ông đã đề xuất một dự án tái chế rác làm phân hữu cơ với công suất 200 tấn/ngày nhưng trớ trêu là không tìm đâu ra 200 tấn rác để thực hiện, dù dự án là kết quả một nghiên cứu nhiều năm đã được Sở KH-CN TP nghiệm thu với đánh giá cao và ủy quyền ứng dụng công nghệ.

 

Hành trình hiện thực hóa dự án của GS Trần Kim Qui bắt đầu từ năm 2009. Ông tìm mua ba nhà xưởng và các thiết bị sản xuất đúng với các nội dung trong đề tài đã được duyệt, tự tìm thuê 2ha đất ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) để làm nhà máy, tuyển và đào tạo công nhân... Nhưng đến nay, số phận dự án này ra sao vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những lý do mà cơ quan chức năng chưa thể quyết định số phận của dự án này là vì TP không còn rác để giao, bởi lượng rác của TP đã được “phân chia”.

 

Câu trả lời từ Huế: Nhà máy xử lý rác Thủy Phương

 

“Công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rác là trong tầm tay với thời gian phân hủy của rác khoảng một tháng, so với chôn rác có khi cả trăm năm mới phân hủy” - GS Trần Kim Qui khẳng định.

 

Ở Thừa Thiên - Huế, một dự án xử lý rác do tư nhân đầu tư đã bắt đầu biến rác thành một số sản phẩm có thể bán được. Nhà máy xử lý rác này cách TP khoảng 10km, hoạt động từ tháng 4-2007 với khoảng 160 công nhân, đảm trách xử lý gần như toàn bộ lượng rác phát sinh mỗi ngày của TP và vùng lân cận mà chỉ cần 4ha đất.

 

Ông Nguyễn Huy Chương - giám đốc Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (Huế) - cho biết nhà máy này chấp nhận toàn bộ lượng rác sinh hoạt chưa qua phân loại của Huế, rác được đưa vào dây chuyền phân loại tại chỗ (dây chuyền này được chế tạo trong nước) nhằm thu tối đa các chất hữu cơ, nilông. Các loại rác có thể cháy thì được chuyển vào lò đốt để tận dụng nhiệt sấy phân. Ông Chương khẳng định trong năm 2010, lượng rác không thể tận dụng được phải đưa vào bãi chôn lấp chiếm khoảng 2,38% tổng lượng rác tiếp nhận (hơn 55.600 tấn).

 

Hơn 90% lượng rác ở đây đã được sử dụng làm nguyên liệu cho một quy trình sản xuất 10-12 tấn nilông thu được mỗi ngày (tái chế thành sản phẩm nhựa), giá bán nilông thô khoảng 3,5 triệu đồng/tấn. Cứ 1 tấn rác làm ra 400kg phân hữu cơ (sản phẩm chính của nhà máy). Trong 10 tháng đầu năm 2010, nhà máy thu được hơn 16.000 tấn phân bón với giá bán hiện tại 1 triệu đồng/tấn. Những người trồng hồ tiêu, cao su, cà phê... chấp nhận mua sau khi Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) công nhận loại phân bón mới này đủ tiêu chuẩn.

 

Thừa Thiên - Huế không gặp phải câu chuyện “nóng” giá xử lý rác như các nơi khác vì chính quyền nơi này ngay từ đầu nêu rõ những điều kiện mà nhà đầu tư phải đảm bảo. Trước hết là “khối lượng rác hồi lại bãi chôn lấp phải nhỏ hơn 10%” và “đơn giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh nếu có sự thay đổi về các chính sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc giá vật tư, nguyên liệu, nhân công hoặc chỉ số trượt giá hằng năm tăng (giảm) từ 20% trở lên”.

 

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, ngoài các dự án chế biến rác thành phân hữu cơ hay các sản phẩm tái chế khác (VietStar đã hoạt động; Tâm Sinh Nghĩa đang xây dựng, công suất 1.000 tấn/ngày), một số dự án khác dùng rác làm nguyên liệu cho phát điện đang được triển khai. Với 10ha đất, Keppel Seghers Engineering - công ty 100% vốn nước ngoài - có một dự án công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày bằng cách đốt rác để lấy nhiệt phát điện.

 

Hay dự án khác sử dụng công nghệ hóa khí (lấy rác làm nguyên liệu để tạo khí phát điện), với giá bán điện được chào là 6-9 cent/kWh, có thể xử lý được 2.000 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, những dự án này dự kiến phải sau năm 2015 mới có thể đi vào hoạt động.

__________

“Khâu thực hành luôn có vấn đề"

 

Ông BÙI CÁCH TUYẾN - thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nhấn mạnh như vậy khi trao đổi quanh vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị.

 

Ông Tuyến cho biết: Thủ tướng đã phê duyệt (ngày 17-12-2009) Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nhấn mạnh việc quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn (ưu tiên hàng đầu) và tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp.

 

* Vậy ta có lộ trình cụ thể để giảm chôn lấp rác không, thưa ông?

 

- Trước mắt đến năm 2015, ta sẽ thực hiện mục tiêu thu gom và xử lý 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Nhưng tôi cho rằng đạt được tỉ lệ này vào năm 2015 cũng không đơn giản, phải phấn đấu cật lực vì thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chủ yếu vẫn bằng cách chôn lấp.

 

Lộ trình của chiến lược đặt ra cho năm năm tiếp theo (đến năm 2020) là 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Nói cách khác, trong vòng 10 năm nữa lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị được xử lý bằng chôn lấp chỉ còn khoảng 15% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được. Điều này cũng nhằm giảm các nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nước mặt, nước ngầm... do chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

 

* Nhưng như ông vừa nói, nhiều địa phương hiện vẫn chôn rác 100%, chưa thấy có động thái quyết liệt để thúc đẩy việc tái chế rác. Liệu lộ trình này có bị “phá sản”?

 

- Lộ trình đã vạch ra có đi đến đích hay không thì mỗi địa phương cần có trách nhiệm trong triển khai, chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cho dù chính sách tốt đến mấy mà địa phương không tích cực thực hiện thì khó đạt kết quả như mong muốn.

 

Tôi thấy như TP.HCM có một số dự án được cấp phép, nhà đầu tư cam kết tái chế rác sinh hoạt trên 85% (chủ yếu làm phân hữu cơ) là điều rất tốt. Nhưng nếu TP.HCM không tích cực thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trong quá trình triển khai hoặc không có biện pháp buộc các nhà đầu tư thực hiện cam kết (tái chế rác) của mình thì khó mà đạt được mục tiêu giảm dần lượng chất thải rắn xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

 

Nói chung, Chính phủ đã có chủ trương phù hợp với xu thế của thế giới, coi chất thải rắn là một thứ tài nguyên bị đặt sai chỗ. Do vậy, cả nước cần thống nhất: tận dụng (tái sử dụng, tái chế) tối đa đối với chất thải rắn, xử lý bằng phương pháp chôn lấp là tối thiểu.

 

* Có ý kiến cho rằng chính sách khuyến khích tái chế rác hiện chưa đủ mạnh, ông nghĩ sao về đánh giá này?

 

- Bộ TN-MT đang được giao chủ trì xây dựng bốn chương trình nhằm thực hiện được các mục tiêu đề ra của chiến lược nêu trên, trong đó có chương trình thúc đẩy phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế. Dự kiến năm 2012, Bộ TN-MT sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.

 

Tuy nhiên, tôi thấy một thực tế rất đáng suy nghĩ là mình nhận ra những việc cần phải làm, mang lại lợi ích chung thì rất nhanh, nhưng khâu thực hành để có kết quả trên thực tế lại luôn có vấn đề. Do vậy, nhiều việc kết quả đạt được rất thấp so với mong muốn hay mục tiêu.

__________

Napoli - Vì sao gặp khủng hoảng rác?

 

Những tưởng ở thời buổi hiện đại, nhờ những chính sách đầu tư dài hạn vào xây dựng hạ tầng cơ sở xử lý rác, việc xử lý rác ở các nước Tây Âu chẳng phải là vấn đề. Vậy mà Napoli - thành phố nổi tiếng với những công trình nghệ thuật và mỹ thuật tuyệt tác ở phía nam nước Ý - mấy năm gần đây lại nổi tiếng nhiều hơn chỉ vì... rác.

 

Một người mẹ bế con vượt qua đống rác không được thu gom trên đường về nhà từ trường học tại Napoli ngày 22-11-2010 - Ảnh: getty Images

 

Công luận nghe nói đến khủng hoảng rác ở Napoli từ cuối năm 2007. Từ đó đến nay, tức sau hơn ba năm, rác vẫn còn là thời sự nóng ở thành phố này. Những tháng gần đây, báo chí lại rùm beng đưa tin khủng hoảng về rác. Rác đã trở thành một trong những tiêu đề cực nóng trong mùa tranh cử bầu thị trưởng và hội đồng thành phố Napoli trong mấy tuần lễ này.

 

Từ những sai lầm và chậm trễ

 

Câu chuyện nổ ra từ năm 1994 với quyết định của Chính phủ Ý cho thành lập Ủy ban đặc trách về vấn đề rác với những quyền lực và nguồn tài chính rất lớn để đưa ra một chiến lược giải quyết lâu dài, ổn thỏa vấn đề rác ở thành phố Napoli và các vùng lân cận. Nhưng từ đó đến nay, tức là sau hơn 16 năm, ngay cả khi chính quyền Berlusconi tuyên bố ngày 31-12-2009 “chấm dứt tình trạng khẩn trương về rác”, rác vẫn ngập đường phố Napoli.

 

Có quá nhiều nguyên nhân đưa đến cuộc khủng hoảng rác lâu dài ở đây: sai lầm về những quyết định kỹ thuật trong các phương án giải quyết vấn đề rác, sai lầm về quản trị, cạnh đó là những đấu đá tranh giành ảnh hưởng quyền lực của các phe phái chính trị, nhất là lại có thêm hoạt động bất chính của các băng đảng camorra (ở Napoli người ta không dùng từ mafia mà dùng từ camorra để chỉ các tổ chức băng đảng xã hội đen). Tất cả quyện vào nhau khiến vấn đề rác ở Napoli từ khủng hoảng cấp tính thành một vấn nạn mãn tính.

 

Trong một thời gian dài, các chính quyền địa phương đã liên tục chậm trễ trong việc đưa ra kế hoạch xây dựng các bãi rác hiện đại. Kế hoạch đầu tiên chỉ có từ năm 2003. Về mặt kỹ thuật mà nói, các bãi rác và các cơ sở thiêu hủy rác hiện đều trong tình trạng quá tải, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

 

Phần lớn các cơ sở thiêu hủy rác hiện đại đang trong quá trình xây dựng cũng bị các tòa án phong tỏa vì không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hoặc đôi khi vì nghi ngờ có bàn tay của camorra bên trong. Hiện tượng tổ chức camorra thâm nhập các cơ sở công nghiệp kinh tế tài chính ở Ý rất phổ biến đến mức nhà nước Ý phải lập ra một ủy ban phòng chống với trách nhiệm điều nghiên và ngăn ngừa sự thâm nhập của mafia trước khi chấp thuận cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở công nghiệp kinh tế tài chính.

 

Một lý do khác là sự trì trệ trong việc tổ chức và khuyến khích thúc đẩy người dân phân loại rác. Để tiện việc xử lý rác và cũng để nâng cao khả năng tái tạo phế liệu, một trong những yêu cầu căn bản là rác phải được phân loại ngay từ khi người dân đem rác vứt đi: cần phải có những thùng rác khác nhau trong khu phố, mỗi thùng dùng để vứt một loại rác, loại cần phải thiêu hủy và loại có thể được xử lý để tái tạo.

 

Rác “thập cẩm” mang về đổ đống mà không phân loại cần nhiều công sức đến độ giá thành của các phế liệu trở nên phi kinh tế. Và ở Napoli, người ta rất lơ mơ về chuyện phân loại rác, số rác được phân loại từ đầu chỉ đạt khoảng 8% (trong gần 3.000 tấn rác mỗi ngày).

 

Món lợi khổng lồ

 

Ở khía cạnh khác, vấn nạn rác lại chính là mối lợi lớn cho các tổ chức camorra, thậm chí người ta ước tính rằng lợi tức thu hoạch từ việc xử lý rác bất hợp pháp hiện đã vượt qua các hoạt động về ma túy hay trấn lột. Khủng hoảng rác đã khiến các cơ sở công nghiệp trong vùng bắt buộc phải giải quyết việc thải rác công nghiệp nhờ vào các hoạt động xử lý rác bất hợp pháp: rác công nghiệp - thường là độc hại - được các băng đảng camorra cho đem chôn lấp ở những hố rác bất hợp pháp, không hề có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

 

Và với những hoạt động bất hợp pháp này, băng đảng camorra vừa thu lợi, mà ông chủ các cơ sở công nghiệp cũng giải quyết vấn đề rác một cách rất kinh tế vì giá xử lý rác do camorra đưa ra lúc nào cũng thấp hơn giá của nhà nước do chả cần phải tuân thủ tiêu chuẩn môi trường nào.

 

Trên các hố rác bất hợp pháp, các camorra lại có thêm một “thu hoạch phụ” rất lớn: sau khi đã đổ đầy rác công nghiệp độc hại, những hố rác bất hợp pháp này sẽ được lấp đất lên và trở thành mặt bằng xây dựng. Trên đó, các camorra sẽ kinh doanh bất động sản bằng cách cho xây nhà bất hợp pháp để bán rẻ cho những tầng lớp thấp trong xã hội. Nói gọn lại, trên một hố rác bất hợp pháp, camorra thu hoạch được “hai vụ”: một là tiền thu được từ việc nhận chôn rác bất hợp pháp, kế tiếp là kinh doanh bất động sản.

 

Lợi nhuận kếch sù này khiến các camorra, đôi khi liên kết với một vài thế lực chính trị địa phương, lúc nào cũng muốn duy trì tình trạng rác rối rắm hiện nay.

Thực hiện: QUỐC THANH - XUÂN LONG - MINH QUANG và THANH GƯƠNG (Ý)