Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024

(06:50:02 AM 23/05/2024)
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 22/5, tại bãi biển Cửa Đại thành phố Hội An đã diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024. Lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại buổi lễ.

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã thay mặt lãnh đạo Hội tham dự và phát biểu tại buổi lễ.

 

Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, phát biểu tại buổi lễ 
 
Giáo sư Đặng Huy huỳnh đã có báo cáo về Chủ đề Bảo tồn - phục hồi - phát huy giá trị của các Hệ sinh thái trên cạn, vùng đất ngập nước, vùng biển phục vụ cho phát triển nhanh - bền vững ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
 
Xin đăng tải toàn văn bài phát biểu của Giáo sư:
 
Kính thưa các quý vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, tỉnh Quảng Nam, và các vị khách quốc tế
 
Kính thưa quý vị đại biểu.
 
Trước hết tôi xin cảm ơn Ban tổ chức hội thảo và vô cùng vinh dự và tự hào là người con của đất Mẹ Quảng Nam, xin nhiệt liệt trân trọng chào mừng Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (ĐDSH) ngày 22 tháng 05 năm 2024 và hưởng ứng thập niên phục hồi hệ sinh thái (HST) và ĐDSH được tổ chức long trọng tại thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam tươi đẹp do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường thực hiện.
 
Đây là sự kiện vô cùng có ý nghĩa đối với cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng, không chỉ là dịp để nhắc nhở khuyến cáo mọi người trong xã hội đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường bảo tồn ĐDSH - phát huy các nguồn lực phục hồi các HST trên đất liền, vùng đất ngập nước, vùng biển - đảo của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng phục vụ cho sự nghiệp phát triển nhanh - bền vững, mà còn là hành động có trách nhiệm chính trị hưởng ứng thông điệp của Liên Hiệp Quốc về thập kỷ phục hồi HST (Rectoration Ecosystem) năm 2021 - 2030.
 
Đây cũng là cơ hội tốt để cộng đồng các dân tộc anh em xứ Quảng đồng tâm hiệp lực phấn đấu - bền bỉ - cống hiến khát vong xây dựng, phát triển cho một Quảng Nam vì cả nước, cả nước ưu ái dành cho Quảng Nam yên bình phồn thịnh cùng phát triển. Một vùng đất được mệnh danh là:
 
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu hồng đào chưa nhắm đã say
 
Một vùng đất Địa linh nhân kiệt. Một vùng địa lý sinh thái nằm giữa hai miền đất nước đã trải qua 553 năm (1471 - 2024) hình thành - phát triển bằng một nguồn lực hun đúc trí tuệ cần cù, chịu khó, bền bỉ của con người đất Quảng biết trân quý giữ gìn, nâng niu bảo vệ các nguồn vốn tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng trên rừng - vùng đất ngập nước, vùng biển. Đây là địa bàn là vùng sinh thái quan trọng của tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông nằm trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu (Ghobal - 200 - WWF2000) là vùng chim quan trọng (IBA) và vùng chim đặc hữu (EBA) của thế giới [5].
 
- Tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong đó có Quảng Nam đã và đang phải đối mặt với 03 cuộc khủng hoảng thách thức lớn về Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường - Suy giảm các hệ sinh thái nghèo kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ĐDSH - các thách thức này đã - đang và sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế - đến an sinh xã hội - đến an ninh môi trường dân sự và quốc phòng - đến văn hóa và sức khỏe của đất nước - của dân tộc, của các cộng đồng trong tỉnh Quảng Nam. Đây là dịp để chúng ta cùng suy ngẫm - cùng hành động thiết thực để hưởng ứng thập kỷ, phục hồi HST và ĐDSH cho ngày nay và cho các thế hệ mai sau.
 
1. Cơ sở pháp lý khoa học và thực tiễn để tổ chức quy hoạch bảo tồn - phục hồi - phát huy giá trị của HST và ĐDSH cho phát triển kinh tế nhanh - bền vững cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng trong giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
 
1.1. Cơ sở pháp lý: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) đã đề cập và nhấn mạnh. Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới - phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, lấy Bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bền vững tài nguyên, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái [1].
 
1) Thông điệp của Liên Hiệp Quốc về thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030.
 
2) Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 [2].
 
3) Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
 
4) WWF-2000 - Việt Nam Trung tâm ĐDSH.
 
5) Luật Bảo vệ môi trường 2020, luật lâm nghiệp 2017, luật thủy sản 2017, luật Đa dạng sinh học 2008.
 
1.2. Cơ sở khoa học và thực tiễn.
 
1) Quảng Nam Đà Nẵng là vùng Địa - Sinh thái quan trọng trong vùng hạ lưu Sông Mê Kông - Có tính đa dạng sinh học cao: được tích lũy, được bảo vệ trong các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước - hệ sinh thái biển [4].
 
- Với diện tích tự nhiên: 10 574 85km2.
 
- Diện tích rừng: 682 222 ha trong đó rừng tự nhiên là 466 115 ha; rừng trồng là 121 610 ha.
 
- Độ che phủ hiện nay là 59,44% - mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 61% [3].
 
Quảng Nam có đầy đủ các hệ sinh thái tự nhiên và HST nhân tạo đặc trưng cho hai vùng sinh thái. Đông và Tây của tỉnh.
 
Vùng sinh thái phía Đông: Các HST đa dạng, điển hình: HST biển - đảo, HS vùng đất cát HST đô thị sầm uất, HST công nghiệp - HST Làng - xã, HST đất ngập nước, HST miệt vườn, HST thủ công nghiệp. Đa dạng sinh học đặc trưng. Thủy - hải sản - sản phẩm nông nghiệp. Trong vùng có một số HST đất ngập nước rộng lớn; Hồ Phú Ninh - Hồ Bãi Sậy - Sông Đầm thành phố Tam Kỳ rừng dừa nước Tịnh Tây (Hội An) Đảo Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, 02 di sản thế giới phố cổ Hội An. Đền thập Mỹ Sơn - Nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - cấp tỉnh. Đặc biệt có khu bảo tồn Voọc Chà Vá chân xám (Pygathitx Cierea) tại khu rừng trồng ở huyện Núi Thành cần ưu tiên bảo vệ là loài đặc hữu hẹp của Đông Dương, loài nằm trong 25 loại linh trưởng nguy cơ bị tuyệt chủng trên thế giới.
 
- Vùng sinh thái phía Tây: Các huyện trung du, miền núi trải dài theo dãy Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, là vùng rừng đầu nguồn của các hệ thống sông lớn của tỉnh; Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, Cổ Cò, Vĩnh Điện, là vùng có hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng nằm ở tiểu vùng hạ lưu Sông Mê Kông như vườn quốc gia Sông Thanh với diện tích 76.699,68 ha, có 899 loài thực vật bậc cao có mạch có nhiều loài quý hiếm: Pơ mu (Fokenia hodginsia) Lan Kim Tuyến (Anoectochilus Setacous) nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ thế giới Mang trường sơn Muntiacus TruongSonensis) Gấu ngựa (Ursus thibetanus) Trĩ Sao (Rhenaria Ocellota); Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh - Quảng Nam với diện tích 14.883 ha có 947 loài thực vật bậc cao có mạch trong đó có 464 loài có giá trị kinh tế cao. Có 310 loài cây dược liệu đặc biệt Sâm Ngọc Linh (Panax Vietnam ensis) Đẳng Sâm (Codonopsis favanica) Dần Tòng (Gynastemma Pentaphylum) Trầm Hương (Aquilaria Crassama) Đinh Tùng (Cephala taxus manii) Dầu Lông (Dipterocarpus bandi) Lim Xanh (Eurythrophleam, fordii) Gỗ đỏ (Afzelia xylocarpa) và nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong danh lục Đỏ quốc tế, sách đỏ Việt Nam (2007) Chà Vá chân nâu (pygathrix nemaeus nemaeux) Chà vá chân xám (P.Cinerea) Vượn má vàng (Nomascus gabriella) Khướu Ngọc Linh (Trachalopteron ngoclinhensis) trăn đất (python reticolate) Tắc Kè đá (Drynaria bonii).. Khu bảo tồn voi Nông Sơn... Đây là vùng có diện tích rừng nguyên sinh cao của cả nước. Là vùng đã được tổ chức quốc tế Usaid chọn tham gia dự án Trường Sơn xanh” một kho tàng tích trữ Carbon rộng lớn. Là tiềm năng lớn trong thương mại tín chỉ Carbon. Trong dịch vụ môi trường rừng đối với các dự án phát triển kinh tế - du lịch sinh thái - thủy điện...
 
- Đây cũng là vùng có nhiều trang trại, nhiều miệt vườn rất phong phú, đa dạng các mô hình nông - lâm kết hợp bởi các loại hoa quả bản địa nổi tiếng; quả Loòn bon, quả Ươi, quả Xoay, dứa, xoài, mít, bưởi, dâu da...
 
3. Vai trò, giá trị của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
 
Giá trị to lớn của hệ sinh thái và ĐDSH trên đất liền vùng đất ngập nước và ở Đại dương không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Chính vì vậy bà Helenclauk Tổng Giám đốc UNDP khẳng định hệ sinh thái và ĐDSH là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn cuộc sống. Sự tồn tại của mỗi con người và cuộc sống bình yên có chất lượng cao của toàn nhân loại phụ thuộc rất nhiều vào HST khỏe mạnh và ĐDSH trên đất nếu tài sản vô giá này bị suy giảm hoặc mất đi chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ về môi trường sống mà còn tác động đến sức khỏe con người, sản lượng cây trồng vật nuôi và nguồn nước...
 
- Tình trạng phá hủy HST rừng, SHT biển và khiến nền kinh tế thế giới mất từ 2 - 5000 tỷ USD mỗi năm, suy giảm nghèo kiệt HST kéo theo mất đa dạng sinh học, con người không được hưởng dịch vụ miễn phí; nước sạch; không khí sạch và sẽ đẩy nhanh sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật. Dự báo nếu chưa ngăn chặn được tình trạng phá hủy làm suy giảm HST trên đất liền và đại dương thì có khoảng 1 triệu loài thực vật, động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng (IUCN) Việt Nam nói chung Quảng Nam nói riêng cũng trong tình trạng đó.
 
Với giá trị to lớn của HST và ĐDSH đối với cuộc sống hiện tại và tương lai không có gì có thể thay thế được. Nhưng chính con người đã góp phần làm tổn thương đến HST và đã mang lại hậu quả khôn lường. Vì vậy, con người phải có trách nhiệm phục hồi lại HST.
 
4. Đề xuất các giải pháp phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
 
4.1. Với ý nghĩa, chức năng vai trò của HST và ĐDSH đối với nhân loại nên hàng năm Liên Hiệp quốc đã lấy ngày 5 tháng 6 là ngày Môi trường thế giới (World Environment Day). Năm 2021 Đại hội đồng LHQ đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (Ecasystern Rectoration) cùng với đó là ngày quốc tế về đa dạng sinh học 22/5/2021 với chủ đề chúng ta là một phần của các giải pháp về thiên nhiên (We are part of the solution for Nature).
 
- Theo các nhà khoa học việc phục hồi hệ sinh thái đúng cách dựa trên cơ sở khoa học. Cơ thể giúp bảo tồn được gần 70% số loài sinh vật trước nguy cơ bị tuyệt chủng và giúp hấp thụ 50% lượng CO2 mà con người đã thải vào khí quyển kể từ cuộc CMCN. (Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu về kế hoạch "chữa lành" trái đất được công bố ngày 14 tháng 10 năm 2020.
 
Theo ông Bernardo Strassburg Giám đốc quốc tế nghiên cứu phát triển bền vững (PTBV).
 
Việc nỗ lực phục hồi các HST sẽ đóng góp lớn giúp nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học sẽ mang lại lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
 
4.2. Hưởng ứng sự kiện quan trọng này Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã tham gia hưởng ứng từ những thập kỷ 1982 của thế kỷ XX cho đến nay đã trở thành phong trào rộng lớn với sự tham gia của 63 tỉnh thành phố trong cả nước trong đó có Quảng Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm lan tỏa nhắc nhở, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người dân trong xã hội cùng với các cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, các tôn giáo... trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường, bảo vệ, phục hồi các HST bị nghèo kiệt, bị suy giảm cùng với bảo tồn đa dạng sinh học.
 
- Trong chiến lược quốc gia bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rừng, đa dạng sinh học là nền tảng quan trọng của nền kinh tế - bảo vệ rừng, trồng rừng phục hồi rừng nghèo là một trong các giải pháp then chốt thích ứng với BĐKH.
 
4.3. Mục tiêu của giải pháp, phục hồi hệ sinh thái bị suy giảm chất lượng. Là một giải pháp nhằm ngăn chặn sự nghèo kiệt làm yếu hoặc mất chức năng quan trọng dịch vụ của HST - biến những HST này trở thành nơi có sự sống tương đương với thời gian trước khi suy thoái để kết nối với các HST lân cận, tạo thành hành lang xanh góp phần bảo tồn ĐDSH, chống đỡ biến đổi khí hậu, và đây cũng là nơi có tiềm năng cải thiện sinh kế cho cư dân bản địa, nhất là đối với người nghèo, là nơi có cảnh quan xanh, sinh động cải thiện đời sống tỉnh thần, sức khỏe của cộng đồng, và chính nơi đây cũng là địa bàn hành lang có ích cho việc phòng ngừa các dịch bệnh lây lan từ các vật chủ trung gian hoang dã sang động vật nuôi và con người.
 
4.4. Bên cạnh việc phục hồi các HST bị suy thoái thì việc bảo vệ rừng hiện có và bảo tồn ĐDSH đặc biệt đối với các loài thực vật, động vật, nấm vi sinh vật đã có tên trong các Nghị định Chính phủ - Nghị định số 06/2019/NĐCP về quản lý thực động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Nghị định số 64/2019/NĐCP về tiêu chí xác định quản lý loài nguy cấp quý hiếm, cũng như đã có tên trong các phụ lục của cơ quan buôn bán quốc tế về các loài đang có nguy cơ suy giảm, tuyệt chùng (CITES) kể cả trong sách đỏ thế giới năm 2017 và sách đỏ Việt Nam năm 2007. Cũng là một giải pháp quan trọng trong việc phục hồi, làm giàu nguồn gen trong tự nhiên - phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai.
 
4.5. Để thực hiện hiệu quả phục hồi HST bị nghèo kiệt và ĐDSH thì giải pháp "Dựa vào thiên nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội trên nguyên tắc thuận thiên với thiên nhiên. Sống hài hòa với thiên nhiên trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, mở rộng việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang xanh - hành lang ĐDSH; giải pháp tăng cường đầu tư các nguồn lực về tài chính, chính sách, khoa học - công nghệ, kể cả thu hút sự tham gia của cộng đồng bản địa trên phương châm xuyên suốt vì hạnh phúc - bình an của con người, đồng thời dào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ thuật chuyên sâu về kỹ năng phục hồi các HST nghèo kiệt trên cạn, vùng đất ngập nước vùng biển cũng là giải pháp quan trọng trong công tác phục hồi, làm giàu HST theo như Nghị quyết của Đảng, Chính phủ của ủy ban nhân dân tỉnh đã để cập.
 
4.6. Phục hồi HST rừng nghèo kiệt - tránh hạn chế việc chuyển đổi HST này sang mục đích sử dụng khác (trồng cà phê, cao su...) mà giữ diện tích đó để thực hiện các dự án trồng cây xanh, hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên để phục hồi lại HST rừng có chất lượng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan.
 
- Đối với HST hồ, suối, sông thì phải tổ chức quản lý việc khai thác cát, sỏi v.v.. thu gom rác thải trên bở, trên mặt nước, trồng các giống loài cây bản địa thích hợp xung quanh bờ các sông, suối, tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã, đồng thời xây dựng quy trình khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thủy sản theo phương châm bền vững. Ngăn chặn kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.        
 
- Đối với HST ven biển, biển đảo Cù Lao Chàm cùng với việc trồng cây xanh - cây có giá trị kinh tế, cây chắn cát, chắn gió, chắn sóng thì việc thu gom rác thải cũng là điều cần tiến hành thường xuyên.
 
4.7. Trong quá trình phục hồi HST, bảo tồn ĐDSH thì việc thực hiện chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh từ 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ đề xuất trong năm 2020. Đây là một chủ trương mang tỉnh khoa học nhân văn sâu sắc không chỉ tạo cảnh quan năng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần chống biến đổi khí hậu cho hôm nay và cho mai sau.
 
4.8. Nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi HST thì việc huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc tổ chức bảo vệ cây xanh cổ thụ trên mọi vùng, miền của đất nước cũng có vai trò chức năng quan trọng đối với môi trường, đối với sức khỏe của cộng đồng, đối với việc chống đỡ giảm thiểu các tác hại do Biến đổi khí hậu kể cả ngăn ngừa dịch bệnh. Thực ra cho đến nay trên đất nước Việt Nam từ miền đồng bằng đến miền núi, vùng ven biển đã có hàng trăm, hàng ngàn các mô hình phục hồi HST mang lại kết quả rất ấn tượng không những góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, tôn tạo cảnh quan mà còn đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo bởi các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Theo tác giả, Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng (cần có sự kiểm kê, đánh giá các mô hình loại này để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trong một đất nước nhiệt đới được quốc tế ghi nhận có sự ĐDSH cao, sự phong phú và đa dạng của HST. Có nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam do con người, vì con người qua các thế hệ, qua các thời đại lịch sử vẫn còn lưu giữ và phát triển. Chẳng hạn việc trồng thêm 1 cây xanh, hoặc việc vinh danh bảo vệ 1 cây cổ thụ có tuổi đời trên một trăm năm trở lên mà trong mười bốn năm qua (2010 - 2024) Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNC) khởi xướng tiến hành đã được Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Cục Quản lý rừng đặc dụng Bộ NN&PTNT và cộng đồng 63 tỉnh thành trong đó có tỉnh Quảng Nam hưởng ứng mang lại hiệu quả rất cao góp phần không nhỏ không những trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường - bảo vệ màu xanh quê hương đất nước mà còn có một giá trị văn hóa – nghệ thuật biểu tượng cho sự tiến bộ của một dân tộc, của một khu vực, của một cộng đồng [6] như: mô hình cộng đồng tổ chức phục hồi cây bản địa, cây gỗ có giá trị kinh tế: Sao đen, Giỏi Tại xã Trà Mai, Trà Cang, Trà Tấp. Ở huyện Nam Trà My, mô hình phục hồi, giữ bảo vệ rừng di sản cây gỗ Pơ Mu của cộng đồng dân tộc Kơ Tư xã Asam huyện Tây Giảng - Quảng Nam, mô hình cộng đồng hiến dâng quần thể cây sưa tại Làng Sinh thái Hương Trà - phường Hòa Hương thành phố Tam Kỳ để tổ chức du lịch sinh thái - mô hình bảo vệ phục hồi rừng dừa nước ở Tĩnh Tây Hội An, mô hình bảo vệ cây ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm, Hội An, mô hình trồng sâm ngọc linh, nấm linh chi dưới tán rừng, v.v... như chúng ta biết một cây (1 cây) xanh bình thường trên đường làng, hẻm phó sẽ hấp thụ được một tấn CO2 (carbon dioxide) trong vòng đời của nó chưa tính đến giá trị nhiều mặt về kinh tế - văn hóa - lịch sử, tâm linh - sức khỏe của con người và sinh giới.
 
Còn nếu tính đến một cây cổ thụ có tuổi đời từ 100 năm tuổi trở lên thì giá trị còn cao hơn nhiều, 1 ha cây xanh (bất kỳ là cây loại gì); 1 ha rừng ngập mặn, rừng đất ngập nước có thể hấp thụ 346,4 tấn CO2 trong một năm nếu tính thành tiền là 1 ha trị giá 48.458.000 đồng hay 2.423 USD chưa kể giá trị phục hồi làm giàu HST bằng mùn, bã do cành rơi lá, quả, hoa rụng được vi sinh vật phân hủy là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho các loài thủy sản.
 
4.9. Phục hồi - bảo tồn - phát huy các giá trị của các HST - ĐDSH ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.
 
Là một kế hoạch không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của tỉnh vì vậy phải được lồng ghép cụ thể vào các chủ trương - chính sách pháp luật của quốc gia và của Quảng Nam trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2050 bằng cách lồng ghép vào các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển lâm nghiệp, thủy sản nông nghiệp - du lịch - ở thành phố Hội An Tam Kỳ và hai trục kinh tế Đông và Tây Quảng Nam.
 
- Cần xây dựng chương trình, quản lý - kiểm soát cơ sở dữ liệu về xu thế diễn biến các HST, ĐDSH nhằm góp phần cung cấp hệ thống dữ liệu quốc gia về ĐDSH đồng thời tham gia vào sáng kiến của WB về kiểm kê lượng giá dịch vụ các HST rừng, biển, đất ngập nước.
 
- Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng phù hợp cho các vùng miền trong tỉnh (vùng biển - đồng bằng, vùng trung du, miền núi). Các cấp quản lý (xã - phường, thị trấn và thành phố, cụm công nghiệp...) về tầm quan trọng và ý nghĩa phục hồi HST - bảo tồn ĐDSH phát huy các giá trị bản sắc văn hóa - kiến thức truyền thống - bản địa trong phát triển nhanh và bền vững...).
 
KẾT LUẬN
 
Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI trên toàn cầu nói chung và Việt Nam và Quảng Nam nói riêng nhân loại trong đó có nhân dân Việt Nam, nhân dân Quảng Nam đã và đang hứng chịu nhiều thảm họa tàn khốc do tầng suất thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, gia tăng các loại dịch bệnh và gần đây nhất là đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng không những đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, của tỉnh mà còn có tác động lớn về an sinh xã hội đến sự bình yên của con người. Chính vì vậy mà chúng ta hơn bao giờ hết cần nhận rõ trách nhiệm lịch sử của mình bằng sự liên kết về trí tuệ và hành động thực tế phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để ứng xử thân thiện với thiên nhiên. Sống sản xuất, phải thuận thiên với thiên nhiên để tự cứu lấy mình, cứu lấy trái đất. Ngôi nhà chung của nhân loại, ý thức rằng con người luôn được sự che chở, nuôi dưỡng của trái đất - “Mẹ thiên nhiên” con người luôn nương tựa vào thiên nhiên, vào các nguồn vốn tự nhiên, vào đa dạng sinh học để tồn tại và phát triển. Mọi sự hạnh phúc và sức khỏe của mỗi chúng ta phụ thuộc nhiều vào sự bình yên khỏe mạnh của môi trường và sự giàu có của đa dạng sinh học. Để thực hiện được mục tiêu cao cả ấy thì bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm về đường lối - chính sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ trương của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ, của Bộ ngành, của tỉnh Quảng Nam thì việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp để bảo vệ phục hồi các HST và đa dạng sinh học là biện pháp cốt lõi góp phần vượt qua các thách thức về ô nhiễm môi trường - Biến đổi khí hậu vì một Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng yên bình - Hùng cường và thịnh vượng như mong muốn của các bậc tiền bối của các thế hệ lãnh đạo Đảng, nhà nước và nhân dân trong đó có con người xứ Quảng.
 
Xin trân trọng cảm ơn.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
 
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Báo HN mới ngày 26/2/2021.
 
2. Quyết định số 149/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia và ĐDSH đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
 
3. QĐ số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
 
4. Đặng Huy Huỳnh, 1992. Cần sử dụng hợp lý và bảo vệ tính đa dạng di truyền (Genetic Biodiversity) nguồn tài nguyên sinh vật trong các HST tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - môi trường và cuộc sống tạp chí khoa học - phát triển - UBKHQN - ĐN số 2-3/1992.
 
5. WWF.2000. Việt Nam nằm trong Trung tâm ĐDSH của thế giới.
 
6. VACNE – Cây di sản Việt Nam. Tập 1, 2, 3. NXB KHKT – NXB KHTN-CN
 
7. Tạp chí Rừng – Môi trường số 115, 2023. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, tín chỉ cacbon của rừng Việt Nam.
 
BTV