Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhờ có chương trình hợp tác trong quản lý tài nguyên rừng mà vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà còn giữ được những cây thông cổ thụ năm lá, một loại thông đặc thù ở Lâm Đồng - Ảnh: Đức Tuyên |
Trong chuyến đi thực địa tại vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà do Viện Sinh học nhiệt đới vừa tổ chức, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã đánh giá cao mô hình này. “Việc áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng tại đây đang mang lại giá trị rất cao, đời sống của người dân địa phương ngày càng ổn định và rừng đầu nguồn được bảo vệ hiệu quả” - giáo sư Bert Covert, Trường ĐH Colorado (Mỹ), đánh giá sau buổi tham quan.
Khi bà con dân tộc là “bên B”
Cũng như nhiều hộ dân tộc K’Ho khác, ông Chin Ha Nang (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cảm thấy “rất oai” khi được đứng tên “bên B” để ký hợp đồng “Hợp tác trong quản lý tài nguyên rừng” với bên A là vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (gọi tắt là vườn quốc gia) do giám đốc Lê Văn Hương đại diện.
Theo “Quy định giá bán điện năm 2011 và hướng dẫn thực hiện” của Bộ Công thương (tháng 2-2011), tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của tất cả công ty thủy điện trên cả nước trong năm 2011 là 738 tỉ đồng. Việc thu số tiền trên được Chính phủ cho phép hạch toán vào giá thành sản xuất thủy điện và người tiêu dùng hiện phải trả 20 đồng/kWh. Riêng nước máy sử dụng người dân cũng phải trả cho dịch vụ môi trường rừng là 40 đồng/m3. |
Gần ba năm nay, cứ vào đầu năm ông Chin Ha Nang lại thanh lý hợp đồng cũ và tiếp tục ký hợp đồng mới với ban giám đốc vườn quốc gia để giữ 44ha rừng tại xã Đạ Chais với “mức lương” 400.000 đồng/ha/năm. “Chỉ tính riêng việc canh giữ rừng, mỗi năm thu nhập của hai vợ chồng tôi và ba đứa con được 17,6 triệu đồng. Với số tiền này cộng với nguồn thu từ việc trồng bắp, mót củi trong rừng, gia đình tôi giờ sống khỏe” - ông Ha Nang tính toán.
Trước đây, họ sống chủ yếu dựa vào khai phá rừng làm nương trồng bắp và săn bắt thú rừng. “Cuộc sống lúc đó khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, con cái không được đi học. Từ ngày có cái 380 của Chính phủ (quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng - PV), đời sống của chúng tôi khá lên rồi. Con trai út của tôi được đến trường và đang học lớp 8. Sau này nó sướng hơn tụi già chúng tôi rồi” - ông Ha Nang cười giải thích.
Ở cùng xã với ông Ha Nang, gia đình anh Chin Ha Chương đang nhận canh giữ 50ha rừng và mỗi năm lãnh được 20 triệu tiền lương. Anh Chương kể vào đầu mỗi quý, không khí trong làng rất nhộn nhịp, mọi người cười nói gọi nhau í ới: “Đi lãnh lương thôi! Vui lắm vì chúng tôi được ban giám đốc vườn quốc gia trả lương giữ rừng theo quý mà”. “Thế anh và bà con có còn săn bắt và đốn gỗ làm nhà không?” - chúng tôi hỏi. Ha Chương cười, xua tay: “Không đâu, không được săn thú, không chặt cây phá rừng nữa vì mình đang là người canh rừng mà”.
Không “ăn” của rừng nữa
Đó là khẳng định của ông Chin Ha Nang cũng như hầu hết các chủ hộ bà con đồng bào dân tộc K’Ho đang canh giữ rừng tại xã Đạ Chais. Không những không còn vào rừng săn bắt, đốn gỗ như trước đây, họ còn tích cực góp phần ngăn chặn lâm tặc và những người săn bắt xâm nhập trái phép vườn quốc gia. Các hộ canh giữ rừng được lập thành tổ với 5-8 hộ liên kết lại để thành lập nhiều nhóm “xung kích” nhỏ khoảng 4-5 người và luân phiên nhau đi kiểm tra hằng ngày.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích trên 70.000ha rừng tự nhiên nằm trên bảy xã, một thị trấn thuộc huyện Lạc Dương và một phần của xã Đa Tông (huyện Đam Rông), tỉnh Lâm Đồng. Đây là cánh rừng phòng hộ đầu nguồn cung cấp nước cho sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk để dẫn nước về cho người dân tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh vùng nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ sinh hoạt sử dụng.
Hiện trên địa bàn rừng thuộc vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý có gần 4.700 hộ dân sinh sống với hơn 25.600 nhân khẩu (77,67% là đồng bào dân tộc K’Ho). |
“Nay mình biết rồi, còn rừng là còn nguồn sống, còn rừng là bà con mình còn được lãnh lương” - Ha Chương nói và cho biết thêm ngày nào trong tổ của anh cũng cử 1-2 nhóm đi tuần bao quanh và xuyên khắp diện tích rừng của tổ đang được giao canh giữ.
“Hễ thấy người phá rừng là khuyên hoặc đuổi họ ra khỏi rừng. Nếu họ không đi, nhóm sẽ gọi điện hoặc cử người về cấp báo với lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia để can thiệp. Nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, chúng tôi sẽ bị phạt. Dựa trên diện tích rừng bị phá và khối lượng gỗ bị mất mà ban giám đốc vườn quốc gia áp giá để phạt chúng tôi” - Ha Chương nói cùng với ánh mắt nhìn đăm đăm về rừng.
Ông Kơdơng Ha Quyên, chủ tịch UBND xã Đạ Chais, cho biết phần lớn người dân trong xã là bà con dân tộc K’Ho, sống trong rừng từ trước đến nay. Cuộc sống trước đây khó khăn vì chỉ dựa vào các nguồn khai thác từ rừng là chính.
Từ khi áp dụng thí điểm chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng từ đầu năm 2009 đến nay, xã đã ưu tiên xét duyệt cho gia đình bà con dân tộc địa phương được canh giữ rừng để cải thiện cuộc sống. Hiện đời sống của họ rất ổn định, nhiều hộ khá lên nhờ biết làm ăn, trồng hoa màu xen canh dưới tán rừng. Hiện toàn xã có 290/317 hộ dân đang làm nghề canh giữ rừng cho vườn quốc gia.
Ông Lê Văn Hương, giám đốc vườn quốc gia, cho biết trước khi chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng (2009), từ năm 2005 ban giám đốc vườn quốc gia đã lập mô hình “Hợp tác trong quản lý tài nguyên rừng” với người dân tại địa phương. Từ 547 hộ được giao giữ hơn 16.600ha rừng vào năm 2005 và cho thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/hộ/năm, đến năm 2011 vườn quốc gia đã giao được trên 35.400ha rừng cho 1.100 hộ canh giữ với mức thu nhập bình quân khoảng 9,3 triệu đồng/hộ/năm.
“Từ nguồn ngân sách của tỉnh, cộng với tiền từ dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Tây nguyên, nguồn vốn từ chính sách 30a của Chính phủ (nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đối với 61 huyện nghèo trên cả nước - PV) và nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện (6,64 tỉ đồng năm 2011), năm 2011 vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có thể trả lương cho hơn 1.000 hộ dân canh giữ rừng với số tiền trên 10,2 tỉ đồng” - ông Hương tính toán.
Ông Hương cũng cho rằng chính việc hợp tác quản lý tài nguyên rừng đã giúp bảo vệ rừng hiệu quả, cũng như xã hội hóa được công tác quản lý và bảo vệ rừng, nâng mức sống cho người dân địa phương lên rất nhiều. Cùng quan điểm, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, nhận xét mô hình này đang phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10-4-2008 về việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đây Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào thực tế. Năm 2009, chính sách này được thí điểm ở tỉnh Sơn La (nơi đầu nguồn của hệ thống sông Đà) và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (nơi đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, Sêrêpôk).
Nhân việc Liên Hiệp Quốc công bố năm 2011 là năm quốc tế về rừng, tiến sĩ Long chỉ mong muốn: “Việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng và hợp tác để người dân quản lý tài nguyên rừng cần được triển khai rộng ra các tỉnh thành khác. Có như thế chúng ta mới nâng cao được nhận thức về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững các loại rừng cho thế hệ con cháu mai sau”.