(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.
Nước sông Mã đoạn qua lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 đen kịt như sông Tô Lịch (Ảnh: Hoàng Dương).
Nhiều ngày qua, người dân nuôi cá lồng ở hai huyện Bá Thước và Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) mất ăn, mất ngủ vì hiện tượng cá chết hàng loạt.
Theo ghi nhận, dọc sông Mã đoạn qua khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 (trên địa bàn các xã Điền Lư và Lương Ngoại, huyện Bá Thước), nhiều hộ dân cố gắng túc trực ngày đêm để bơm nước, sục oxy với hy vọng cứu được đàn cá.
Ông Cao Văn Hùng (55 tuổi, xã Điền Lư, huyện Bá Thước) cho hay, hiện tượng cá chết xảy ra đã nhiều tháng qua và trở nên nghiêm trọng hơn từ cuối tháng 4.
"Gần một tháng qua, gia đình tôi phải dùng máy bơm, tạo oxy cứu đàn cá. Có gia đình không kịp sục oxy, cá chết nhiều, phải tháo dỡ lồng bè ra về tay trắng", ông Hùng nói.
Điều đáng nói, nhiều ngày qua, nước sông Mã qua lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 đang đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi tanh. Nhìn từ trên cao, màu nước dòng sông Mã trông không khác gì sông Tô Lịch, dòng sông ô nhiễm của Hà Nội.
Qua tìm hiểu, khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 hiện có gần 100 hộ gia đình nuôi cá lồng, tuy nhiên phần lớn cá nuôi ở đây đã bị chết. Không chỉ cá nuôi trong lồng, tại đây còn xảy ra tình trạng thủy sản, cá tự nhiên chết la liệt.
Trước đó, trên sông Mã (đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước và Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng cá lồng, bè của người dân nuôi bị chết bất thường. Đặc biệt, vào tối 26/4 và sáng 27/4, lượng cá chết rất nhiều.
Nhìn từ trên cao, nước sông Mã đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi tanh (Ảnh: Hoàng Dương).
Theo thống kê, tính đến chiều 4/5, toàn huyện Bá Thước đã có 231 lồng cá của 175 hộ dân ở 8 xã, thị trấn bị chết, với tổng khối lượng hơn 13,1 tấn. Còn tại huyện Cẩm Thủy có gần 1 tấn cá lồng của người dân ở xã Cẩm Thành bị chết.
Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc lấy mẫu nước và mẫu cá kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Kết quả kiểm tra không phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nấm trên cá chết; có hiện tượng thiếu oxy hòa tan trong nước dẫn đến hiện tượng cá chết; không có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng, nấm trên cá.
Cá lồng chết hàng loạt trên sông Mã (Ảnh: Hoàng Dương).
Khi khám nghiệm mẫu cá, các cơ quan nội tạng hoàn toàn bình thường. Cá chết ở nhiều loài như cá trắm cỏ, cá lăng, cá nheo và nhiều độ tuổi khác nhau.
Kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng xác định có hiện tượng cá tự nhiên ngoi lên mặt nước, dạt vào bờ. Đặc biệt có hiện tượng cá, cua tự nhiên chết tại xã Thiết Ống, thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).