(Tin Môi Trường) - Hình ảnh gần 200 tấn cá chết nổi trắng mặt hồ Sông Mây khiến nhiều người sửng sốt, xót xa. Song thực tế việc này như thế nào?
Hồ Sông Mây hiện đã sạch xác cá chết, lực lượng chức năng đang rải vôi khử khuẩn, khử mùi hôi để đảm bảo môi trường - Ảnh: A.B.
196ha mặt nước chỉ còn 2ha
Quan sát từ xa, hồ Sông Mây không còn hình ảnh xác cá nổi trắng xóa phủ kín mặt nước. Dù nước hồ vẫn sậm màu và bốc mùi hôi, không khí đã "dễ thở" hơn trước đây.
Sáng cùng ngày, đội nuôi trồng thủy sản Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục rải vôi khử khuẩn, mùi hôi khu vực lòng hồ Sông Mây và các khu vực xung quanh.
Trước đó, chiều 2-5, sau nhiều ngày nỗ lực, đơn vị này cũng hoàn tất thu dọn toàn bộ xác cá dưới lòng hồ đưa đi ủ phân vi sinh (có rải vôi khử mùi), phục vụ chăm sóc cây trồng.
So với lúc cao điểm (hơn 196,5ha), diện tích mặt nước tại hồ Sông Mây hiện thu gọn chỉ còn khoảng 2ha.
Từ trên cao nhìn xuống, hồ trông như cái ao nước, bao bọc xung quanh là khoảng đất trống, cỏ nhú lên trên những cục đất nứt nẻ giữa lòng hồ.
Thượng úy Lê Minh Tấn, đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, cho biết cá chết cách đây khoảng 10 ngày và chết hàng loạt từ ngày 28-4. Để bảo đảm môi trường, đơn vị đã huy động 100% quân số làm việc xuyên lễ để thu dọn xác cá đưa lên bờ.
Sau khi thu dọn xác cá, đơn vị nuôi trồng thủy sản rải vôi khử khuẩn toàn bộ mặt nước và lòng hồ để đảm bảo vệ sinh môi trường - Ảnh: A.B.
Theo thượng úy Tấn, hồ Sông Mây được bổ sung nước từ các suối tự nhiên xung quanh hồ và nước mưa tự nhiên.
Thế nhưng từ đầu năm đến nay không có mưa, hạn hán kéo dài khiến sông suối cạn khô, lượng nước bổ sung không còn. "Nắng nóng kéo dài khiến hồ cạn gần trơ đáy. Cá trong hồ tương đối dày dẫn tới việc thiếu oxy, cá chết hàng loạt", thượng úy Tấn nói.
200 tấn cá chết đều là cá nhỏ, không được thu hoạch
Giải thích về việc cá còn trong hồ, thượng úy Tấn cho biết đây là số cá nhỏ, chưa đủ kích thước xuất bán (chiếm khoảng 20%). Trước đó, đơn vị đã thu hoạch khoảng 80% lượng cá trong hồ.
Do cá nhỏ chưa thể thu hoạch, đơn vị có kiến nghị Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai duy trì khoảng 1 triệu khối nước để lượng cá trong hồ chưa kịp khai thác sinh sống.
Tuy nhiên, thời gian qua, hồ Sông Mây phải ưu tiên xả nước để phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản vụ đông xuân với diện tích khoảng 800ha phía hạ nguồn, khiến lượng nước trong hồ thấp hơn mực nước chết.
"Mọi năm, mực nước hồ vẫn duy trì ở mức 7-8m với khoảng 4-5 triệu khối nước phục vụ sản xuất. Song năm nay nước chỉ còn khoảng 1m nước. Đây là sự cố ngoài ý muốn", thượng úy Tấn nói.
Cũng theo thượng úy Tấn, hiện nước gần như trơ đáy, cống xả đã đóng. Phải đến tháng 8-9, khi công trình đạt khoảng 70%, nước hồ về nhiều mới thả cá trở lại.
Xác cá nổi trắng hồ Sông Mây trước khi được thu dọn - Ảnh: A.B.
Hồ Sông Mây phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản
Hồ thủy lợi Sông Mây nằm trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Bình Minh, Sông Trầu và thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom).
Đây là hồ chứa nước tưới tiêu cho hàng trăm héc ta lúa khu vực hai huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Trong đó, diện tích mặt nước gần 200ha được giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai quản lý, nuôi trồng thủy sản.
Đầu tháng 1-2024, dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây được khởi công do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm các hạng mục đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và nạo vét lòng hồ. Thời gian hoàn thành dự kiến là 450 ngày.
Ngoài đảm bảo công trình hoạt động an toàn, dự án còn đáp ứng cung cấp nước trên diện tích 950ha lúa đông xuân, 700ha lúa hè thu, 600ha lúa vụ mùa và cung cấp nước sinh hoạt, kết hợp nuôi trồng thủy sản, điều tiết lũ cho hạ lưu…