Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát triển xanh là mục tiêu cốt lõi của TP.HCM

(08:18:31 AM 30/04/2024)
(Tin Môi Trường) - TP.HCM đã có những bước đi cho thấy sự chủ động nhập cuộc xu hướng phát triển kinh tế xanh, vừa để tìm động lực mới cho chính thành phố, vừa góp phần thực hiện mục tiêu chung của quốc gia.

Từ những dòng kênh xanh

Thuật ngữ "kinh tế xanh" được sử dụng rộng rãi từ năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và sự cần thiết "kích thích kinh tế xanh" với nhiều định nghĩa khác nhau. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP, tháng 10.2008) đã đưa ra "Sáng kiến kinh tế xanh".
 
Năm 2011, Báo cáo "Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo" đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi. Đó là "nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội" (UNEP, năm 2011). Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ có nhiều quyết sách, chương trình hành động liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
 
Phát triển xanh là mục tiêu cốt lõi của TP.HCM
Việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, bền vững là hướng đi tất yếu của TP.HCM - ảnh: NGỌC DƯƠNG
 
Từ mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xanh, TP.HCM cũng đã và đang phát triển trên cơ sở tính chất vùng miền và địa lý khu vực để tìm ra lối phát triển xanh phù hợp. Cụ thể, trong chương trình nghị sự đại hội và chương trình hành động của Đảng bộ TP.HCM xác định các mục tiêu chính về bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm chương trình giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo nhà trên kênh rạch. Từ chính các chương trình này, kinh tế TP.HCM cũng phát triển theo xu hướng xanh bền vững, tạo nên nét văn minh đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân. Các tuyến kênh ô nhiễm một thời được hồi sinh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé và sắp tới là Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm…
 
Thế giới đã xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế xanh và công nghiệp hướng xanh của thành phố, hướng tới giảm thiểu ô nhiễm trong phát triển kinh tế - xã hội. TP.HCM đã đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh trong giai đoạn 2011 - 2020 trên cơ sở chương trình phát triển xanh quốc gia, trong đó tập trung vào các nhóm ngành tiêu biểu như công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng, xây dựng và giao thông.
 
Trao thêm quyền chủ động cho TP.HCM
 
TP.HCM là thành phố đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế, trong đó nền kinh tế xanh vẫn đang là chủ đạo phát triển trong những năm qua, thành quả đó thể hiện qua hình ảnh về hạ tầng giao thông và hạ tầng môi trường... Tuy nhiên, cũng có những hạn chế chưa khắc phục được do các yếu tố về ngân sách bị hạn hẹp, chưa có cơ chế chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực về kêu gọi đầu tư. Chính sách thì vẫn chưa chủ động được từ các bộ, ngành giao cho thành phố tự quyết, tự chịu trách nhiệm.
 
Từ tháng 8.2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội cho thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Theo đó, TP.HCM được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách TP.HCM được hưởng 100%. HĐND TP.HCM quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
 
Phát triển xanh là mục tiêu cốt lõi của TP.HCM
Thí điểm xe buýt điện tại TP.HCM. Loại hình phương tiện giao thông này vừa góp phần giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính vừa đáp ứng tăng trưởng xanh - ảnh: V.G.
 
Nếu so với kế hoạch, tiến độ thực hiện Nghị quyết 98 vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là khi xét đến các con số để lượng hóa hiệu quả triển khai trên thực tế. Nguyên nhân một phần do TP.HCM vẫn chưa được giao hết quyền tự quyết, nhiều vấn đề vẫn phải xin ý kiến bộ, ngành liên quan. Để có thêm động lực đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM cần được các bộ, ngành ủng hộ, giao quyền triệt để hơn. Có như vậy kinh tế xanh thực sự phát triển.
 
TP.HCM cũng khá chủ động trong thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính mà Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0" tổ chức hồi giữa tháng 9.2023 là minh chứng rõ nhất. Cuối tháng 1.2024, UBND TP.HCM tiếp tục phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tăng trưởng xanh, kêu gọi đầu tư vào 28 dự án với tổng vốn đầu tư gần 160.000 tỉ đồng. Ngoài ra, việc TP.HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện tại H.Cần Giờ cũng là bước đi thận trọng nhưng đầy quyết tâm. Là đầu tàu kinh tế, TP.HCM không thể đứng ngoài và càng không thể đi sau trong xu hướng tăng trưởng xanh.

Định hướng chuyển đổi kinh tế xanh TP.HCM
 
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, TP.HCM cần chú trọng liên kết phát triển khoa học công nghệ của địa phương với phát triển khoa học công nghệ của vùng và khu vực. Đồng thời, thay đổi, cải tiến các mô hình tăng trưởng lỗi thời, nâng cao hiệu suất, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là năng lượng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất sớm có lộ trình chuyển đổi thành khu công nghệ cao sản xuất các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao như chip điện tử và công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt là công nghệ sinh học trong ứng dụng y tế, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn đầu tư bên ngoài thông qua hình thức đối tác công - tư.
 
Với ngành công nghiệp và năng lượng: Cần giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ tài nguyên và nhiên liệu bằng việc hiện đại hóa công nghệ, tái chế và quay vòng sản phẩm. Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, cần áp dụng các công nghệ carbon thấp, tăng cường việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, sóng biển, gió…) và nhiên liệu sinh học. Lồng ghép các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu với chiến lược tăng trưởng xanh trong các cụm ngành kinh tế trọng điểm; mở rộng giao thương và hợp tác quốc tế về cả khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực, phát triển kinh tế đa ngành và chất lượng.
 
Phát triển xanh là mục tiêu cốt lõi của TP.HCM
TP.HCM đang kêu gọi đầu tư vào 28 dự án liên quan đến tăng trưởng xanh - ảnh: NGỌC DƯƠNG
 
Với ngành nông nghiệp: Cần phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ song song với việc áp dụng các phương thức canh tác giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và tiết kiệm tài nguyên. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu đáp ứng nhu cầu dân sinh của thành phố; khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu vào dự án cải tiến phương thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng.
 
Với lĩnh vực thương mại và dịch vụ: Cần tập trung công nghệ cho việc xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm, bến bãi, bến cảng, kể cả bến cảng nội địa; nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ và đảm bảo được việc kết nối các tỉnh, các vùng, các khu vực, biên giới và hải đảo. Phát triển ngành thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng và nâng tầm giá trị các sản phẩm của TP.HCM cho mọi miền và kể cả xuất khẩu.
 
Cũng cần trao đổi thêm rằng phát triển xanh cần có ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là bảo vệ chính sức khỏe bản thân mình và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường chung không thể tự nhiên có mà phải được hình thành từ quá trình giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Ý thức có thể hình thành từ khi trẻ em đến trường qua chương trình giáo dục, tiếp nhận từ tấm gương của người lớn có ý thức cao thượng về bảo vệ môi trường; ý thức có thể hình thành qua tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định; và xử phạt nghiêm khắc cũng chính là một cách giáo dục, hình thành ý thức bảo vệ môi trường tại TP.HCM ngày nay.
 
 

Phát triển xanh là mục tiêu cốt lõi của TP.HCM

 
ẢNH: NGỌC DƯƠNG - ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN
TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030
 
TP.HCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. TP.HCM cũng đang đối mặt những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
 
Cùng với xu hướng chung của thế giới, TP.HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
 
TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nỗ lực xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
 
TP.HCM đã chủ động tham khảo, hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để từ đó học hỏi, rút ra được nhiều kinh nghiệm hướng tới phát triển xanh, bền vững. Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành xây dựng khung chính sách tăng trưởng xanh thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, ngày 24.1.2024
TS PHẠM VIẾT THUẬN (Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM)