Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kênh đào Phù Nam - Techo ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào?

(07:07:17 AM 30/04/2024)
(Tin Môi Trường) - Ngày 23/4, tại Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông VN phối hợp Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia.

Nối sông Mê Kông với biển của Campuchia, dự án (DA) kênh đào này dài khoảng 180 km, được chính phủ Campuchia khởi xướng năm 2022. DA dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỉ USD.

 
Nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng nguồn nước
 
Tại buổi tham vấn, rất nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về DA với những tác động tiêu cực làm suy giảm tài nguyên nước vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh hạn mặn, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.
 
Ông Đặng Thanh Lâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho rằng trên quan điểm thủy lợi thì đây là tuyến kênh hoàn toàn tự do chuyển nước, can thiệp lớn vào nguồn nước của ĐBSCL. Bởi, ngoài vấn đề giao thông thủy, DA có tiềm năng về dẫn nước tưới cho khoảng 300.000 ha sản xuất lúa giáp VN.
 
Kênh đào Phù Nam - Techo ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào?
Mực nước trên sông Hậu, đoạn qua TP.Cần Thơ xuống rất thấp khi triều cường rút vào mùa khô- ảnh: Đình Tuyển
 
"Chúng tôi đang lập quy hoạch thủy lợi phòng, chống thiên tai cho lưu vực sông Cửu Long. Vì vậy, rất cần sớm có những đánh giá tác động chính thức để có thể đưa vào trong các nghiên cứu lập quy hoạch. Nếu chúng ta bỏ lỡ tới sang năm, thì rất có thể những quy hoạch sẽ bỏ qua các tác động lớn từ DA trên", ông Lâm nói.
 
Trước đó, trong báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam gửi Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cũng nhận định: Trường hợp Campuchia không chỉ sử dụng kênh đào cho mục đích giao thông thủy mà còn hướng đến đa mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và thương mại thì ước tính sơ bộ lưu lượng khai thác có thể lên đến 150 m3/giây, chiếm khoảng 30% lưu lượng về sông Hậu trong mùa kiệt. Qua đó có thể khiến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL trở nên gay gắt, khó lường hơn.
 
Bày tỏ lo ngại về DA trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), dự tính khi có kênh đào Phù Nam - Techo, sự thiếu hụt nước ở ĐBSCL sẽ trầm trọng hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác của vùng trong tương lai vào mùa khô.
 
"Trong khi đó, vào mùa mưa, kênh đào Phù Nam - Techo với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa cũng có thể trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ (lũ trên sông Mê Kông là lũ tràn đồng). Từ đó làm thay đổi nghiêm trọng về phân bổ nước về vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa lớn nhất của ĐBSCL", PGS Lê Anh Tuấn nói.
 
Cần đánh giá tác động xuyên biên giới
 
Theo thông tin từ DA, ngoài mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào tuyến sông Cửu Long đi qua ĐBSCL, kênh đào Phù Nam - Techo còn nhằm mang lại một số lợi ích khác như: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Campuchia và quốc gia khác. Thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh ven biển Campuchia…
 
Tuy nhiên, ở góc độ vận tải thủy, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN (cơ quan thường trực Hiệp định vận tải đường thủy giữa VN và Campuchia), cho biết: Hiện nay, 1/3 hàng hóa quá cảnh xuất, nhập của Campuchia từ khu vực cảng Phnom Penh sẽ qua cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang), cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) và tuyến sông Tiền để đến cảng biển Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đường thủy này có chiều dài lần lượt khoảng 300 km, 375 km, các phương tiện thủy của Campuchia được tự do giao thông thủy theo hiệp định giữa hai nước.
 
Trong trường hợp kênh đào Phù Nam - Techo hoàn thành, nếu hàng hóa từ Phnom Penh xuất đi các nước ở phía đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… qua kênh Phù Nam - Techo (180 km) sẽ còn phải đi vòng qua mũi Cà Mau của VN (tổng cộng khoảng 900 km). Như vậy, so với tuyến vận tải đường thủy truyền thống qua sông Tiền sẽ xa hơn khoảng 500 km. Vì vậy, khó để nói kênh Phù Nam - Techo sẽ mang lại lợi ích nếu xét về góc độ vận tải đường thủy.
 
Cũng tại buổi tham vấn, đại diện Ủy ban sông Mê Kông VN cho biết đến nay, trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về DA cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mê Kông VN đã trao đổi song phương với phía Campuchia. Đồng thời, đề nghị phía Campuchia chia sẻ các thông tin chi tiết về DA, bao gồm báo cáo khả thi DA; tiến hành nghiên cứu chung về tác động của DA; áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng đang nghiên cứu độc lập về tác động của DA kênh đào Phù Nam - Techo, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới, để đề xuất các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động.
 
Theo thiết kế, DA kênh đào Phù Nam - Techo có bề rộng đáy kênh 50 m, bề rộng mặt kênh từ 80 - 120 m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7 m, có thể cho tàu tải trọng đến 1.000 tấn đi qua.
Đình Tuyển