Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây

(11:39:38 AM 23/04/2024)
(Tin Môi Trường) - Kênh đào Funan Techo từ sông Mekong ra vịnh Thái Lan sẽ làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng xâm nhập mặn, đảo lộn hệ sinh thái tại miền Tây Việt Nam, theo chuyên gia.

Ngày 19/5/2023 Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn dự án Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac, còn gọi là kênh đào Funan Techo, sau 26 tháng nghiên cứu. Kênh dự kiến dài 180 km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Kênh chảy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.

 

Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây

 
Sơ đồ kênh đào Funan Techo. Đồ họa: ST
 
Công trình dự kiến có chiều rộng 100 m ở thượng nguồn, 80 m ở hạ nguồn, sâu 5,4 m, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa.
 
Dự án có tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên, dự kiến do công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao. Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028.
 
TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, cho biết kênh Funan Techo khi hình thành chắc chắn tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào còn phụ thuộc vào quy mô và mục đích sử dụng của phía hình thành, xây dựng dòng kênh.
 
Mặt khác, theo TS Tuấn, điều đáng quan tâm là đoạn một của kênh kết nối sông Mekong (sông Tiền) đến sông Hậu, sau đó mới tiếp tục đào ra hướng Vịnh Thái Lan. Nước bạn lấy lý do phát triển giao thông, nhưng rất có thể sẽ sử dụng nguồn nhiều nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Trong cơ cấu lượng nước sông Mekong, sông Tiền chiếm 90%, sông Hậu 10%. Vì thế lượng nước từ sông Hậu không đủ nên dự án mới có đoạn kênh đào nối thông với sông Tiền.
 
Điều này sẽ dẫn đến việc chia lại nguồn nước giữa hai dòng sông nói trên trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tùy lượng nước đổ về sông Hậu nhiều hay ít khi vào tỉnh An Giang sẽ có những tác động gây nên sạt lở từ địa phận TP Châu Đốc đến huyện Châu Phú (ngã ba với sông Vàm Nao) vì đoạn sông này nhỏ, bề ngang chỉ vài trăm mét. Từ đó vai trò điều tiết nước của sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu) bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều vấn đề liên quan...
 
"Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn", TS Tuấn nói.
 
Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
Khô hạn kéo dài khiến dòng kênh ở thị trấn Trần Văn Thời, Cà Mau, cạn trơ đáy, tháng 3/2024. Ảnh: Chúc Ly
 
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON - Mekong), Đại học Cần Thơ, cũng bày tỏ lo ngại dự án kênh Funan Techo ảnh hưởng tiêu cực môi trường và hệ thống nước sông Mekong, đặc biệt là dòng hạ lưu từ Campuchia về Việt Nam.
 
Ông phân tích những năm gần đây, dòng Mekong đối mặt thách thức rõ rệt từ các đợt hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô trong năm El Nino 2015-2016 và 2019-2020. Các dự báo về biến đổi khí hậu cũng cho thấy sự gián đoạn của chu kỳ gió mùa tự nhiên. Tức là, thời tiết sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn, dẫn đến tăng tần suất hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn...
 
Trong khi đó, kênh đào Funan Techo sẽ chi phối nguồn nước, làm thay đổi dòng thủy văn, dẫn đến các vấn đề môi trường nước và hệ sinh thái càng trầm trọng hơn. Việc này không chỉ tác động Việt Nam mà cả người dân Campuchia ở hạ nguồn của kênh này cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể là bất lợi cho nông nghiệp như sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, và cả đời sống người dân.
 
Theo Hiệp định Mekong năm 1995, các dự án ảnh hưởng dòng chính của sông phải được Ủy hội sông Mekong (MRC) "xem xét kỹ thuật", nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên bao gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan. Đây là căn cứ pháp lý quốc tế quan trọng cho Việt Nam, đòi hỏi phía Campuchia phải lấy ý kiến rộng rãi từ các nước trong khu vực về dự án kênh đào này.
 
Tuy nhiên, ông Trí không kỳ vọng vào "sức tác động" của cơ quan này. Bởi lẽ, MRC chỉ là bên điều phối, giúp các quốc gia cùng nhau ngồi lại đàm phán vì lợi ích chung của dòng sông, nhưng lại không thể ban hành chế tài cụ thể.
 
"Vấn đề của Mekong đã được minh chứng qua nhiều sự việc. Ví dụ như khi những con đập được xây dựng trên dòng chính, nhưng MRC không quyết định được bởi họ chỉ là đơn vị tạo sân chơi cho các bên trao đổi", ông nói.
 
Dù vậy, đây vẫn là cơ chế quốc tế chính thức, được công nhận. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng Việt Nam cần đặt ra các vấn đề của kênh đào này và thông qua MRC để "quốc tế hóa" nó, tạo áp lực để phía Campuchia có báo cáo đầy đủ và chi tiết hơn. Song song đó, nhà chức trách Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với các nhà khoa học trong và ngoài nước để đánh giá rõ tác động, hậu quả của dòng kênh này trong tương lai.
 
TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Viện phó Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR), cho biết quá trình theo dõi và cập nhật liên tục các thay đổi khí tượng, thủy văn ở lưu vực sông Mekong cho thấy, việc phát triển thủy điện và nông nghiệp ở thượng nguồn gây nhiều tác động đến hạ nguồn.
 
Cụ thể, xu thế lũ nhỏ đi, số năm lũ lớn ít hơn, phù sa giảm, điều tiết của Biển Hồ (Tonle Sap) giảm. Dòng chảy kiệt trái quy luật - đầu mùa khô và đầu mùa mưa dòng chảy thấp làm mặn đến sớm. Số năm hạn mặn lịch sử xuất hiện trở lại dày hơn, cụ thể là 2015-2016, 2019-2020; 2023-2024...
 
"Đồng bằng đã và đang bị định hình lại bởi các thay đổi trên", ông nói, cho biết trong bối cảnh này, Campuchia khởi công tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo sẽ làm gia tăng các quan ngại về hạn và xâm nhập mặn trên đồng bằng.
 
Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thức suốt đêm chờ lấy nước từ thiện trong mùa khô hạn kéo dài, tháng 4/2024. Ảnh: Thanh Tùng
 
Theo đại diện Viện SIWRR, các thông tin về dự án mà phía Campuchia cung cấp cho Ủy hội sông Mê Công theo thông báo ngày 8/8/2023 còn rất ít, chưa đủ để đánh giá đầy đủ tác động gia tăng đến nguồn nước, phù sa, sạt lở và xâm nhập mặn.
 
Ông cho rằng dự án cần có thêm các thông tin về: quy trình vận hành của cả tuyến giao thông nói chung và các khóa van nói riêng; giám sát lưu lượng qua tuyến kênh so với mức công bố bình quân là 3,6m3/s; mục đích khác của tuyến kênh (ví dụ như phục vụ sản xuất nông nghiệp); kết nối của tuyến kênh với các sông hiện hữu cắt ngang; các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi với sự cố giao thông thủy như tràn dầu, chất ô nhiễm nguy hại...
 
Theo báo cáo của Campuchia, kênh giao thông thủy Funan Techo có ba van kiểm soát lưu lượng, và mức bình quân qua tuyến giao thông khoảng 3,6 m3/s. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ của Viện SIWRR về tuyến kênh này cho kết quả khác. Cụ thể, trong trường hợp các khóa van mở liên tục và gia tăng một số diện tích tưới nơi tuyến giao thông đi qua, công suất tối đa (Qmax) có thể lớn hơn nhiều so với số liệu thông báo của Campuchia.
 
Từ thực tế này, Viện SIWRR kiến nghị Campuchia cần chia sẻ thêm các thông tin về dự án với MRC và Việt Nam, hỗ trợ các bên nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về dự án. Nếu mức độ tác động lớn hơn báo cáo ban đầu, MRC và Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án với tất cả lĩnh vực, từ đó đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động.
 
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40.000 km2, là nơi sinh sống của hơn 17,4 triệu người. Nơi đây chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP cả nước... Vùng đất này đang chịu ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu...
 
Hôm nay tại TP Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Funan Techo với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.
(Nguồn: VnExpress)