(Tin Môi Trường) - Nắng hạn kéo dài khiến nhiều hồ nước ở Bình Định trơ đáy, hàng nghìn ha lúa hè thu của nông dân có nguy cơ ngừng sản xuất và 24.000 người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, hiện lượng nước của 164 hồ trên địa bàn tỉnh này là 479/683 triệu m3, đạt trên 70% dung tích thiết kế, nguy cơ hạn hán xảy ra trong vụ sản xuất hè thu rất cao.
Đáng chú ý, có 22 hồ chứa đã cạn nước, tăng 6 hồ so với tuần trước, lượng nước tại các hồ chứa khác đang tiêu hao nhanh.
Nhiều hồ nước trơ đáy do đang trong quá trình sửa chữa khiến cho tình trạng thiếu nước càng trầm trọng hơn (Ảnh: Doãn Công).
Trong điều kiện dự báo nắng hạn, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Bình Định dự kiến ngừng sản xuất gần 2.000ha.
"Lượng nước giảm nhanh do nhu cầu cấp nước gia tăng, lượng mưa trong tháng giảm và nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Qua theo dõi trung bình mỗi tuần, lượng nước các hồ suy giảm từ 14 đến gần 20 triệu m3", ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thông tin.
Ngoài ra, trường hợp nắng nóng và không có mưa tiểu mãn sẽ có khoảng 24.000 người dân tỉnh này nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Với 3 sào ruộng phải bỏ hoang vụ hè thu, ông Năm Công (64 tuổi, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), cho biết: "Hàng chục ha đất sản xuất lúa của người dân thôn Cảnh An 1 đều lấy nước từ hồ Đá Vàng. Tuy nhiên, từ lâu hồ này không đáp ứng nước tưới vào mùa nắng hạn nên người dân chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân".
Trước nguy cơ nắng hạn kéo dài, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem công tác phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, khẩn trương triển khai phương án phòng, chống hạn.
Nhiều hồ chứa nước ở Bình Định trơ đáy hoặc chỉ còn 20-40% trữ lượng nước (Ảnh: Doãn Công).
"Hàng tuần, Sở NN&PTNT và các địa phương phải báo cáo UBND tỉnh về tình hình nắng hạn, hệ thống thủy lợi, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân… để lãnh đạo tỉnh theo dõi, có chỉ đạo kịp thời; không để xảy ra tình trạng người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở NN&PTNT tăng cường thông tin trên hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn về nguy cơ hạn hán, cần phải sử dụng tiết kiệm nước.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bình Định (đơn vị quản lý 63 hồ) củng cố lại tổ chức, thay đổi tư duy quản lý, xây dựng hệ thống vận hành tưới tiêu hiệu quả, nếu không sẽ xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng lưu ý đến việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nhất là đối với những hộ dân không thể sản xuất được vì không có nguồn nước tưới. UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đề xuất UBND tỉnh nguồn hỗ trợ và phương án hỗ trợ cụ thể…