(Tin Môi Trường) - Ngày 15/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNR) tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE phát biểu hai mạc
Tham dự Lễ phát động có TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; nhà báo Tạ Việt Anh, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cùng hơn 10 cơ quan báo chí, thông tấn tham dự và đưa tin. Trong cuộc thi này lần, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam được phân công là đơn vị tổ chức thực hiện.
Tiếp nối thành công của cuộc thi viết Cây cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam tổ chức lần thứ 1 vào năm 2015 nhân kỷ niệm 5 năm phát động sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tiếp tục phát động cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cồng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Góp phần bảo tồn các loài gen quý, phát huy giá trị đa dạng sinh học gắn với giá trị văn hóa lịch sử; Góp phần phát huy tác động tích cực của các hoạt động cộng đồng.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại buổi lễ
Tại Lễ phát động, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ xúc động trước sự lan tỏa của sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” trong suốt 14 năm qua. Trong lần tổ chức đầu tiên vào năm 2015 ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi và trao giải cho những tác phẩm ấn tượng. Bước sang năm thứ 14 với sự lan tỏa rộng khắp của 57/63 tỉnh/thành phố có Cây Di sản, TS. Nguyễn Ngọc Sinh hy vọng ban tổ chức cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam (lần 2) này có thể nhận nhiều hơn các bài dự thi, qua đó để thấy được sự hưởng ứng sâu sắc của cộng đồng với sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” của Hội...
Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh: Bảo tồn Cây Di sản là giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ, phát triển cây xanh mà quan trọng hơn là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh công tác bảo tồn những cây cổ thụ, cho đến nay sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã bước sang 14 năm với khoảng 7.000 cây cổ thụ tại nhiều địa phương trên cả nước được công nhận và bảo tồn. Sự lan tỏa rộng khắp của phong trào bảo tồn cây cổ thụ cho thấy trách nhiệm của cộng đồng đang ngày càng được nâng cao. Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam hy vọng sau cuộc thi này, công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học...tiếp tục được phát huy, đẩy mạnh.
Thay mặt Ban tổ chức Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Sinh khẳng định: Ban tổ chức mong muốn cuộc thi lần này có thể lan tỏa rộng rãi để cộng đồng tham gia và gửi về nhiều tác phẩm dự thi ý nghĩa về Cây Di sản, từ đó lan tỏa mạnh mẽ hơn ý nghĩa của việc bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ, hướng đến bảo tồn Cây Di sản.
TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch VACNE phát biểu
Quang cảnh buổi họp
Một số thông tin chính về Thể lệ cuộc thi:
Người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước có tác phẩm báo chí với nội dung, hình thức, điều kiện phù hợp với Thể lệ đều có thể gửi dự cuộc thi.
Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt, đánh máy một mặt trên khổ giấy A4; fon chữ Times New Roman cỡ chữ 14. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này. Trong mỗi tác phẩm dự thi phải thể hiện đầy đủ thông tin về tác giả (họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, điện thoại, Email (nếu có).
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. (Thời gian tính theo dấu Bưu điện với bản cứng hoặc thời điểm gửi thư điện tử với bản mềm). Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội). E-mail: Caydisanvietnam@gmail.com
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
+ 01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
+ 02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
+ 05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
+ 15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.