(Tin Môi Trường) - Chùm cây ngô đồng, cây nánh, cây kén, cây đa núi… đã hiện hữu hàng trăm năm ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) trước khi con người khám phá ra xã đảo. Những "cụ" cây này đã đi cùng năm tháng, gắn chặt với đất và người xứ cù lao xanh.
Cây cao bóng cả
Nhắc đến ngô đồng, người ta nghĩ ngay đến giống cây đặc trưng của xứ đảo Cù Lao Chàm. Cây mọc thành rừng, không còn xa lạ với nhịp sống của người dân ngoài đảo. Nhưng với một cụm cây ngô đồng vừa được công nhận Cây di sản VN ngoài xã đảo Cù Lao Chàm, không phải ai cũng tỏ tường.
Cụ đa hơn 600 năm tuổi trên đảo Cù Lao Chàm được công nhận Cây di sản VN - ảnh: Nam Thịnh
Cụ bà Lê Thị Kề ( 82 tuổi, ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp) kể từ khi con người khai phá ra đảo Cù Lao Chàm thì cây ngô đồng đã có mặt ở đó cả mấy trăm năm trước rồi. Riêng với chùm cây ngô đồng đỏ nằm ngay đoạn dốc Suối Tình, theo ước tính của cơ quan chức năng, có 3 cây ngô đồng đỏ tuổi đời 200 - 300 năm. Bà bảo người dân xã đảo luôn tôn thờ những "cụ" thảo mộc, nên lớp người già thường căn dặn lớp trẻ mỗi lần đi ngang qua cây đều phải giữ im lặng, cúi đầu như một cách để cảm tạ thần rừng, thần núi đã ban phước lành cho xứ đảo tiền tiêu.
Cây ngô đồng không chỉ là biểu tượng của xứ đảo cù lao, mà những sản phẩm làm ra từ cây rất có giá trị, được người dân lẫn du khách ưa chuộng. Những chiếc võng đan từ vỏ cây ngô đồng được ví von là sản phẩm thủ công "độc đáo nhất thế giới". Để tạo ra được một chiếc võng, người thợ phải mất hơn 2 tháng công, chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu. Ngoài ra, còn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, nhẫn nại... "Võng ngô đồng có tác dụng trị phong, trị đổ mồ hôi trộm, nằm võng ngô đồng thấy rất khỏe, ngon giấc. Chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Cù Lao Chàm, trong đó ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của người dân xứ đảo", cụ Kề tấm tắc.
Án ngữ miếu tổ nghề yến ở thôn Bãi Hương là bộ đôi cây nánh (thàn mát) và kén hơn 200 năm tuổi. Cây kén nằm góc phải sân, cây nánh nằm góc trái. Tán 2 cây quyện vào nhau, che mát cả khoảng sân trời. Với người dân ở đây, từ lâu bóng cây đã trở thành một "di sản". Mỗi chiều, cả làng tụ tập về đây; người lớn đan lưới, trò chuyện, trẻ con chơi đùa, đọc sách...
Cung đường cây di sản
Từ miếu tổ nghề yến, hướng mắt về núi đá Cù Lao sẽ thấy tán cây đa hơn 600 năm tuổi sừng sững bên vệ đường. Thân cây như một vách thành, hệ rễ vươn lên cao chống đỡ vòm lá rộng như ôm chặt núi đá.
Cây ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm
Cụ ông Trần Tư (80 tuổi, ở thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp) bảo "cụ" đa này trọng tuổi nhất xứ Cù Lao Chàm. Nơi cây bén rễ cũng trở thành địa điểm linh thiêng đối với các thế hệ người dân xứ đảo. "Ở đây người dân sống chủ yếu dựa vào biển cả nên rất coi trọng câu chuyện tâm linh. Trước khi dong thuyền ra khơi hay quay về sau những chuyến biển dài ngày, ngư dân lại tìm đến gốc cây đa cổ thụ khấn vái, cảm tạ vì đã phù hộ cho họ bình yên, tôm cá đầy thuyền. Tất cả người dân đều có ý thức bảo vệ gìn giữ cây đa cổ và coi đó là cây thiêng ở quần đảo luôn hứng gió bão này", cụ Tư nói.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết năm 2015 Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã trao bằng công nhận Cây di sản cùng lúc cho cụm 3 cây ngô đồng đỏ tại dốc Suối Tình ở thôn Bãi Làng, cây đa núi ở sườn đông của Hòn Lao, cây nánh, cây kén ở miếu tổ nghề yến ở thôn Bãi Hương. Theo bà Hương, việc các "cụ" cây được công nhận di sản có ý nghĩa rất lớn đối với xã đảo Cù Lao Chàm. Đây là cách tốt nhất để phát huy, bảo tồn các loại cây của địa phương, đồng thời quảng bá du lịch. "Đối với những cây đã được công nhận là cây di sản nói riêng và thảm thực vật trên đảo nói chung, địa phương sẽ ra sức giữ gìn, chăm sóc để phát huy tốt nhất hiệu quả mà những loại cây này mang lại. Riêng cây ngô đồng thì sẽ nhân rộng bằng cách phát động trong dân trồng thêm. Khai thác, nhưng phải bảo tồn một cách bền vững. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL đưa nghề đan võng ngô đồng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", bà Hương nói.
Giờ đây, du khách đến đảo Cù Lao Chàm nếu rong chơi dọc đường biển từ thôn Bãi Làng đến thôn Bãi Hương rồi vòng qua sườn đông đảo có thể chạm mặt đủ 4 loại cây di sản đã gắn bó bao đời cùng đất và người xứ đảo. Theo bà Hương, trong tương lai, địa phương sẽ quy hoạch bài bản thành một cung đường cây di sản và đặt nhiều kỳ vọng về một tour du lịch đặc sắc.
Đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có diện tích khoảng 15 km2, dân số hơn 3.000 người, cách đất liền 18 km. Năm 2009, cụm đảo Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nơi đây, ngoài 950 loài thủy sinh đang được bảo tồn, còn có hệ động thực vật phong phú, trong đó có hàng loạt "cụ" cây có tuổi đời hàng trăm năm như cây ngô đồng, cây nánh, cây kén, cây đa núi…