(Tin Môi Trường) - Cây đa ở làng Trúc Hà, xã Đại Hưng (H.Đại Lộc, Quảng Nam) không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân, mà điều khá lạ và khó lý giải là xóm làng liên tục bị bom đạn cày xới trong chiến tranh nhưng cây đa vẫn vẹn nguyên, xanh tốt.
Cổ thụ bén rễ ở đất thiêng
Cây đa di sản làng Trúc Hà nằm trong quần thể kiến trúc, di tích của làng, bao gồm miếu Ngũ Nương Tự (xây dựng thời Gia Long). Tương truyền, sau khi quân chúa Trịnh do tướng Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy đánh chiếm Phú Xuân, Định vương Nguyễn Phúc Thuần cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Quảng Nam bằng đường bộ thì gặp cánh quân của Tây Sơn do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy truy sát. Một lần, khi quân chúa Nguyễn vượt qua sông Con, đến cánh đồng thuộc làng Trúc Hà bây giờ thì gặp 5 phụ nữ đang cấy lúa. Quân chúa Nguyễn hỏi đường, được họ chỉ đi theo hướng tây. Quân Tây Sơn truy đuổi tới sau, hỏi đường, họ lại chỉ sang hướng khác. Sau, biết bị lừa, quân Tây Sơn quay lại hạ sát 5 phụ nữ này.
Cây đa ở Đình Trung hơn 200 năm tuổi -ảnh: MẠNH CƯỜNG
Về sau, khi thống nhất giang sơn, nhớ ơn những người đã cứu mạng mình, vua Gia Long sắc phong cho 5 người là Ngũ Nương và cho xây một ngôi miếu Ngũ Nương Tự ở nơi họ tử nạn để thờ. Vua còn lệnh cho dân làng hằng năm vào ngày 14 tháng giêng tổ chức cúng tế, lệ ấy vẫn được lưu truyền tới nay. Trong 2 cuộc chiến tranh, miếu thờ Ngũ Nương Tự bị tàn phá nghiêm trọng, hiện là phế tích.
Theo các vị cao niên làng Trúc Hà, cây đa ở Đình Trung có hơn 200 năm tuổi, trồng cùng thời gian hoàn thành công trình Đình Trung của làng. Đình Trung được xây dựng vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1841) để thờ thần hoàng, vị phúc thần cấp thượng đẳng bảo vệ sự bình an cho cư dân địa phương.
Cụ Lê Chi Tịch (93 tuổi, ở làng Trúc Hà) cho hay Đình Trung - nơi có cây đa di sản ngày nay - xưa kia từng là công trình to lớn, uy nghiêm của làng. Đình dựng bằng gỗ lim, chích kèo thuộc hạng danh mộc được khắc chạm tinh xảo. Đình thờ 4 cấp thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần và nhân hiển thần. Chính điện thờ thần hoàng. Đình làng là nơi diễn ra các hoạt động tâm linh của nhân dân địa phương với việc tế tự hằng năm, được tổ chức trọng thể linh đình. "Điều khá lạ và khó lý giải là trải qua chiến tranh, liên tục bị bom đạn cày xới, năm 1947, Đình Trung bị phá hủy hoàn toàn song cây đa cổ thụ bên cạnh vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" và xanh tốt đến tận ngày nay", cụ Tịch nói.
Cụ ông Lê Chi Tịch kể lại những câu chuyện gắn với cây đa Đình Trung - ảnh: MẠNH CƯỜNG
Cụ Tịch cho hay theo các cao niên, cây đa càng phát triển thì làng sẽ có người học hành đỗ đạt cao. Cụ Tịch đã chứng kiến có 2 người ở làng này đỗ đạt cao thời trước. Trong đó, ông Lương Thúc Kỳ đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900) tại Trường Thừa Thiên, đồng khoa với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến. Đây là vị cử nhân đầu tiên của vùng tây Đại Lộc. Ngoài ra, có cụ Cao Hữu Chí 2 lần đỗ tú tài và được điều ra địa bàn thuộc H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) ngày nay để làm quan, nhưng ông từ chối với lý do là con trai một.
Chứng nhân lịch sử
Gốc cây đa rất to, tán rộng khoảng 45 m, cao khoảng 35 m, nhiều rễ lớn, trong đó có rễ treo lơ lửng giữa không trung. Tháng 7.2023, cây đa tại khuôn viên Đình Trung được công nhận là Cây di sản VN. Thời kỳ chống Pháp, Đình Trung là "bản doanh" của Chi bộ xã Đại Lãnh và cũng là nơi Huyện đội Đại Lộc tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang xã Đại Lãnh để bảo vệ vững chắc căn cứ Hồng - Lãnh.
Nhà ông Trần Sự (57 tuổi, ở làng Trúc Hà) nằm ngay cạnh cây đa Đình Trung, nên hàng chục năm qua ông theo sát sự thay đổi của "cụ" đa. Trải qua 2 cuộc chiến tranh và bao trận mưa bão, cây đa vẫn hiên ngang giữa trời. Ai sinh ra ở làng này đều có ký ức về Đình Trung và cây đa cổ thụ. Xưa, những đứa bé bắt đầu học ở trường làng thì ngôi trường đầu tiên cũng chính là không gian bên dưới tán đa. "Cây đa cổ thụ gắn liền với dân làng chúng tôi, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mấy chục năm trước, nơi gốc đa là trường học tạm của làng, ban đêm là nơi hội họp của bộ đội bàn kế hoạch đánh Pháp, đánh Mỹ. Vì vậy, cây đa như nhân chứng sống chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử", ông Sự chia sẻ.
Ông Phạm Thế Chất, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, cho hay việc cây đa cổ thụ được công nhận là Cây di sản VN có ý nghĩa quan trọng về việc gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái môi trường cũng như gắn liền với những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần của người dân. Cùng với cây đa di sản, dân làng Trúc Hà mong muốn có điều kiện phục dựng mái đình xưa cùng một số thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa của cư dân bản địa.
Theo ông Chất, cây đa có hình thái đẹp, tán lá xanh mát, lại gắn liền với nếp sống người dân địa phương đã bao đời nay. Chính quyền và nhân dân cam kết bảo tồn tốt nhất cho cây di sản như gìn giữ truyền thống tốt đẹp của ông cha, đồng thời tính toán đến việc khai thác giá trị kinh tế từ cây di sản bằng cách liên kết biến nơi đây thành điểm du lịch.
Đối với người dân vùng tây Đại Lộc, cây đa ở Đình Trung không chỉ là biểu tượng cho sự trường tồn và sức sống dẻo dai, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, với hình ảnh làng quê thân thuộc. Qua bao thăng trầm, cây đa lặng lẽ "chứng kiến" sự thay da đổi thịt từng ngày của làng quê Trúc Hà.